Teo thực quản là dị dạng bẩm sinh thường gặp nhất của thực quản và được xem là bệnh có tỉ lệ tử vong cao do thường kèm dò khí thực quản gây viêm phổi hít.

Vậy làm sao để phát hiện, điều trị và phòng tránh nguy cơ mắc bệnh teo thực quản. Để giải quyết thắc mắc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Chu Hòa Sơn, trường cao đẳng Y Dược Pasteur tìm hiểu về cách điều trị can thiệp khi bị teo thực quản chuẩn nhất.

Thưa Bác sĩ, Bác sĩ có thể cho biết bệnh nhân bị teo thực quản sẽ có các biểu hiện nào và cần làm các xét nghiệm gì?

Các biểu hiện lâm sàng thường gặp đó là: Dấu hiệu suy hô hấp: thở nhanh, tím tái. Miệng nhiều đờm nhớt, dấu hiệu sùi bọt cua. Đặt sonde dạ dày không vào được dạ dày. Phổi: ran ẩm, nổ khi có biến chứng viêm phổi. Khi đó cần tìm dị tật phối hợp, đặc biệt chú ý tim bẩm sinh.

Các xét nghiệm cần thiết:

• X-quang phổi: Khảo sát hình ảnh gián tiếp của teo thực quản. Khảo sát tổn thương nhu mô phổi: hình ảnh viêm phổi hít. Khảo sát hơi trong ruột non khi có dò khí thực quản phân loại teo thực quản. Chụp túi cùng bằng cách bơm thuốc cản quang thấy hình ảnh và vị trí túi cùng trên thực quản. X-quang thực quản cản quang do nguy cơ hít sặc cao vì thế cần phải hội chẩn bác sĩ X-quang, nên dùng loại cản quang tan trong nước (Telebrix) lượng ít 1 mL. Siêu âm bụng để phát hiện dị tật phối hợp khác ở bụng (tiết niệu…). Siêu âm tim: phát hiện dị tật tim. Công thức máu, tiểu cầu. Đông máu toàn bộ khi có biểu hiện rối loạn đông máu. SpO2. Khí máu khi có suy hô hấp.

• Chẩn đoán xác định khi lâm sàng: trào nước bọt ở miệng, sonde dạ dày không vào dạ dày. X-quang thực quản cản quang: thấy hình ảnh túi cùng thực quản.

Sức khỏe - Những nguyên tắc cơ bản trong điều trị teo thực quản

Teo thực quản là bệnh rất nguy hiểm, chính vì vậy người bệnh cần được điều trị kịp thời.

Điều trị teo thực quản có phức tạp không? Và bệnh cần được điều trị như thế nào?

Nguyên tắc điều trị bệnh teo thực quản theo các bước như sau:
Chuyển viện sớm đến bệnh viện có phẫu thuật nhi.
Hồi sức hô hấp.
Nằm đầu cao.
Hút túi cùng thực quản gián đoạn để phòng ngừa viêm phổi hít.
Giữ ẩm tránh hạ thân nhiệt.
Điều trị viêm phổi hít nếu có.
Phẫu thuật nối thực quản sớm.
Dinh dưỡng đường tĩnh mạch.
Điều trị ban đầu tại y tế cơ sở trước chuyển viện

Để phòng ngừa bệnh thì bạn nên giữ ấm tránh hạ thân nhiệt. Chuyển ngay đến bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật sơ sinh, không theo tuyến vì tiên lượng tốt nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm, hút túi cùng tốt, và mổ sớm vài giờ sau sanh khi chưa biến chứng viêm phổi hít.

• Phẫu thuật
Mục đích phẫu thuật: Cắt, khâu cột đường dò khí quản – thực quản (nếu có). Thiết lập sự lưu thông đường tiêu hóa. Đường tiếp cận: phẫu thuật có thể thực hiện bằng mổ hở hay phẫu thuật nội soi.
Teo thực quản type C (thường gặp nhất): Bệnh nhi nằm nghiêng, kê gối dưới vai. Rạch da đường ngực sau bên, dưới xương bả vai, vào ngực theo liên sườn IV. Bóc tách bảo tồn và đẩy màng phổi thành ra trước, bộc lộ trung thất sau. Tìm đường dò khí quản - thực quản đầu dưới: cắt và khâu cột. Tìm túi cùng thực quản đầu trên. Bóc tách di động 2 đầu đủ dài để miệng nối không căng (hạn chế bóc tách nhiều ở đầu dưới). Thực hiện miệng nối thực - thực quản (đặt và lưu sonde dạ dày qua miệng nối trước khi thực hiện xong miệng nối). Dẫn lưu cạnh miệng nối ngoài phế mạc.

• Hồi sức sau mổ
Xử trí ban đầu: Nằm đầu cao. Hỗ trợ hô hấp: thở máy trung bình từ 1 - 3 ngày. Lưu sonde dạ dày trung bình 7 - 10 ngày để dẫn lưu dịch dạ dày và giảm biến chứng hẹp miệng nối thực quản về sau. Vì thế sonde dạ dày dày phải được cố định chắc chắn, tránh tuột. Duy trì thân nhiệt. Kháng sinh: Cephalosporin thế hệ 3 TM. Nhịn ăn, truyền dung dịch Dextrose 10% và 0,2% Natri clorua. Điều trị sốc nếu có.

Điều trị biến chứng: Dò miệng nối: thường xảy ra sau mổ 5 - 7 ngày do miệng nối quá căng, thiếu máu nuôi do bóc tách quá rộng, nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân. Biểu hiện lâm sàng: dịch dẫn lưu ngực màu vàng, xanh hoặc sữa.

Nguy cơ bội nhiễm khi đường mổ qua màng phổi nặng nề hơn so với đường mổ ngoài màng phổi. Xử trí: điều trị bảo tồn với nhịn ăn, sonde dạ dày, tiếp tục dẫn lưu ngực nếu còn ống dẫn lưu, kháng sinh.
Trào ngược dạ dày thực quản: thường gặp, xử trí: Primperan uống.

Các bệnh nhân sau mổ teo thực quản phải được theo dõi mỗi tháng trong 6 tháng, sau đó mỗi 3-6 tháng, ít nhất trong 1 năm. Các dấu hiệu cần theo dõi: tình trạng nôn ói, cân nặng và sự phát triển thể chất.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top