Nhiều bố mẹ cố chịu để sống tiếp với nhau vì nghĩ như vậy tốt cho con cái, nhưng thực tế, con của họ lại mong điều ngược lại.
Một khảo sát do tổ chức luật gia đình Resolution thực hiện cho thấy hầu hết những người trẻ tuổi từng trải qua chuyện gia đình ly hôn không tin bố mẹ nên cố chịu đựng nhau vì con cái.
Khảo sát cho thấy 82% những người thuộc độ tuổi 14-22, từng chịu cảnh gia đình tan vỡ, mong mỏi bố mẹ mình chia tay nếu họ không hạnh phúc. Khi được hỏi muốn nhắn nhủ điều gì với những bố mẹ đang cân nhắc chuyện bỏ nhau, một người được khảo sát nói: "Đừng cố ở lại vì lợi ích của con cái, ly dị tốt hơn là cố chịu đựng nhau hoặc vài năm sau vẫn chia tay khi mọi thứ tồi tệ hơn".
Ảnh minh họa: Stopbuggingme. |
Khảo sát này, được rút ra từ thông tin về ly dị mới nhất hằng năm của Cơ quan thống kê quốc gia (Anh), cũng cho thấy, trẻ muốn được tham gia nhiều hơn trong việc ra quyết định suốt quá trình ly dị của bố mẹ. Hơn 60% những người được hỏi cảm thấy bố mẹ họ đã cho con cái ra rìa trong quá trình ra quyết định về việc ly thân hay ly dị của mình.
Một nửa số người trẻ chỉ ra rằng họ không được nói bất cứ điều gì về việc mình sẽ sống với ai hay ở đâu. Một tỷ lệ áp đảo - 88% - thống nhất rằng điều quan trọng là đảm bảo cho con cái không cảm thấy họ phải lựa chọn giữa bố và mẹ.
Cảm thấy hoang mang và có lỗi là tâm lý phổ biến của những đứa con có bố mẹ ly hôn. Một nửa số người được hỏi thừa nhận không hiểu điều gì xảy ra trong suốt thời kỳ bố mẹ ly thân hay ly dị, trong khi 19% cho rằng đôi khi họ cảm thấy đó là lỗi của mình.
Nghiên cứu của Resolution cho thấy nhiều phụ huynh đã xử lý chuyện chia tay của mình khá tốt: Một nửa số người trẻ nói rằng bố mẹ luôn đặt nhu cầu của con cái lên trên hết.
Khi được hỏi điều muốn thay đổi nhất là gì về chuyện ly dị của bố mẹ, gần 1/3 số người tham gia nói họ từng mong nhất là bố mẹ mình không chỉ trích nhau trước mặt con cái, 30% khác thì muốn bố mẹ hiểu được cảm giác của con khi phải đứng giữa cuộc chiến của các bậc sinh thành.
Nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ của trẻ em với mẹ và các thành viên gia đình khác vẫn giữ nguyên hay được cải thiện sau chuyện ly dị, trong khi tình cảm với bố lại thường xấu hơn.
Jo Edwards, chủ tịch tổ chức Resolution cho biết: "Mặc dù lời đồn thổi phổ biến cho rằng tốt hơn bố mẹ nên ở lại với nhau vì quyền lợi của con cái, hầu hết trẻ em lại muốn bố mẹ chia tay hơn là cố chịu đựng mối quan hệ không hạnh phúc".
Theo đại diện này, phải chịu đựng sự xung đột và tình trạng bất an về tương lai là những điều tồi tệ cho trẻ, chứ không riêng chuyện ly dị. Điều này có nghĩa là bố mẹ cần cư xử có trách nhiệm, bảo vệ con trẻ khỏi những bất đồng của người lớn và hành động đúng mực, giao tiếp với con trong suốt quá trình này, khiến trẻ cảm thấy chúng được tham gia vào các quyết định quan trọng như mình sẽ ở đâu sau khi bố mẹ chia tay.
Vương Linh (Theo Theguardian)
Post a Comment