Vợ chồng chat qua Facebook cho đỡ tốn tiền. Bữa nọ, chồng "bắt gặp" chị cười trìu mến với nam đồng nghiệp, nổi cơn ghen lồng lộn.
Niềm vui trong thế giới ảo trở thành nỗi buồn trong thế giới thật - Ảnh: mobilemarketingmagazine. |
Anh làm cán bộ phụ trách thông tin cơ mật ở xí nghiệp nên thường xuyên trực ca đêm. Chị làm giáo viên ở một trường gần nhà. Hai vợ chồng mua hai điện thoại thông minh để nhắn tin với nhau qua Facebook cho đỡ tốn tiền. Anh chị quy ước “công khai mật khẩu và thường xuyên cập nhật thông tin của nhau”. Những đêm trực trong cơ quan, anh lại mở chát với chị. Lúc rảnh rỗi mà chồng bận, chị chát với bạn bè, người thân, vào tường nhà mọi người bình luận hay cập nhật thông tin của mình. Chị cảm thấy hài lòng vì qua Facebook, chị gặp được bạn cũ và cả bạn mới.
Những tấm ảnh chị chụp với các đồng nghiệp nam đều được đưa lên mạng xã hội một cách vô tư mà không nghĩ ngợi gì. Trong một ca trực, anh vào Facebook của vợ, tá hỏa thấy ảnh vợ đang đứng cạnh một thanh niên đẹp trai và nhìn anh ta trìu mến còn anh chàng ghé vào đầu chị, các đồng nghiệp khác bên cạnh cũng vô cùng hớn hở. Những lời bình luận về bức ảnh càng khiến anh nóng mắt: “Đẹp đôi thế”, “Em biết rồi nha, em mách anh ấy”, “Gớm, gái có chồng mà còn tí tởn, định bắt cá hai tay hả…”. Cơn ghen nổi lên. Anh đùng đùng bỏ trực, nửa đêm chạy xe máy về nhà, dựng vợ dậy quát mắng.
Sau đó, vợ chồng anh chiến tranh lạnh. Những bữa cơm chung ngột ngạt. Dù chị đã nhiều lần giải thích những thông tin anh đọc được chỉ là ảo, là tán gẫu giết thời gian, nhưng anh không nghe. Anh cay nghiệt “ai biết ma ăn cỗ”. Khi chị nói: “Em mang bầu rất mệt, anh còn hành hạ em”, thì anh đay nghiến: “Chưa chắc nó là con tao”. Thực hiện chiêu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, mỗi đêm đi trực, anh khóa trái cửa mang chìa khóa theo để chị không thể ra ngoài, và nếu có "đứa nào léng phéng” thì cũng đứng ngoài “rỏ dãi”. Có đêm chị bị đau bụng, có đêm chị lên cơn nghén thèm ăn nhưng đành vật vã trong nhà...
Không chịu nổi sự ngược đãi tinh thần của chồng, chị cầm đơn đến tòa án xin ly hôn. Trong đơn chị viết: “Tôi và anh kết hôn từ đầu năm 2014. Nghĩ có con là sợi dây ràng buộc để anh và tôi xóa đi những giận hờn vô cớ và bỏ qua tất cả mọi lỗi lầm quá khứ. Nhưng không. Những ngày qua, tôi luôn bị anh bạo lực về tinh thần. Tôi không sống nổi với người chồng có máu ghen tuông như vậy. Lá đơn này là lá đơn thứ ba tôi viết với tất cả nỗi lòng. Xin tòa giải quyết cho tôi ly hôn”.
Câu chuyện trên đây của cặp vợ chồng ở Vũng Tàu chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp gia đình lục đục vì Facebook. Từng nhiều năm làm công tác tham vấn tâm lý, chuyên gia tâm lý Trần Đăng Thảo (tổng đài tư vấn 19006233 - Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật) cho biết, số ca liên quan đến mạng xã hội tìm đến văn phòng của ông ngày càng nhiều và càng đa dạng.
Ông Thảo vẫn nhớ một câu chuyện gần đây, người chồng băn khoăn không biết có nên ly hôn người vợ mà tất tần tật chuyện trong nhà đều tung lên Facebook. Không vừa ý mẹ chồng, đưa lên mạng. Vợ chồng cãi nhau, đưa lên mạng. Vợ chồng làm hòa cũng khoe. Thói quen xấu của chồng như quên giật nước toilet, ngủ ngáy cũng được vợ đưa lên phàn nàn. Bạn bè chung trên mạng của hai vợ chồng khá nhiều, vì thế người chồng thường xuyên bị đồng nghiệp trêu chọc sau khi đọc dòng trạng thái của vợ. Cảm thấy bức xúc vì bị vợ bêu riếu, anh này chỉ muốn dọn ra ở riêng.
