Trước trận chung kết trong khuôn khổ giải Vô địch bóng đá U23 châu Á 2018 giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan, nhiều câu chuyện "ăn theo" sự kiện này nhưng lại không có căn cứ vẫn được người dùng facebook đẩy lên mạng xã hội. Trong số đó có thể kể tới thông tin về một thanh niên đã bị trụy tim sau khi theo dõi trận bán kết giữa U23 Việt Nam và U23 Qatar. Tuy nhiên, không lâu sau đó, thông tin trên đã bị gỡ bỏ.
Mặc dù thế, không ít người vẫn lo ngại bị nhồi máu cơ tim, sốc tim, loạn nhịp tim khi xem những trận bóng đá quá kịch tính.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội cho hay, tới thời điểm hiện tại, bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào tới cấp cứu hoặc gọi tư vấn cấp cứu liên quan tới tim mạch do bóng đá gây ra.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội |
Trái ngược với lo ngại của nhiều người cho rằng, xem bóng đá sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch nhưng vị bác sĩ này khẳng định bóng đá có tác dụng giúp cho tim hoạt động tốt hơn, xem bóng đá để giải trí, ủng hộ và không quá kỳ vọng thì rất tốt cho sức khỏe.
“Trong niềm vui chiến thắng chúng ta bỏ qua tất cả các rào cản xã hội, cả Việt Nam là một. Đây là hiệu quả cực kỳ quan trọng của bóng đá, không chỉ là môn thể thao mà còn là sự gắn kết”, PGS. TS Nguyễn Quang Tuấn nói.
Lý giải cho điều mình vừa đưa ra, PGS.TS Tuấn cho biết, khi chúng ta vui, cơ thể tiết một loại hooc-mon vui vẻ, hưng phấn giúp cho tim đập nhanh hơn, lòng mạch giãn ra và máu đi nuôi cơ thể cũng nhiều hơn.
“Nghẹt thở, vỡ òa, đau tim… khi xem một trận bóng kịch tính, thời khắc đó trái tim của người thường và người mắc bệnh vẫn chịu được vì đó hoàn toàn là cảm xúc, là stress dương tính giúp cho tinh thần và trái tim khỏe hơn, yêu đời và gần gũi nhau hơn. Nói một cách dễ hiểu hơn trái tim chúng ta được tập luyện sức khỏe cho tim sau mỗi trận bóng để hoạt động tốt hơn”, PGS.TS. Tuấn nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của PV tại bệnh viện Tim Hà Nội, trong 2 trận bóng đá trước của đội tuyển U23 Việt Nam, phía bệnh viện vẫn tổ chức cho các bệnh nhân xem đá bóng, trừ các bệnh nhân đang nằm hồi sức, thở máy. Việc đó, tạo điều kiện cho bác sĩ và bệnh nhân cùng xem và gần gũi nhau hơn.
"Trong cả trận đấu bệnh nhân như trở thành người bình thường không còn kêu ca khó thở, đau ngực”, PGS.TS Tuấn trao đổi.
Điều mà PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn lo ngại từ những trận đấu của môn thể thao vua là tình trạng cá độ dẫn tới những hệ lụy khi thua độ như mất nhà, mất cửa, nhảy cầu tự tử... dẫn tới tâm lý cay cú thì lại có tác hại tới sức khỏe.
"Cá độ, cờ bạc cũng có thể gây ra sự phấn khích và nghiện. Nhưng điều này trái ngược với sự phấn khích khi xem bóng đá mang lại. Khi đó stress dương tính xem một trận bóng đá sẽ trở thành âm tính và gây hại. Điều này khiến cho nhiều người rơi vào một trạng thái khác. Đó chính là mặt trái của cờ bạc và cá độ không còn có ý nghĩa giải trí khi xem bóng đá. Bên cạnh đó là tình trạng, ăn mừng chiến thắng uống quá đà mà gây tai nạn giao thông", PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.
Post a Comment