Còn nhớ có một lần ra Huế, người dân địa phương có kể với tôi về một câu thơ của ông Bửu Thụ:
“Muốn ăn cơm đĩa trữ tình
Có quán Âm Phủ, ma rình phía trong”
Và cơ duyên giúp tôi có dịp thưởng thức món cơm âm phủ cũng là từ đó. Ấn tượng ngay từ cái tên cho đến khi thưởng thức, món ăn này không ngon theo kiểu tinh tế, cầu kì, nhỏ xinh như nhiều món Huế khác. Ở đó có chút gì dân giã, có chút gì bình dị nhưng lại hấp dẫn đến không ngờ.
Cơm âm phủ có thể không phải là món ăn xa lạ nhưng cũng không hẳn là quen. Nói là quen bởi một đĩa cơm trắng với xung quanh là thịt, trứng, rau, tôm xanh xanh đỏ băm nhuyễn đủ sắc màu, chan với một chút nước mắm tỏi ớt chua cay chắc hẳn nhiều người đã từng thưởng thức. Nhưng cũng nói là lạ bởi cũng chẳng mấy ai trong số chúng ta biết được đó là cơm âm phủ, càng ít người biết món ăn này có nguồn gốc từ đâu? Và vì sao lại có cái tên đặc biệt như vậy?
Cơm âm phủ là món ăn độc đáo có nguồn gốc từ vùng đất Huế
Cơm âm phủ là gì?
Lần đầu tiên gọi món cơm âm phủ, tôi có cảm giác món ăn này có hình thức khá giống với món cơm trộn bởi cơm được ăn cùng với rất nhiều món ăn khác nhau, mỗi món một ít và tất cả đều được cắt nhỏ, thái mỏng hoặc băm nhuyễn. Các món ăn phụ gồm có: thịt nạc dăm, thịt nướng, chả lụa, nem chua, trứng luộc, tôm cháy, dưa leo bóp chua, trứng chiên, rau, củ. Cơm âm phủ thường là loại cơm tơi, hơi khô và để nguội. Ngoài ra cũng không thể thiếu chén nước mắm tỏi, chanh, đường mằn mặn, chua chua để rưới lên cơm ăn kèm.
Khi được mang ra phục vụ, người ta có thể xếp các phần đồ ăn này xung quanh phần cơm trắng được đặt ở giữa hoặc cũng có thể tự trộn tất cả lại với nhau. Sự giản dị của món ăn chính là lý do vì sao tôi lại nói rằng cơm âm phủ khá khác so với nhiều món ăn nổi tiếng với phong cách cung đình khác của Huế. Xem xét kĩ lưỡng, mỗi nguyên liệu làm nên cơm đều đã rất quen thuộc. Nhưng sự hòa quyện của giò, của thịt được ướp nướng thơm lừng, tôm cháy mặn mặn cùng với màu sắc bắt mắt của đĩa cơm sẽ mang đến một ấn tượng khó quên cho người thưởng thức.
Cơm âm phủ và câu chuyện về sự ra đời cách đây hàng thế kỷ
Gắn với cái tên âm phủ là rất nhiều câu chuyên xoay quanh sự ra đời của nó. Số ít người cho rằng thuở xưa có một vị vua đã cải trang vi hành ngang một ngôi nhà nghèo lúc xẩm tối và ngỏ ý muốn xin một bữa cơm. Vì gia cảnh khó khăn, người dân chỉ còn cách vét và trộn hết tất cả những gì còn lại trong nhà, xếp quanh đĩa cơm trắng cho vua ăn. Vì đói nên vua cảm thấy rất ngon miệng, sau có kêu các đầu bếp trong cung nấu lại và đặt là cơm âm phủ. Tuy nhiên, rất nhiều người lại cho rằng thực chất cái tên lạ lùng và nghe có phần “sờ sợ” này xuất phát từ một tiệm ăn ở vùng Đất mới của Huế cách đây cũng ngót nghét đã gần 100 năm.
Đó là một tiệm ăn chuyên mở về đêm và phục vụ đa số là những người làm việc về đêm, chủ yếu là những người dân lao động nghèo, đôi khi có vài ba người đi xem phim, xem hát về “tạt” ngang để ăn chút cơm “dằn” bụng.
Chính vì mở vào buổi khuya (hay còn gọi là giờ âm), trong một quán cơm nghèo giữa những ánh đèn leo lắt của đường phố chẳng mấy tấp nập nên người ta mới đặt tên quán là Âm phủ, và cũng gọi luôn là món cơm âm phủ.
Ngày nay, cơm âm phủ được bán ở rất nhiều quán ăn tại các tỉnh, thành khác trên cả nước, thậm chí có những nhà hàng cũng đưa món ăn độc đáo này vào thực đơn của mình. Theo thời gian, món ăn này cũng được thay đổi theo phong cách hiện đại hơn để phù hợp hơn với nhu cầu của thực khách. Nhưng về cơ bản, đó vẫn là một phần cơm trắng được phục vụ kèm với rất nhiều món ăn được cắt, thái nhỏ xếp xung quanh.
Cơm âm phủ thực sự là một điểm chấm phá rất thú vị của bức tranh ẩm thực Huế nói riêng và ở nước ta nói chung. Tìm hiểu về cơm âm phủ cũng là dịp để chúng ta biết thêm về một kiến thức văn hóa liên quan đến ẩm thực thú vị, bên cạnh việc thưởn thức hương vị của nó. Và đó cũng chính là một trong những yếu tố làm nên nét thu hút của ẩm thực mỗi mảnh đất, địa phương, vùng miền, mỗi quốc gia.
Post a Comment