Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc tiêm vaccine dịch vụ hiện nay chủ yếu được thực hiện ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và chỉ có rất ít trẻ em tiêm chủng theo hình thức này.

Trong năm 2014, cả nước có khoảng 1,6 triệu trẻ em được tiêm chủng vaccine Quinvaxem với tỉ lệ tiêm chủng đạt trên 95%. Trong khi đó, số lượng trẻ tiêm vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1 thuộc tiêm dịch vụ khoảng 100.000 trẻ, chủ yếu là những gia đình có điều kiện kinh tế.

Số lượng 2 loại vaccine trên được sử dụng qua hình thức tiêm chủng dịch vụ tương đương khoảng 8% số lượng vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, cũng không thể so sánh tỉ lệ phản ứng sau tiêm của các loại vaccine này vì số lượng tiêm quá ít.

  Đưa trẻ ra nước ngoài tiêm chủng, an toàn đến đâu? - Ảnh 1

Ảnh: VGP/Thúy Hà

Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến trẻ tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem gần đây (mặc dù đã có kết luận không phải do vaccine) khiến một số gia đình chuyển sang lựa chọn hình thức tiêm dịch vụ cho con.

Vì số lượng vaccine dịch vụ không đủ đáp ứng nhu cầu, nên có hiện tượng một số gia đình sẵn sàng đưa con ra nước ngoài, ví dụ Singapore, theo hình thức đi du lịch nhưng kết hợp tiêm chủng. Trên thực tế, việc này cũng không được công khai một cách chính danh nên các cơ quan chức năng (hải quan, y tế, xuất nhập cảnh...) rất khó nắm được số liệu thống kê.

“Việc đưa trẻ ra nước ngoài tiêm chủng hiện nay là hình thức tư nhân nên rất khó đảm bảo sự chắc chắn tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, chúng ta cũng không biết tỉ lệ phản ứng sau tiêm tại Singapore như nào”, ông Trần Đắc Phu cho biết.

Tiếp tục sử dụng Quinvaxem hay thay thế vaccine khác?

Theo PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, khác nhau cơ bản giữa vaccine Quinvaxem và các vaccine khác, như 5 trong 1, 6 trong 1 đang sử dụng tại Việt Nam hiện nay, là thành phần vaccine ho gà toàn tế bào (Quinvaxem) hay vô bào (vaccine dịch vụ). Việc chuyển đổi từ sử dụng ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào đã được nhiều nước triển khai và các hạn chế của vaccine này cũng đã được ghi nhận tại những nước có nền kinh tế phát triển.

PGS. Lân phân tích, tại Mỹ, trước khi có vaccine, bệnh ho gà hằng năm gây bệnh cho hơn 200.000 người và làm tử vong 10.000 người. Sau khi đưa vaccine ho gà toàn tế bào vào sử dụng, trong năm 1976, tỉ lệ bệnh ho gà giảm đến 95%.

Tuy nhiên, từ khi chuyển sang dùng ho gà vô bào năm 1990, dịch ho gà bắt đầu bùng phát vào các năm sau đó. Cụ thể, dịch ho gà có xu hướng xảy ra theo chu kỳ và nặng nhất vào những năm 2005, 2010 và 2014.

Dịch có chu kỳ khoảng 5 năm và nguyên nhân do sự giảm miễn dịch bảo vệ của ho gà vô bào và sự tích lũy các ca này theo từng năm và dịch năm 2014 tại Mỹ được cho là lớn nhất trong vòng 50 năm qua. Ngay cả khi đã bổ sung lịch tiêm nhắc lại nhiều mũi nhưng hiện tại, hằng năm, tại Mỹ vẫn ghi nhận 10.000-40.000 ca mắc và 10-20 ca tử vong vì bệnh này.

Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015 về tỉ lệ bệnh ho gà tại 19 nước (4 nước thu nhập trung bình khá và 15 nước thu nhập cao) cũng cho thấy dù không có sự bùng phát dịch ho gà trên toàn cầu nhưng tại 5/19 nước (Australia, Chile, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ), dịch ho gà thật sự đã gia tăng.

Trong số 5 nước này, có 4 nước trước đó đã chuyển từ ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào (chỉ có Chile dùng ho gà toàn tế bào và dịch ho gà xảy ra tại Chile được cho là do tỉ lệ bao phủ vaccine thấp).

Còn tại 4 nước, các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính do giảm hiệu quả bảo vệ khi tiêm vaccine ho gà vô bào dẫn đến tích lũy số ca nhạy cảm và sau đó bùng dịch theo chu kỳ, cho dù tỉ lệ bao phủ vaccine tại các nước này đều khá cao, hơn 85%. Sự bùng phát dịch ho gà chưa thấy xuất hiện tại các nước dùng ho gà toàn tế bào và có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Vì vậy, theo khuyến cáo của WHO (tháng 8/2015), đối với các nước đang dùng vaccine ho gà toàn tế bào với lịch tiêm chủng quốc gia không quá 4 mũi, thì cần tiếp tục duy trì, không nên chuyển đổi sang ho gà vô bào trừ trường hợp cần tăng tỉ lệ bao phủ vaccine.

Tại Việt Nam, lịch tiêm vaccine Quinvaxem hiện nay là 3 mũi cơ bản vào tháng thứ 2, 3, 4 và một mũi vào lúc 18 tháng tuổi. Với lịch tiêm này, tỉ lệ tiêm chủng cao, nước ta đã kiểm soát tốt bệnh ho gà hơn 30 năm qua bằng các loại vaccine ho gà toàn tế bào (vaccine ho gà toàn tế bào trước đây do Việt Nam sản xuất sau đó chuyển sang Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất).

Nếu thay bằng vaccine có thành phần ho gà vô bào cần lường trước khả năng bùng phát dịch, cũng như nguồn lực để tiêm chủng và tính chấp nhận của cộng đồng đối với đối tượng tiêm chủng 4-6 tuổi, 11-12 tuổi và phụ nữ mang thai vì tính sinh phản ứng của vaccine ho gà toàn tế bào được xem là cao ở những đối tượng này.

Bên cạnh đó, xu thế trên thế giới sẽ hướng tới sử dụng vaccine bại liệt tiêm và kết hợp vaccine thành phần ho gà vào vaccine 6 trong 1 (thành phần ho gà toàn tế bào hoặc vô bào). Do đó, việc thay đổi còn phụ thuộc vào sự tiến bộ của khoa học, tiện lợi trong lịch tiêm chủng và đặc biệt là miễn dịch cộng đồng.

Theo Chinhphu.vn

Post a Comment

 
Top