Các bác sĩ cho hay, ráy tai vốn được tiết ra bởi một tuyến đặc biệt, có nhiệm vụ giữ lại bụi bặm và làm chậm sự phát triển của vi khuẩn, từ đó bảo vệ ống tai phía trong và màng nhĩ.
Chất tiết sinh lý này sẽ tự đào thải ra ngoài lỗ tai và do đó, xét về mặt khoa học thì ráy tai có lợi và không cần phải lấy ra. Việc sử dụng bông tăm hay dụng cụ lấy ráy tai chẳng những không an toàn mà còn đưa thêm nhiều vi trùng mới và đẩy một số ráy tai đang trên đường thoát ra trở lại sâu trong tai.
Tuy vậy trên thực tế nhiều người tự lấy ráy tai định kỳ theo thói quen hoặc đơn giản ngoáy tai khi ngứa. Có người còn “nghiện” việc lấy ráy tai tại tiệm gội đầu và không thể vứt bỏ “niềm đam mê” này.
Lấy ráy tai không đúng cách có thể làm thủng màng nhĩ, nhiễm khuẩn. |
Trong khi đó, có một cách lấy ráy tai vừa sạch, vừa an toàn mà ít người biết tới. Cụ thể theo chia sẻ của các chuyên gia, bạn chỉ cần nhỏ 1-2 giọt hydrogen peroxide (oxy già) vào tai khoảng 10 phút trước khi đi tắm. Oxy già sẽ sủi bọt, đẩy ráy tai ra ngoài, ta chỉ việc dùng khăn lau sạch lỗ tai. Làm đều đặn mỗi tháng một lần.
Sau khi nhỏ oxy già, bạn sẽ nghe tiếng lép bép trong tai. Tiếng động này là do các bọt khí của oxy già bị vỡ ra, sẽ biến mất sau 5 phút.
Peroxide có công dụng hóa lỏng các chất nhờn và giúp nó thải ra khi bạn đi tắm như bình thường. Lưu ý: Phương pháp này không áp dụng với những ai đã bị thủng màng nhĩ hoặc đã từng phẫu thuật tai vì peroxide có thể gây nhiễm trùng tai.
Với trẻ nhỏ, phụ huynh không nên cố lấy ráy tai vì những nguyên nhân đã nói đến ở trên. Ngoài việc có thể gây tổn thương tai như rách màng nhĩ (gây ảnh hưởng đến thính giác), lấy ráy tai bằng dụng cụ kim loại có thể khiến các bé bị nhiễm trùng ống tai ngoài, viêm mủ, thậm chí bị uốn ván.
Cách tốt nhất để làm sạch tai cho trẻ là dùng tăm bông thấm giấm ăn ngoáy nhẹ. Các vật dụng móc tai không nên dùng chung hoặc phải rửa sạch bằng dung dịch sát khuẩn trước khi dùng.
Nếu bạn có rất nhiều ráy tai, hãy đến gặp bác sĩ thường xuyên để được trợ giúp lấy ráy tai một cách an toàn bằng những dụng cụ y tế chuyên nghiệp.
*Một số lưu ý khác khi lấy ráy tai:
- Không lấy ráy tai thường xuyên.
- Không tự ý lấy ráy tai.
- Không nhờ người không có chuyên môn y khoa lấy ráy tai.
- Chỉ dùng khăn lau vành tai và lỗ tai, không cho bất cứ vật gì vào sâu trong tai.
Ngân Hà(tổng hợp)
Post a Comment