Dòng sản phẩm kẹo dừa không dính răng của chị Đặng Thị Trúc Lan Chi được người tiêu dùng ưa chuộng, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động.
Về vùng đất xứ dừa, chắc hẳn không ai không biết đến tên tuổi chị Đặng Thị Trúc Lan Chi - người làm ra sản phẩm kẹo dừa không dính răng, cải tiến ngành kẹo dừa mềm truyền thống của quê hương Bến Tre.
Là một người phụ nữ nhẹ nhàng, tinh tế, hiếm ai có thể biết được chị từng vất vả khởi nghiệp với hai bàn tay trắng vào năm 22 tuổi. Từ một cơ sở sản xuất mạch nha nhỏ quy mô gia đình, phát triển dần thành cơ sở sản xuất kẹo dừa với quy mô vừa vào năm 2003, chị đã mạnh dạn quyết định thành lập Công ty TNHH Vĩnh Tiến.
Hiện sản phẩm kẹo dừa Vĩnh Tiến với thương hiệu Yến Hoàng đã cung cấp cho thị trường xuất khẩu hơn 1.300 tấn sản phẩm mỗi năm, trong đó 90% sản phẩm được xuất khẩu, tạo được đầu ra tốt, giữ vững sản lượng. Công ty của chị giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, chủ yếu là lao động nữ có thu nhập ổn định. Công ty luôn đảm bảo tất cả lao động đều được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn lao động và bảo hiểm thất nghiệp…
Với phương châm “Sống là không ngừng chia sẻ để góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước”, chị đã tạo nên bước phát triển vượt bậc khi thử nghiệm qua hàng chục công thức và thành công cho ra đời dòng sản phẩm “kẹo dừa không dính răng”. Đây là một ý tưởng mới rất có giá trị, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Ngoài ra, một sản phẩm đặc sắc khác của công ty là bánh hoa dừa được làm từ cơm dừa tươi mang hương vị béo, thơm tự nhiên của dừa cũng được xuất khẩu ra nước ngoài. Sản phẩm này giúp chị đạt giải “Phụ nữ sáng tạo” năm 2013.
Nếu có dịp tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa của chị Lan Chi, bạn sẽ đặt cho mình câu hỏi tại sao doanh nghiệp sản xuất kẹo dừa của chị lại được tiếp tục duy trì sản xuất trong thành phố, không phải di dời theo dự án di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra ngoại ô của tỉnh Bến Tre. Mua dừa trái về chế biến sẽ có lợi nhuận cao hơn nhờ lợi nhuận tăng thêm từ vỏ, gáo, và nước dừa. Tuy nhiên, chị Lan Chi thu mua nguyên liệu cơm dừa trắng nhằm chia sẻ khâu sơ chế nguyên liệu cho người dân, tận dụng lao động nhàn rỗi, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và giải phóng thêm sức lao động tại địa phương.
Không chỉ tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động, chị Lan Chi còn gián tiếp chia lợi nhuận và giải phóng sức lao động cho nhiều hộ gia đình cung cấp cơm dừa. Từ lợi nhuận thu được hàng năm, chị Lan Chi luôn dành phần đáng kể cho công tác xã hội, từ thiện, duy trì đều đặn kinh phí ủng hộ quỹ học bổng, kinh phí mổ tim cho trẻ em nghèo, kinh phí xây dựng giao thông nông thôn… với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Từ những sáng tạo trong lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và nhiều hộ gia đình, chị Đặng Thị Trúc Lan Chi đã trở thành một trong những nữ doanh nhân tiêu biểu của đất nước. Ngoài những giải thưởng như "Doanh nghiệp tiêu biểu toàn quốc - Cúp Thánh Gióng", "Nữ doanh nhân tiêu biểu - Cúp Bông Hồng Vàng", "Doanh nhân tiêu biểu khu vực đồng bằng sông Cửu Long", "Doanh nhân Đất Việt thế kỷ 21"… chị còn nhận được kỷ niệm chương và bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Công Thương.
Kim Lài
Từ nay đến ngày 20/12, bạn có thể chia sẻ câu chuyện về chân dung những phụ nữ tự tin, tiến bước ngoài xã hội và có những đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt cho phụ nữ qua bài viết dạng text kèm 2 tấm hình của nhân vật. Gửi file word và hình ảnh về địa chỉ emai: giaithuongtutintienbuoc@gmail.com. Trong bài ghi rõ địa chỉ liên lạc của người viết và của nhân vật. Tác giả bài viết chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong bài.Box:
Mỗi tuần, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Công ty P&G sẽ chọn ra một bài viết hay nhất để trao quà tặng là một năm sử dụng miễn phí sản phẩm Ariel.
Post a Comment