Trước tòa, sau khi đưa ra nhiều lý do chia tay mà liên tục bị chồng bác bỏ, chị Hồng gào lên "đơn giản là tôi không muốn sống với kẻ cưỡng bức mình!".

Câu nói của chị Hồng khiến chồng chị chết lặng. Hai người sau đó đã chia tay nhưng vẫn mang vết thương lòng về chuyện này.

Chị Hồng, nhân viên một công ty thiết kế nội thất tại Hà Nội, cho biết, vợ chồng chị đến với nhau bằng tình yêu. Mấy năm đầu chung sống, hai người khá hạnh phúc và hòa hợp chuyện chăn gối. Nhưng sau khi sinh con thứ hai, chị hầu như không còn hứng thú. "Giai đoạn này mình stress thực sự vì hai con sinh gần nhau, hay ốm đau. Mình vừa chịu áp lực công việc cơ quan, vừa làm việc nhà, vừa lo cho con trong khi ông chồng vẫn thong dong, nhiều hôm hết giờ làm không về mà còn tụ tập rượu bia, bi-a... nên mình càng chán gần gũi", chị kể.

Thấy vợ từ chối quan hệ, anh xã cho rằng chỉ vì vợ giận dỗi hoặc cố tình làm vậy để được anh phải năn nỉ, xuống nước. Sau vài lần nịnh nọt vẫn không lay chuyển được vợ, anh bực tức và gây áp lực buộc chị phải vào cuộc.

"Không thể nào quên lần ấy, anh ta đi uống về ngà ngà, thở nồng nặc vào mặt mình rồi lao tới như con thú, không cả bận tâm tới chuyện hai đứa con vừa ngủ đang nằm ngay cạnh. Mình không chống trả được đành chịu trận rồi sau đó òa khóc vì tủi hổ và cảm giác đau buốt, trong khi lão chồng xong việc nằm ngáy khò khò", chị Hồng kể lại. 

Sau nhiều lần chịu cảnh này, chị Hồng nhìn chồng như kẻ thù, chỉ thấy anh là gã bản năng thô thiển chứ không phải người đàn ông hiền lành mà chị từng yêu trước kia. "Từ chối không nổi, nói chuyện không giải quyết vấn đề, cũng chẳng thể tiếp tục chịu đựng, mình đưa đơn ly hôn mà anh ta vẫn tưởng chỉ là dọa", chị nói. 

ly-hon-vi-bi-chong-cuong-dam

Ảnh minh họa: Totallifecounseling.

Cũng rơi vào cảnh bỗng dưng chẳng còn cảm xúc chăn gối và không thể cố chịu đựng những màn "yêu" như tra tấn của chồng, chị Hiên (Đống Đa, Hà Nội) câm nín khi ông xã công khai chuyện mình đi "ăn bánh trả tiền".

"Anh ta nói do tôi không hoàn thành nghĩa vụ của một người vợ nên mới phải tìm tới nước đó", người phụ nữ 37 tuổi kể. Chị nói rằng, trước mắt, chị thà chấp nhận cảnh chồng ra ngoài vui vẻ còn hơn phải cố "chiều" anh ta như trước đây. "Có lẽ cũng khó sống cảnh này mãi được nhưng con còn nhỏ, kinh tế chưa độc lập được", chị nói.

30% các cặp vợ chồng có hiện tượng bị ép quan hệ phòng the và nạn nhân đa số là phụ nữ - là con số được Ủy ban các vấn đề xã hội đưa ra vài năm trước. Nhận định về vấn đề này, trong hội thảo 25/11 tại Hà Nội về "bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái", thạc sĩ Phan Thu Hiền, chuyên gia giới, Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cho biết, đây là một thực tế xảy ra rất phổ biến tại nước ta hiện nay.

Bà Hiền chia sẻ, mấy năm trước, trong quá trình nghiên cứu về bạo lực tình dục, khi bà hỏi một số ông chồng là "có từng cưỡng bức vợ" thì 100% đều chẳng định không. Họ cho rằng: "Vợ là của mình, chồng thích làm gì chẳng được, sao gọi là cưỡng bức". Nhưng với câu hỏi "các anh có bao giờ quan hệ ngay cả khi vợ không muốn?” thì câu trả lời nhận được là "thường xuyên", "chuyện như cơm bữa"... bởi "các bà ấy có thích 'chuyện ấy' mấy đâu" hay "cô ấy nằm im như khúc gỗ", "cô ấy như cái xác để tôi muốn làm gì thì làm"... 

"Rõ ràng, chính nam giới cũng không nhận thức được hành động ép vợ quan hệ khi bạn đời không muốn là hành vi cưỡng bức", bà Hiền nói. 

