Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Bình Quang ở Hoài Đức, Hà Nội về bài học vì chọn xưởng làm đồ nội thất giá rẻ, không ký hợp đồng chặt chẽ nên gia đình anh bị chậm bàn giao và lắp đồ không ưng ý.
Gia đình tôi dọn về nhà mới được nửa tháng nay. Đáng lẽ ra, đây là khoảng thời gian mừng vui khi cuối cùng vợ chồng có được căn hộ của riêng mình sau cả chục năm chật vật thuê nhà ở thủ đô, nhưng niềm vui không trọn vẹn. Tuần trước, mỗi lần về nhà, nhìn đống đồ đạc lỉnh kỉnh vẫn lăn lóc trên sàn, nỗi bực bội trong tôi lại trào lên. Khi chuyển về nơi mới, nhà tôi vẫn chẳng có đồ nội thất gì bởi đơn vị thi công chưa hoàn thành và lắp đặt dù đã quá thời hạn họ hứa hẹn gần tháng. Tuần này, dù đã được lắp đồ xong xuôi, tôi vẫn cảm thức bực bội vì mọi thứ không được như ý.
Vợ chồng tôi làm công ăn lương, dồn tiền và vay thêm tới 600 trăm triệu để mua một căn hộ hơn 60 m2. Cạn kiệt tài chính nên sau khi nhận nhà, chúng tôi không cải tạo gì thêm... Tuy nhiên, đồ nội thất trong nhà thì phải làm toàn bộ vì những món cũ của gia đình hồi ở thuê đều tạm bợ và đã hư hỏng.
Ảnh minh họa: Zepo. |
Ít tiền nên khi gặp lại người quen là chủ một xưởng gỗ ở quê, nhận làm nội thất với giá gốc, tôi vui vẻ nhờ họ đóng đủ bộ: Giường ngủ và tủ quần áo ở các phòng, bàn học, giá sách, kệ TV, sofa gỗ. Tổng giá trị các món đồ này chưa tới 50 triệu.
Ông chủ xưởng hứa hẹn sẽ ưu tiên làm cho nhà tôi sớm dù dịp cuối năm đang rất nhiều đơn hàng. Tôi dự định nhập trạch ngày 30/12 năm ngoái, và họ sẽ tới lắp đặt hết đồ muộn nhất hôm 25/12. Là người quen, cùng quê, giá trị đơn hàng cũng không quá lớn nên tôi gật đầu ngay với chủ xưởng khi họ nói không cần làm hợp đồng mà chỉ ghi ký nhận khoản đặt cọc trước.
Đến gần ngày hẹn, tôi gọi điện giục thì họ nói cứ yên tâm nhưng đến ngày 22/12 thì ông chủ xưởng gọi điện nói đồ không kịp giao đúng ngày vì dịp này thợ nghỉ liên tục do địa phương có nhiều đám... Họ hứa chắc chắn ngày tôi nhập trạch là có đủ đồ. Nhưng thực tế đến hôm đó chưa thấy gì, tôi gọi lại thì chủ xưởng nói vừa bị tai nạn giao thông nhẹ, đang phải điều trị, cho tôi một số điện thoại khác để liên lạc.
Tôi gọi theo số họ cho thì người kia nói rằng đồ nhà tôi phải vài hôm nữa mới xong vì có trục trặc. Đến nước này thì tôi mất hết kiên nhẫn, xả một tràng nhưng sau đó không biết làm gì vì tiền đã đặt cọc mà giờ chuyển sang xưởng khác làm thì cũng chẳng thể kịp mà mua tạm vài món đồ thì quá tốn kém và lãng phí.
Ngày nhập trạch, thay vì hãnh diện dẫn mọi người thăm từng phòng, tôi đành phải đi mượn tạm hai cái đệm để người thân tới ngủ qua đêm. Bữa cỗ trải manh chiếu ra cho mọi người ngồi.
Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng gọi điện giục, thậm chí về thẳng xưởng thì đúng tới 14/1 họ mới tới lắp đặt cho gia đình tôi. Niềm háo hức có đồ mới đã nguội, tôi càng thất vọng thêm khi thấy nhiều chi tiết nội thất không hề đúng ý mình: Tủ cho các con thì giống hệt tủ của bố mẹ dù tôi đã nói các cháu còn nhỏ, đồ chủ yếu là gấp nên cần nhiều ngăn kéo hơn chỗ treo móc. Giường tầng cho hai con màu sai yêu cầu. Chiếc tủ quần áo cánh lùa rất khó kéo, lại còn dễ làm dập tay khi cố đẩy mạnh. Tủ đồ phòng tôi thì thiếu gương soi. Bàn học, giá sách của các con tôi cũng làm không thuận tiện cho các cháu sử dụng.
Dù bực bội khi nhận những món đồ như vậy, tôi cũng chẳng muốn yêu cầu họ sửa chữa gì nữa vì biết với cách làm việc hứa một đằng thực hiện một nẻo thì chẳng nên mong đợi gì.
Sau khi tham khảo nhiều gia đình ở cùng khu chung cư với mình, tôi nhận ra giá nội thất gia đình tôi làm cũng chẳng hề rẻ hơn. Nhìn nhà người ta đồ đạc đồng bộ, hài hòa, tôi càng thấy buồn với đồ nhà mình, vừa nhận chậm, vừa không đúng ý.
Quả thực, vì muốn tiết kiệm chút tiền, tôi đã vội vàng làm nội thất mà không tìm hiểu kỹ càng nên vừa vẫn tốn tiền, vừa rước bực và phải ngày ngày sử dụng những món đồ không đúng ý mình.
Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu, giám đốc một công ty nội thất tại Sài Gòn cho rằng, để tránh các vấn đề không như ý, trước khi chọn nơi làm nội thất cho căn hộ chung cư, gia chủ nên thống kê hết những vật dụng nhà mình đang cần. Nên chú ý khoanh nhóm các món cho từng không gian, phòng riêng. Ngoài ra, cần đo các kích thước thật kỹ, nhất là kiểm tra các góc, độ lệch khi phòng không vuông. Cần tính toán kích thước vật dụng cho từng không gian đồng thời cân đối và kiểm tra kỹ khoảng không còn lại sau khi đã kê đồ. Để hạn chế tối đa rủi ro đồ nội thất sau khi hoàn thiện không đúng ý, bạn phải ghi rõ ra chất liệu, kích thước và thiết kế ngăn, kệ bên trong. Có hình minh họa càng tốt. Vì các ngăn, kệ ảnh hưởng không ít đến giá thành, nhân công lao động và nhất là nguyên vật liệu, phụ kiện. Việc chuẩn hóa kích thước các vật dụng cũng giúp hạn chế tối đa sự khác biệt về kích thước. Dù tổng số tiền làm nội thất lớn hay nhỏ vẫn nên làm hợp đồng với các điều khoản cụ thể, trong đó ghi rõ cả ngày, tháng lắp đặt, nếu vi phạm thì biện pháp xử lý ra sao, phạt thế nào. Việc nói chung chung, không có thông tin rõ ràng thì thiệt thòi luôn về phía gia chủ. Theo ông Châu, nếu ngân sách hạn chế, bạn có thể tính đến phương án mua hàng đã có sẵn vì như vậy sẽ kiểm tra được chất lượng và kiểu dáng, kích thước như ý. Nên tối đa tránh đặt đóng đồ vào các mùa cao điểm như dịp cuối năm, sát Tết. |
Bảo Ngọcghi
Post a Comment