Theo BSCKII Bùi Minh Ngọc, khoa Đáy mắt của một bệnh viện tại Hà Nội, bệnh lý đáy mắt như võng mạc đái tháo đường, võng mạc cao huyết áp, thoái hóa hoàng điểm, tắc động tĩnh mạch võng mạc, bong võng mạc… ngày càng gia tăng, trở thành nguyên nhân gây giảm, mất thị lực và mù lòa hàng đầu nếu không điều trị kịp thời.

Các bệnh này làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, khiến họ gặp nhiều khó khăn, hạn chế năng lực và sự độc lập trong cuộc sống, tạo nên gánh nặng cho xã hội.

Những người cao tuổi; người có bệnh lý nội khoa như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch; những người bị tật khúc xạ nặng hoặc bị chấn thương nghiêm trọng vùng mặt là những đối tượng dễ bị mắc các bệnh lý đáy mắt.

Các bệnh - Những ảnh hưởng của bệnh lý đáy mắt tới chất lượng cuộc sống

Cần khám mắt theo định kỳ để sớm phát hiện bệnh lý đáy mắt. Nguồn ảnh minh họa: Internet.

Trong đó, bong võng mạc là bệnh đáy mắt kín đáo, thường rất khó phát hiện, không phải bệnh nhân nào cũng có triệu chứng. Chỉ có khoảng 40% bệnh nhân có các triệu chứng như: Ruồi bay, mảng khói mờ, bồ hóng trong mắt hoặc chớp sáng trong mắt.

“Người bị cận thị có yếu tố nguy cơ cao bị bong võng mạc, khoảng 50% bong võng mạc bị trên cơ địa cận thị. Ngoài ra, 50% bệnh nhân bị bong võng mạc do tuổi tác, tai nạn hoặc có trường hợp bệnh nhân tự bong võng mạc mà không có nguyên nhân”, bác sĩ Minh Ngọc cho biết.

Chia sẻ về các triệu chứng của bong võng mạc, BS. Minh Ngọc chỉ ra rằng, khi người bệnh có các biểu hiện ở mắt như ruồi bay, mây bay, khói, bồ hóng… là giai đoạn đầu của hiện tượng bong võng mạc. Giai đoạn này chỉ có một vết rách ở giác mạc nhưng chưa bong và có thể chữa được.

Sau khi bị rách giác mạc, khoảng 3-4 tuần sau sẽ xảy ra hiện tượng bong võng mạc. Khi võng mạc bị bong sẽ làm cho mắt rất mờ, khả năng nhìn rộng bị thu hẹp (trường nhìn giảm). Người bị bong võng mạc trên sẽ dễ phát hiện ra hơn bong võng mạc dưới, do mọi người thường ít nhìn ngước lên trên.

Theo đó, bệnh bong võng mạc xảy ra ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở độ tuổi lao động, tần suất xảy ra ít hơn ở trẻ em.

Cách phòng bệnh võng mạc là cần khám sức khỏe mắt định kỳ hoặc tự kiểm tra bằng cách che một mặt lại để kiểm tra mắt còn lại có mờ hay không.

"Tôi đã từng gặp bệnh nhân bị bong võng mạc nhưng khám quá muộn nên không chữa được”, BS. Minh Ngọc nói. BS. Ngọc cũng cho biết, bong võng mạc nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn tới mù lòa cho bệnh nhân.

Nguyễn Huệ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top