Bà cho biết, trong nghiên cứu của bà, nhiều phụ nữ cũng thổ lộ rằng: Nhiều khi họ không hề có chút hứng thú nào nhưng vẫn phải chiều chồng vì sợ nếu không đáp ứng thì bạn đời sẽ không yêu mình, gây sự, đi cặp bồ, không mang tiền về, uống rượu, thậm chí dùng bạo lực... "Trong trường hợp này, chúng tôi cũng gọi là cưỡng bức trong hôn nhân, dù người đàn ông không trực tiếp ép buộc vợ nhưng anh ta đẩy người phụ nữ của mình vào tình thế chấp nhận làm 'chuyện ấy' dù không mong muốn", bà Hiền bày tỏ. 

Tuy nhiên, cưỡng bức tình dục trong hôn nhân thường khó được nhận biết vì sự che phủ của những chuẩn mực đạo đức, những quan niệm cũ về giới như chồng thì được quyền đòi hỏi còn vợ phải có nghĩa vụ đáp ứng. 

Theo chuyên gia này, tình dục vợ chồng hòa hợp là phải có sự hưởng ứng từ hai phía. Nó không chỉ để duy trì nòi giống mà còn liên quan tới sức khỏe, tình cảm, sự chia sẻ và cảm thông giữa hai người. Ngoài ra, cưỡng bức tình dục còn có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, sẩy thai, lây truyền các bệnh qua đường tình dục, gây sang chấn về tinh thần lẫn các chấn thương về cả thể chất và cảm xúc, thậm chí có những trường hợp còn tử vong. Nhiều chị em còn dần bị lãnh cảm. Từ đó, họ ghê sợ "chuyện ấy" và ghê sợ luôn cả người đầu ấp tay gối với mình. Hôn nhân cũng vì thế mà đi vào ngõ cụt.

"Khi rơi vào tình huống bị đòi hỏi quan hệ khi không mong muốn, người vợ hoàn toàn có quyền từ chối và chia sẻ cho bạn đời hiểu rõ lý do. Giao tiếp thẳng thắn, tế nhị, có sự cảm thông và cùng nhau tìm hướng cải thiện đời sống chăn gối là chìa khóa giải quyết vấn đề này. Nhưng khi cách đó không thể sử dụng hoặc dùng không hiệu quả, nếu bị cưỡng ép bạo lực, bạn hãy nhờ tới sự giúp đỡ của những người có uy tín và cơ quan chức năng", chuyên gia chia sẻ. 

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Lê Thị Vân Anh, vụ pháp luật hình sự, hành chính, Bộ Tư pháp, hiện nay, không chỉ người dân mà nhiều luật sư, thẩm phán cũng chưa có nhận thức đúng đắn về vấn đề xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân và đây còn là khoảng trống trong quy định pháp luật.

Bà Vân Anh chia sẻ, trong khảo sát của bà về vấn đề này, khi được hỏi, một thẩm phán tại Hà Nội vẫn cho rằng: Chồng không được sự đồng ý của vợ, phải dùng bạo lực để ép buộc vợ quan hệ là chuyện bình thường vì đó là quyền của anh ta. "Một số luật sư cũng có suy nghĩ này. Đây là một thực tế đáng buồn, trong khi cưỡng dâm trong hôn nhân là một vấn đề phổ biến, không chỉ ở vùng sâu vùng xa mà ngay cả ở thành thị...", bà Vân Anh bày tỏ.

Bà cho biết, khi khảo sát một số nạn nhân bị chồng cưỡng bức, họ cho biết, có những lần, sau khi xảy ra sự việc, vì bất mãn và không thể chịu đựng được, họ có đi báo nhưng cơ quan tố tụng không thụ lý vì cho đây là vấn đề gia đình, cần giải quyết ở tổ dân phố.... Trong khi đó, một nhà nghiên cứu về bạo lực gia đình cho biết, các cán bộ địa phương thường không muốn can thiệp vào việc này.

"Có anh dân phòng ở Đông Anh còn nói rằng 'vợ chồng không ngủ được với nhau cũng gọi cho tôi dậy, nhưng tôi xuống đó thì có giải quyết được gì đâu, lại chẳng được trả thêm đồng nào'. Cũng vì bức bách khi không thể cưỡng lại chồng cũng không nhờ được sự trợ giúp của bất cứ ai, tổ chức nào, nhiều chị em đã lựa chọn ly hôn như một cách giải thoát", bà Vân Anh chia sẻ.

Bà cho biết, Bộ tư pháp đã đề xuất nên quy định cụ thể hành vi cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân cũng là tội phạm hình sự nhưng hiện chưa được thông qua. 

Vương Linh

Post a Comment

 
Top