Bệnh nhân Nguyễn Công Chính là nhân viên hải đăng đảo Đá Lát bất chợt bị đau vùng ngực dữ dội. Anh được chuyển về trung tâm Y tế huyện đảo Trường Sa Lớn để sơ cứu trong tình trạng khó thở, đau thắt ngực sau xương ức, chóng mặt.

Ngày 24/5, Đại tá, TS.BS Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân Nguyễn Công Chính (SN 1976, ngụ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Bệnh nhân Chính được vận chuyển bằng máy bay trực thăng từ huyện đảo Khánh Hòa vào đất liền rạng sáng ngày 24/5.

Bệnh nhân là nhân viên hải đăng đảo Đá Lát, thuộc công ty Biển Đông và Hải Đảo, tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam. Trước đó, anh Chính đang làm việc ở đảo Đá Lát thì bị đau vùng ngực dữ dội. Anh được chuyển về trung tâm Y tế huyện đảo Trường Sa Lớn để sơ cứu lúc 10h55 ngày 23/5 trong tình trạng khó thở, đau thắt ngực sau xương ức, chóng mặt.

Các bác sĩ  tiến hành tiếp nhận điều trị và báo về cho bệnh viện Quân y 175 xin ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ. Sau đó, bệnh viện Quân y 175 tiến hành hội chẩn qua Telemedicine với trung tâm Y tế đảo Trường Sa Lớn do Tiến sĩ chuyên khoa 2 Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc bệnh viện Quân y 175 chủ trì. Ban đầu, bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim vùng ngực trước rộng giai đoạn cấp, tiên lượng nặng, nguy cơ suy tim tiến triển, suy tim, rối loạn nhịp tim…

Sức khỏe - Máy bay trực thăng xuyên đêm ra Trường Sa cứu người

Bệnh nhân được các bác sĩ bệnh viện Quân y 175 cấp cứu thành công trong đêm.

20h20 ngày 23/5, kíp Cấp cứu hàng không bệnh viện Quân y 175 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất bằng máy bay trực thăng ra đảo. Sau đó, các bác sĩ vận chuyển bệnh nhân an toàn từ đảo về bệnh viện Quân y 175 lúc 2h55 ngày 24/5.

Tại đây, bệnh nhân được triển khai phẫu thuật cấp cứu. Lúc 3h50, tiến sĩ Cẩm phụ trách kíp can thiệp mạch tiến hành chụp, can thiệp động mạch vành, can thiệp nong và đặt stent thành công… Thủ thuật kết thúc lúc 5h20.

Tiến sĩ Cẩm cho biết, bệnh nhân Chính bị nhồi máu cơ tim nên hoạt động cấp cứu cho bệnh nhân được triển khai gấp rút, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan để chạy đua với thời gian, giành giật mạng sống cho bệnh nhân. Căng thẳng nhất là công tác hội chẩn, đánh giá kỹ từng dấu hiệu bất thường để xác định phương án phẫu thuật cấp cứu, điều trị chuẩn xác và hiệu quả nhất.

Cũng theo ông, bệnh viện đã sử dụng hệ thống labo sinh học phân tử và hệ thống chụp mạch máu hiện đại nhất mà bệnh viện vừa đầu tư để chẩn đoán chính xác. Sau phẫu thuật bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch và đang được bệnh viện tiếp tục điều trị để tránh biến chứng.

Đây được xem là trường hợp bay cấp cứu thành công trong điều kiện đêm tối, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan, bộ phận chuyên môn, khẳng định được khả năng tác chiến cấp cứu biển đảo của bệnh viện Quân y 175 và các cơ quan liên quan thuộc bộ Quốc Phòng.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top