Nhiều năm ở trong ngôi nhà rộng nhưng WC thiếu tiện nghi khiến chị Nguyễn Thu Thảo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) quyết tâm đầu tư nhiều tiền khi sửa khu vệ sinh. Tuy nhiên, tính toán không hợp lý khiến chị tốn tiền mà không tận dụng hết công năng của các thiết bị đã mua:
Gia đình tôi có 6 người (ông bà, vợ chồng tôi, hai con) sống trong ngôi nhà ống 4 tầng. Nhà xây trên diện tích 60 m2, từ cách đây 20 năm nên kiểu thiết kế đã lạc hậu với cầu thang ở giữa, hai phòng ngủ, một WC nhỏ ở mỗi tầng.
Trước đây, gia đình chồng tôi sống ở tập thể cũ, phải chung khu vệ sinh với 3 hộ khác cùng tầng. Bởi vậy, với bố mẹ chồng tôi, việc có WC riêng cũng là một bước tiến lớn. Thêm vào đó, ông bà muốn phòng ngủ rộng rãi nên ở mỗi tầng chỉ bố trí một WC có diện tích rất nhỏ, tầm 3 m2.
Mỗi WC ốp gạch trắng thông thường, có những đồ dùng cơ bản như bồn cầu, vòi hoa sen, bồn rửa tay, gương soi. Vì không phân tách khu tắm rửa riêng nên trong nhà vệ sinh luôn lênh láng nước. Nhiều khi mọi người tắm quên không lật nắp bồn cầu lên, nước ướt hết chỗ ngồi vệ sinh, gây bất tiện khi sử dụng.
WC diện tích quá nhỏ nên khó bố trí khu khô-ướt tách biệt. Ảnh: GT. |
Giữa năm 2017, tôi đề xuất với cả nhà việc sửa chữa khu vệ sinh, nhưng ông bà thấy không cần thiết nên tôi chỉ đầu tư cho WC trên tầng 3 là chỗ ở của hai vợ chồng và hai con.
Trước khi làm, tôi liệt kê tất cả các nhu cầu của mình. Tôi dự tính sẽ lát lại sàn, ốp gạch tường, thay mới bồn cầu, làm phòng tắm đứng, thêm chỗ để đồ tắm gội, mỹ phẩm...
Tôi xác định, khu WC làm một lần thật xịn để tránh phải sửa chữa về sau. Bởi vậy, tôi cùng một người thợ đi chọn mua các thiết bị tốt. Riêng khu tắm đứng rộng chưa tới một m2, tôi bỏ ra hơn 10 triệu. Khi đi chọn đồ, thấy người bán hàng quảng cáo có thiết bị nào tốt, dù đắt hơn dự kiến, tôi vẫn xiêu lòng. Bởi vậy, dự trù chi phí ban đầu là 20 triệu nhưng tới lúc hoàn công, số tiền bỏ ra gần 25 triệu.
Tốn tiền hơn thực tế nhưng tôi vẫn thấy hài lòng khi lần đầu tiên sử dụng. Vòi hoa sen như ở khách sạn với tia nước phun mạnh, đều nên khi tắm có cảm giác thật thoải mái. Nước ở khu ướt cũng không bắn tung tóe ra sàn nhà như trước đây. Tôi cũng cất được dầu gội, sữa tắm, khăn mặt, mỹ phẩm ở trong WC. Lúc trước, tôi thường xuyên phải chạy ra vào để lấy đồ dùng để bên ngoài.
Tuy nhiên, tới khi tắm cho con trai út mới 3 tuổi, tôi bắt đầu thấy mệt mỏi. Khoang tắm bằng kính quá nhỏ chỉ đủ cho con đứng, còn tôi phải ngồi lấp ló phía bên ngoài. Bé cũng không thể ngồi trong chiếc chậu yêu thích và đem những chú vịt, đồ chơi nhựa yêu thích vào như trước đây. Nhiều khi không để ý, tôi còn bị đập tay chân vào kính. Bởi vậy, hai vợ chồng tôi lại thường xuyên phải cho con tắm ở dưới tầng 2 thoải mái hơn. Chồng tôi có thân hình to béo nên kêu ca vướng víu khi vào trong bồn.
Thêm một điểm dở nữa ở khu tắm mới là các thiết bị được bố trí khá gần nhau nên việc lau chùi, vệ sinh sạch sẽ cũng khá vất vả. Tôi phải lách người để làm sạch các ngóc ngách trong phòng, mặt trong và mặt ngoài của kính.
Trước đây, phòng tắm các tầng có màu trắng nên lộ bẩn ngay khi không dọn dẹp thường xuyên. Bởi vậy, khi sửa, tôi chọn gạch màu nâu nhạt, be có thêm họa tiết hoa trang trí cho sinh động hơn. Trông khu vệ sinh có vẻ luôn sạch sẽ nhưng màu sắc này kết hợp với số thiết bị nhiều khiến nhà tắm lại chật ních.
Bỏ ra nhiều tiền mong WC được tiện nghi như nhà người khác nhưng cuối cùng gia đình tôi lại gặp khó chịu khi sử dụng dù mới được nửa năm. Bản thân tôi cũng thấy mệt mỏi nhưng không dám kêu ca nhiều bởi tự bản thân quyết định.
Về việc đầu tư quá nhiều cho nhà tắm nhỏ của chị Thảo, KTS Lê Thanh Hà cho biết, đây là sai lầm khá phổ biến của nhiều gia đình. Từng sống trong cảnh thiếu thốn tiện nghi nên khi có điều kiện, nhiều người lập tức mua sắm rất nhiều thiết bị hiện đại như mong ước. Tuy nhiên, họ không tính toán kỹ tới việc nội thất đó có phù hợp với không gian nhà mình, đem lại các công năng cần thiết cho gia đình không. Với nhà chị Thảo, việc đầu tiên cần tính tới là mở rộng phòng tắm. Trên mặt bằng mỗi tầng rộng 60 m2, 2 phòng ngủ, chị có thể mở rộng WC lên thành 6-7 m2. Khi đó, chị có thể dễ dàng bố trí khu ướt, khu khô tách biệt như mong muốn. Còn với diện tích quá nhỏ (3 m2), việc đáp ứng mọi nhu cầu như chị mong muốn là rất khó. Ngoài ra, KTS Lê Thanh Hà cũng tư vấn, các gia chủ cần tập trung vào công năng của thiết bị trong nhà tắm hơn yếu tố mang tính chất trang trí. Các thiết bị hay dùng (bồn cầu, vòi hoa sen, vòi rửa...) cần có chất lượng tốt. WC phạm vi gia đình thường có diện tích nhỏ nên hạn chế bày hoa lá, nên dùng gạch ốp trơn, sáng màu, ít họa tiết, đồ dùng có thiết kế đơn giản, dễ làm vệ sinh. |
An Yên
Chia sẻ kinh nghiệm sửa nhà của bạn tại đây.
Post a Comment