Dù không đi làm thì các bà vợ chỉ ở nhà nội trợ cũng có quỹ đen cao gấp 2-3 lần chồng.
Ở Nhật Bản, đàn ông chưa có gia đình nhận tiền lương trực tiếp từ công ty. Nếu đã lập gia đình, chi tiêu hàng tháng của bạn sẽ được nhận từ vợ. Thậm chí, một số công ty ở Nhật còn chuyển thẳng tiền lương của các ông chồng vào tài khoản của vợ. Lý do vì ở đất nước mặt trời mọc, từ xa xưa đã có truyền thống phụ nữ là người kiểm soát "tay hòm chìa khóa", trong khi đàn ông đóng vai trò là người kiếm tiền về cho gia đình.
Trên một diễn đàn, một người đàn ông Nhật viết: "Vợ tôi có một tài khoản đứng tên bố mẹ đẻ cô ấy. Tài khoản này đã được lập ra từ trước khi chúng tôi đến với nhau. Cô ấy nói rằng đó là số tiền 'phòng trường hợp có gì bất trắc xảy ra giữa chúng tôi'. Tôi khá chắc chắn cô ấy lấy tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng của tôi và chuyển một số sang tài khoản đó. Tôi biết mẹ cô ấy cũng không cho cha cô ấy biết tài khoản bí mật này. Chào mừng các bạn đến thế giới của những bà vợ Nhật".
Topic này thu hút khá đông đàn ông Nhật vào chia sẻ những trường hợp tương tự.
Một bài báo đăng trên tờ Japantoday có tựa đề "Đối với một số phụ nữ, cái chết của chồng giống như một hơi thở trong lành". Bài báo dẫn ra câu chuyện của một đôi vợ chồng ở Tokyo. Lúc chồng còn sống, hai người họ như những kẻ si tình, luôn ở bên nhau. Song khi người chồng qua đời, người vợ mở quán ăn nhẹ của mình nhanh hơn cả tổ chức đám tang cho chồng. "'Bây giờ', cô cười nhỏ nhẹ nói với các vị khách của mình. 'Tôi có thể làm tất cả những gì tôi muốn'". Hóa ra người vợ đã lập một quỹ đen và chỉ chờ cơ hội được sử dụng nó thoải mái.
Một góa phụ tên Yumi, 50 tuổi, có chồng mất hai năm trước vì xuất huyết não. Bà Yumi từng là mẫu bà nội trợ điển hình, nấu ăn, dọn dẹp, nuôi dạy con cái. Khi chồng còn sống, vợ chồng họ sống trong nhà của công ty. Ngay khi chồng chết, bà đã dùng số tiền tiết kiệm để chuyển ra ngoài. Yumi nhuộm tóc, sơn móng, mua cho mình những chiếc váy ngắn và tận hưởng cuộc sống. "Đây mới là cuộc sống. Đây là những gì tôi đã bỏ lỡ tất cả những năm qua", bà nói.
Các bà nổi trợ Nhật Bản nổi tiếng với quỹ đen. Ảnh: Hln. |
Có một thực tế ở Nhật Bản là, dù cho phụ nữ đều học hành tử tế, có việc làm nhưng khi kết hôn, số đông lại chọn ở nhà nội trợ. Một khi ở nhà họ sẽ nhận được một khoản trợ cấp hàng tháng từ chồng. Khoản tiền này được gọi là okozukai, mà họ dùng để đi chơi hoặc mua sắm cho bản thân. Tuy nhiên, nhiều người vợ Nhật Bản không chỉ có "okozukai", mà còn có "hesokuri" hay còn gọi là "tiết kiệm bí mật", "quỹ đen".
"Quỹ đen" của các bà vợ Nhật không đồng nghĩa với ích kỷ hay mưu lợi cá nhân. Người Nhật lưu truyền câu chuyện về người phụ nữ tên Chiyo, vợ của một samurai nổi tiếng thế kỷ 16. Cô tích trữ tiền trong nhiều năm trước khi sử dụng để mua một con chiến mã tốt nhất cho chồng ra trận. Con ngựa đã giúp chồng cô đánh bại kẻ thù và nổi danh sau trận chiến. Quỹ đen thể hiện cho đức tính tiết kiệm, biết lường trước tương lai của phụ nữ Nhật Bản.
Theo giáo sư tài chính Yoneo Takeda, Đại học Chiba thì số tiền quỹ đen được tích trữ ở nhà hoặc gửi vào tài khoản tiết kiệm bí mật, chứ không phải xung vào quỹ gia đình. Tiền có khi được giấu dưới đệm, trong tủ quần áo, ở mặt sau của giá sách hay thậm chí trong tủ lạnh, thùng gạo và đôi khi các bà nội trợ còn quên cả tiền đã giấu. Đa phần các bà nội trợ Nhật Bản sẽ dùng tiền này để mua bảo hiểm - một cách để bảo đảm cho tương lai, nếu một khi có những bất thường xảy ra như một cuộc khủng hoảng, ly hôn, bệnh tật...
"Bạn không muốn gia đình biết bạn có tiền", bà nội trợ 32 tuổi, mang họ Honami, sống ở một vùng ngoại ô Tokyo, nói. Cô có một quỹ bí mật, hiện đã được vài triệu yên và dùng một phần trong đó để đầu tư vào cổ phiếu. "Tôi mong muốn nhìn thấy số tiền lớn lên," cô nói.
Theo Yoji Sugaya, một nhà báo tự do chuyên viết các vấn đề kinh tế và xã hội ở Nhật Bản, nhiều người đàn ông biết và chấp nhận tài chính bí mật của vợ. "Khoản tiền này có thể sử dụng trong những trường hợp cấp bách và nó giúp tiết kiệm chi tiêu trong gia đình hơn", ông nói.
Quỹ đen của các bà nội trợ Nhật thường giấu ngay trong gia đình, chứ ít khi gửi ngân hàng. Ảnh: Japantimes. |
Thống kê thường niên năm 2014 cho thấy tiền quỹ đen của các bà nội trợ Nhật vượt quá 3,4 lần quỹ đen của các ông chồng. Số tiền trung bình các bà vợ có là 1.187.775 yên, trong khi của người chồng là 352.064 yên. Số liệu thống kê năm nay tuy tiền tiết kiệm của vợ Nhật Bản giảm, nhưng vẫn còn cao gấp đôi của chồng.
Trung bình một bà nội trợ độ tuổi 20 có 1.460.000 yên tiền bí mật. Các bà nội trợ tuổi 50 sẽ có 4.000.000 yên. Hơn 3/4 các bà nội trợ cho rằng chồng họ không biết đến tiền bí mật này, hoặc chỉ nghĩ số tiền vợ mình có ít hơn khoảng 1/3 so với con số thực tế.
Một cuộc thăm dò cho thấy 55% phụ nữ đã lập gia đều có quỹ đen mà chồng họ không hề hay biết.
Bảo Nhiên
Theo Nytimes, Japanesstoday
Post a Comment