Trên Facebook cá nhân, chị Thùy Linh (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, vì lý do gia đình, gần một tháng nay, chị thường xuyên đặt taxi công nghệ của một hãng có tiếng đưa con gái lớp 3 đến trường. Sáng 16/5, sau khi tài xế đón con ở gần nhà, chị theo dõi trên ứng dụng xem tài xế có đi chệch khung đường hay dừng hơi lâu một chỗ. Cô bé cũng được dặn là luôn cầm điện thoại, có gì thì ấn gọi bố hoặc mẹ ngay.
Khi về nhà, bé gái hoảng sợ kể đã bị tài xế hỏi nhiều câu khiếm nhã trên đường đi. "Chú ý hỏi con thích màu gì, mẹ thích màu gì, con mặc quần ở trong màu gì, có bao giờ con nhìn thấy ngực mẹ chưa, có biết mẹ mặc quần ở trong màu gì không, rồi bảo cho chú chạm vào quần lót của con được không?", chị Linh dẫn lại lời con gái.
Cô bé cũng kể khi nghe những lời trên, em ngồi im, không đáp lại, tim đập thình thịch vì sợ và túm chặt điện thoại. Khi người tài xế dừng xe trước cổng trường, bé xuống luôn rồi chạy thẳng vào lớp. Chị đã trình báo sự việc với công an và thông báo với công ty gọi xe ứng dụng trên.
"Tôi nghĩ điều bố mẹ cần làm là quan tâm đến trẻ hơn và dạy con cách đối phó nếu gặp phải trường hợp xấu. Quan trọng nhất là dạy con tin tưởng vào bố mẹ để có thể tâm sự, kể cho bố mẹ nghe mà không sợ người lớn không tin mình", chị Linh viết.
Chia sẻ của chị Linh trên Facebook cá nhân. |
Đại diện truyền thông hãng taxi công nghệ nọ xác nhận đã nhận được phản ánh của chị Linh và gửi lời xin lỗi vì trải nghiệm không mong muốn này. Trong thời gian làm rõ sự việc, công ty đã thăm hỏi gia đình chị và đề nghị hỗ trợ bác sĩ tâm lý, xe riêng đưa đón con gái chị để cháu nhanh chóng ổn định. Công ty cũng mời tài xế nọ đến xác minh thông tin và hiện tạm ngưng quyền sử dụng ứng dụng của anh này.
Sau chia sẻ của chị Linh trên mạng, nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang về sự an toàn của con cái khi không thể tự mình đưa đón trẻ.
Một người mẹ tên Phạm Hà chia sẻ: Không thể tin tưởng đặt xe để đưa con đi học đâu các mẹ ạ. Nhà em không bao giờ để người lạ đưa đón con".
Phụ huynh tên khác tên Trang kể, chị chưa bao giờ cho con gái lớp 4 một mình đi taxi công nghệ nhưng cũng thường xuyên nhờ hai bác xe ôm ở gần nhà đón con. "Mặc dù khá tin tưởng bác ấy nhưng đọc chia sẻ cũng thấy rờn rợn", chị Trang nói.
Anh Đinh Tuấn ở Từ Liêm, Hà Nội, cho biết, gia đình anh từng có ý định đặt ứng dụng xe đưa đón hai con, 11 và 6 tuổi vì bố mẹ hay phải đi sớm về muộn nhưng giờ phải cân nhắc lại. "Chúng tôi thực sự run lên khi nghĩ tới việc con mình có thể gặp chuyện. Tôi đang nghĩ sẽ rủ thêm một số phụ huynh cùng tòa nhà rồi thuê hẳn xe lớn của người quen đưa đón bọn trẻ, có thể tốn kém hơn nhưng đỡ lo", anh Tuấn nói.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em Lê Khanh (TP HCM), hiện nay việc cha mẹ phải nhờ tới xe ôm, ứng dụng đặt xe để đưa đón con khá phổ biến. Cách này không sai, chỉ có điều phụ huynh nên lựa chọn người mình đã quen biết, tin tưởng. Dù vậy, nguy cơ trẻ bị quấy rối thực ra có ở mọi nơi, ngay cả với những người thân, quen, hàng xóm... Vì thế, theo ông, quan trọng nhất là cha mẹ cần trang bị cho con một số kỹ năng tự bảo vệ.
Chẳng hạn, nếu nhờ người đưa đón, cần hướng dẫn con biết lộ trình đi từ nhà đến trường qua các tuyến đường nào, có thể chỉ cho trẻ thấy vài lần khi bố mẹ chở đi. Nếu xe ôm, xe hợp đồng... chở mình đi bằng tuyến đường khác thì phải cảnh giác. Khi tài xế tự nhiên bắt chuyện và dừng xe lúc chưa tới trường, con nên xuống xe và giữ một khoảng cách an toàn (trên nửa mét) và không để tài xế tiến sát vào người. Thậm chí, trẻ có thể vừa chạy, vừa la cho mọi người nghe được và tới hỗ trợ. Có thể trang bị cho trẻ lớn công cụ hỗ trợ, như chai xịt làm cay mắt để sử dụng nếu bị kẻ xấu tiến sát và định ôm mình.
Thạc sĩ Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội) cho rằng, cha mẹ không thể theo sát bảo vệ con mọi lúc, mọi nơi nên cần dạy trẻ thật kỹ về cách phòng vệ, nhờ sự trợ giúp khi gặp tình huống xấu.
Cụ thể trong tình huống xe ôtô, bé có điện thoại, thì cha mẹ có thể tập cho con gọi điện hoặc nhắn tin thông báo cho bố mẹ. Nên lưu cả số của công an hoặc đường dây hỗ trợ trẻ em trong máy con ở vị trí đầu tiên, dễ thấy. Trẻ cũng có thể mở cửa kính xe và hét lên cầu cứu người đi đường, yêu cầu dừng xe lại và không đi tiếp cùng. Nên hướng dẫn trẻ cần phản ứng ngay khi hành vi xấu vừa bắt đầu, không cố chịu đựng để mọi việc có thể đi quá xa.
"Hãy dạy con các kỹ năng này một cách thường xuyên, thực tế, có thể thông qua cách đóng vai để trẻ nhớ kỹ và tạo thành thói quen, từ đó không bị quá bất ngờ và sợ hãi đến mức không thể làm gì khi gặp tình huống thật", bà Nga nói.
Vương Linh
Post a Comment