Bộ Y tế vừa tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp trong ngành rượu, bia để lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (Dự thảo Luật). Tại đây, nhiều doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định giới hạn thời gian, địa điểm bán rượu, bia.
Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng cồn nguyên chất tiêu thụ của Việt Nam là 6,6 lít/người/năm, đứng thứ 94/194 nước thành viên WHO.
Cũng theo số liệu của WHO công bố năm 2014, lượng rượu, bia nằm ngoài kiểm soát chiếm đến 70% tổng lượng đồ uống có cồn tiêu thụ trên thị trường.
Một nghiên cứu của viện Dân số và các vấn đề xã hội được công bố năm 2016 cũng chỉ ra rằng, 75% lượng đồ uống tiêu thụ trên thị trường là những sản phẩm nằm ngoài kiểm soát như rượu nấu thủ công (74%), đồ uống có cồn nhập lậu và giả, các loại rượu, bia không đăng ký, không có nguồn gốc rõ ràng.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra các vấn đề về sức khỏe và xã hội cũng có mối liên hệ mật thiết đối với việc tiêu thụ các sản phẩm rượu, bia nằm ngoài kiểm soát.
Những sản phẩm này hiện đang không bị chi phối bởi bất kỳ quy định nào về hạn chế kinh doanh, cũng như các loại thuế như các sản phẩm rượu, bia lưu hành hợp pháp.
Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đặt ra mục tiêu là nâng cao sức khỏe của người dân và phòng, chống những vấn đề xã hội gây ra bởi lạm dụng rượu bia như bạo lực gia đình, uống rượu khi lái xe, gây rối trật tự công cộng...
Theo tờ trình của cơ quan soạn thảo, Dự thảo Luật này được tiếp cận từ góc độ sức khoẻ cộng đồng và xã hội, chứ không phải từ góc độ thương mại.
Tuy nhiên, phần lớn các quy định tập trung vào hạn chế các hoạt động thương mại thay vì các giải pháp cần thiết để nâng cao sức khoẻ cộng đồng hay giải quyết các vấn đề xã hội như uống rượu khi lái xe, bạo lực gia đình, hoặc gây rối trật tự xã hội.
Ảnh minh họa.
Bên lề hội thảo về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm làm rõ quan điểm của bộ Y tế trong việc xây dựng dự luật và lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp để hoàn thiện dự luật, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế, cho biết, với tỉ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam là 77% nam/11% nữ (thế giới là 48%/29%), nên con số trung bình tỉ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam theo giới rất cao, nam giới uống rượu nhiều gấp hơn 7 lần nữ giới.
"Nếu tính riêng trong số nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu, bia thì một người nam của Việt Nam tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất", ông Quang phân tích.
Theo đại diện bộ Y tế, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu, bia hiện có tới 85 văn bản từ luật đến các văn bản dưới luật nhưng hiện chỉ còn 33 văn bản còn hiệu lực.
Các văn bản này chủ yếu điều chỉnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và xử phạt đối với rất ít các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo lập luận của bộ Y tế, việc sản xuất rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động, gây ra những tác hại về sức khỏe và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác, thiệt hại hơn rất nhiều so với một số lợi ích do rượu, bia mang lại như nguồn thu ngân sách, lao động việc làm.
Gánh nặng sẽ ngày càng tăng, cộng dồn nếu Nhà nước không có chính sách, pháp luật phù hợp.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch hiệp hội Rượu - bia - nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, con số mà ông Nguyễn Huy Quang đã đưa ra ở trên không cao hơn nhiều mức bình quân thế giới và ở trong ngưỡng không đáng lo ngại, thậm chí còn ở mức tiêu dùng trung bình và tăng trưởng thấp.
Ông Việt đề xuất ban Soạn thảo dự Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia xem xét tính khả thi của các quy định như: Đề xuất hạn chế quảng cáo, tài trợ đối với bia và đề xuất hạn chế thời gian bán bia và địa điểm bán bia.
Đồng thời, đề nghị không thành lập Quỹ Nâng cao sức khoẻ từ nguồn thu đối với rượu, bia và đổi tên dự luật thành "Luật Phòng, chống tác hại đồ uống có cồn".
Tại hội thảo, đại diện một số công ty sản xuất rượu, bia cũng đề nghị Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia nên tập trung vào việc ngăn cấm lưu hành đồ uống có cồn trái phép và xoá bỏ nội dung cấm, hạn chế quảng cáo, tài trợ đối với các sản phẩm bia có nồng độ cồn dưới 15%; bãi bỏ quy định giới hạn thời gian bán bia hoặc chỉ giới hạn một số địa điểm như gần trường học, trung tâm y tế, địa điểm tôn giáo…
Nguyễn Huệ
Post a Comment