Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ ở thôn An Phú (xã Triệu Sơn, Triệu Phong, Quảng Trị), chị Lê Thị Kim Lành (28 tuổi) đang nương nhờ cha mẹ ruột để chăm ba con trai sinh ba. Đến nay, các bé đã hơn 4 tháng tuổi, nặng mỗi bé trên 5kg, đều kháu khỉnh.
Chị Lành bảo do sinh ba, không đủ sữa cho cả ba con bú nên các cháu không đủ cân nặng theo tiêu chuẩn. “Dù vậy, các con đều khoẻ mạnh nên gia đình rất mừng. Suốt thai kỳ tôi gặp nhiều vấn đề sức khoẻ, nên việc sinh hạ thành công là phúc lớn của cả gia đình", chị tâm sự.
Có sự trợ giúp của ông bà ngoại và em trai lớp 7, chị Lành vẫn xoay như chong chóng với ba bé sinh ba. Ảnh: Hoàng Táo. |
Gần ba năm trước, chị kết hôn với anh Nguyễn Văn Vũ (40 tuổi, quê ở Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) rồi cùng thuê trọ tại TP Huế. Chị Lành đi bán áo quần thuê, trong khi chồng bán vé xe khách, phụ chở hàng. Ít tháng sau ngày cưới, chị mang thai. Tin vui đến khiến họ vô cùng hạnh phúc vì anh Vũ tuổi cũng đã lớn. Niềm vui chẳng tày gang, đứa con này sớm từ bỏ anh chị mà đi.
Hai năm sau, chị Lành mới mang thai lại. Lần đi siêu âm đầu tiên, bác sĩ báo tin thai ba khiến chị vui buồn lẫn lộn, đầu óc quay cuồng rồi ngất lịm, các bác sĩ mất nhiều thời gian mới giúp chị trấn tĩnh. "Phải nhiều năm tôi mới có thai, nhưng gia cảnh khó khăn, hay tin có cùng lúc ba cháu, tôi rất lo lắng", chị Lành kể lại.
Thăm khám, bác sĩ khuyên bỏ đi một thai thì mới có khả năng giữ được các con còn lại, khiến chị rất xót xa. Bản thân chị lại bị chẩn đoán nhau tiền đạo, việc đi lại nhiều rất dễ dẫn đến hư thai,
Được người thân động viên, chị Lành quyết giữ lại cả ba bé, đồng thời chấp nhận nghỉ việc ở nhà dưỡng thai. “Tôi bị nôn suốt cho đến ngày lên bàn mổ đẻ”, chị tâm sự. Không nằm được trên giường, chị chỉ có thể tựa lưng, ngủ hờ trên giường xếp. Hai tháng cuối, chị còn bị men gan cao do áp lực thai gây nên. Lúc này, gia đình đưa chị vào ở hẳn tại Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị và dự phòng sinh non.
Khi thai 36 tuần, chị trở dạ, được bác sĩ cho sinh mổ. Ba cháu trai lần lượt ra đời, nặng từ 1,8 đến 2,1 kg, khỏe mạnh, khiến cả gia đình vỡ oà hạnh phúc sau ba năm chờ đợi.
Ba anh em giống nhau về khuôn mặt, và cả giờ giấc sinh hoạt, ăn ngủ. Ảnh: Hoàng Táo. |
Theo phong tục địa phương, lần sinh đầu, mẹ con chị Lành được đưa về nhà ngoại chăm sóc. Nhà ngoại chỉ có bố mẹ đẻ, cùng cậu em trai đang học lớp 7, thêm chị Lành là bốn người mà trở tay không kịp với ba đứa trẻ. “Chúng nó khóc cùng lúc, ngủ cùng lúc, thức dậy và thậm chí đi vệ sinh cũng một lần, tôi và bố mẹ luôn tay chân mà không kịp thay tã bỉm, cho bú”, chị Lành nói.
Những ngày đầu thực sự gian nan. “Bữa ăn kéo dài đến bốn tiếng chứ nói gì đến một giấc ngủ cho tròn”, chị kể. Bố đi làm đồng, mẹ đi chợ, em trai đi học, một tay chị cho con bú sữa mẹ, tay còn lại cho bé khác bú bình, trong khi chân đưa nôi bé thứ ba.
Do điều trị kháng sinh 9 ngày liền sau sinh mổ, cộng với sinh ba nên sữa mẹ không đủ cho các con. Những tháng đầu, bé thứ hai nhẹ cân nhất nên được ưu tiên dùng sữa mẹ, các bé khác chủ yếu bú ngoài. Ba chú bé được đặt tên lần lượt là Khôi, Phước và Quý, khuôn mặt rất giống nhau.
Chị Lành kể lần tiêm chủng đầu tiên, gia đình phải nhờ sáu người với ba xe máy mới đủ đưa con đến trạm xá. Những lần sau, hàng xóm thương tình nên lái ôtô đón năm bà cháu đi tiêm.
Bé út hay cười, được đặt tên là Nguyễn Văn Quý. Ảnh: Hoàng Táo. |
Vui vì các con khoẻ mạnh, nhưng chị Lành luôn trăn trở về khoản tiền mua sữa ngoài cho các con. Chị không có thu nhập từ ngày nghỉ việc. Ông bà ngoại là nông dân, thuộc hộ gia đình cận nghèo, một mình ông ngoại ốm đau giờ phải căng sức làm 5.000 m2 ruộng để chăm lo gia đình, ưu tiên bà ngoại chuyên phụ chăm cháu. Trong khi đó, chồng chị làm thuê thu nhập bấp bênh, chừng hai tuần mới từ TP Huế ra thăm con một lần.
“Lắm lúc túng, tôi phải vay mượn hàng xóm nhiều nơi để mua sữa cho các cháu. Nhiều khi cháu đói sữa, khóc ngặt nghẽo mà tôi cứng tay chân không biết làm gì”, bố chị Lành trĩu nặng tâm sự.
Post a Comment