Hay trường hợp một ông chồng đi ngoại tình mà nguyên nhân ban đầu là do chị vợ yêu Facebook hơn chồng. Về đến nhà, chị luôn kè kè điện thoại bên mình. Nhiều lần nấu cơm, ăn tối, bảo bài con học bị chị cắt ngang vì những tiếng tít tít báo có tin nhắn trên điện thoại. Trước khi đi ngủ, chị không quên đăng một dòng trạng thái hay bức ảnh và hóng xem có ai "like" hoặc bình luận gì không. Chán nản vì vợ bỏ bê mình, anh chồng đi tâm sự với bạn của vợ nhờ khuyên giải, rồi cuối cùng hai người ngã vào lòng nhau lúc nào không hay.
Bên cạnh những tiện ích kết nối thông tin thì Facebook lại đang làm cho nhiều mối quan hệ gia đình nói chung và vợ chồng nói riêng trở nên xa cách. Theo khảo sát của Hiệp hội các luật sư tranh chấp hôn nhân Mỹ (AAML), 81% thành viên cho hay số vụ ly hôn, tranh chấp pháp lý, giành quyền nuôi con... có sử dụng bằng chứng từ Internet đang gia tăng trong 5 năm qua. 66% cho rằng Facebook là ngọn nguồn gây ra nhiều vụ ly hôn và giành quyền nuôi con nhất.
Để tránh những rắc rối trong gia đình có nguyên nhân từ Facebook, chuyên gia tâm lý Trần Đăng Thảo khuyên, người dùng cần ghi nhớ 4 nguyên tắc sau:
1. Không đăng những chuyện riêng tư của vợ chồng.
2. Không kể xấu hoặc than phiền về bạn đời hoặc người thân của họ.
3. Nên minh bạch công khai với bạn đời và nên hỏi người ấy trước khi bạn muốn đăng một nội dung hoặc bức ảnh liên quan đến hai người.
4. Chỉ nên dành một thời gian nhất định trong ngày cho việc dùng Facebook, thời gian còn lại để vợ chồng trao đổi, tâm sự, chia sẻ và chăm sóc con cái.
Ông Thảo nhấn mạnh, mạng xã hội là con dao hai lưỡi nên trước khi đưa bất kì thông tin nào lên trên đó bạn cần suy xét, cân nhắc thận trọng.
Giáo sư tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch bổ sung, trong cuộc sống, yếu tố riêng tư là rất quan trọng, khi mất đi yếu tố riêng tư thì thế giới không tồn tại nữa. Khi hai người chưa kết hôn, họ là hai cá thể riêng lẻ, nhưng khi kết hôn rồi sẽ thành cái đơn nhất, tức là có những điều không được phép chia sẻ với ai nữa. Giáo sư cho rằng khi muốn đưa một điều gì đó lên mạng xã hội, người ta cần phải nhớ nguyên tắc: chỉ chia sẻ cái chung và không chia sẻ cái riêng. Những điều riêng tư trong hôn nhân không nên là đề tài để đưa lên mạng.
Giáo sư cho rằng người tung hê những cái xấu của người bạn đời hay gia đình lên mạng là những người có nội tâm yếu ớt. Trong cuộc sống không ai hoàn hảo, ai cũng có lúc bực bội, có lúc sai lầm nhưng cần biết kiểm soát cảm xúc. Nếu có điều gì đó không hài lòng với nhau thì hai vợ chồng nên trao đổi thẳng thắn với nhau chứ không phải là đăng trên Facebook để cho nhiều người cùng biết. Các cụ ngày xưa đã có câu: “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, khi ta chê bai người kia cũng chính là đang tự làm nhục mình, người ta sẽ thắc mắc, “bạn như thế nào thì vợ/chồng của bạn mới tệ như thế”. Khi sự việc đã được đem lên mạng xã hội, để mạng xã hội phân xử thì khác nào bạn đưa sự việc ra tòa, và tòa án ở đây chính là tòa án lương tâm.
Ông cũng cho rằng đăng những hình ảnh đùa giỡn (ví dụ chòng ghẹo, hôn đồng nghiệp khác giới) là xúc phạm đến bạn đời. Rõ ràng những hành động đó là vui vẻ, diễn ra trước đông người, nhưng khi đăng lên Facebook thì sự đùa giỡn đã không còn nữa. Người ta chỉ thấy lịch sử đăng bức hình nhưng không ai có thể giải thích được về sự đùa giỡn của nó. Vì thế, nếu muốn giữ hạnh phúc gia đình, đừng dại gì "gây bão" bằng mạng xã hội.
Mai Thắng - Kim Anh
Post a Comment