Lương Hồng và Trương Hân Vũ - cặp vợ chồng đầu tiên tổ chức đám cưới tại Nam Cực

Lương Hồng và Trương Hân Vũ - cặp vợ chồng đầu tiên tổ chức đám cưới tại Nam Cực

Cặp đôi người Trung Quốc Trương Hân Vũ (40 tuổi) và Lương Hồng (38 tuổi) đã có 20 năm gắn bó bên nhau. Họ đã hai lần vòng quanh thế giới, một lần bằng thuyền buồm và một lần bằng máy bay cánh quạt hai động cơ, bên cạnh đó là rất nhiều chuyến đi đường bộ khác. Cặp đôi đã lập vô số kỷ lục, được UNESCO mời làm khách mời danh dự, từng bị phiến quân nhà nước Hồi giáo IS hay bị tàn quân Taliban truy sát.

Khi vừa tốt nghiệp cấp 3, Hân Vũ đang tuyệt vọng vì bị bạn gái bỏ rơi, Lương Hồng đã ở bên an ủi anh. Cảm động, Hân Vũ tự hứa sẽ thực hiện mọi điều Hồng muốn. Một lần nói chuyện, Hồng hỏi vu vơ: "Sau này đám cưới của chúng ta sẽ như thế nào", Hân Vũ hào hứng: "Anh sẽ tổ chức cho em một đám cưới đáng nhớ ở Nam Cực, chim cánh cụt sẽ làm phù dâu rể cho chúng ta".

Những ước mơ của tuổi hoa niên tưởng đã bị lãng quên, khi cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn lấy họ. Sinh ra một gia đình công nhân ngành dầu khí bình thường ở Bắc Kinh, Hân Vũ khởi nghiệp bằng công việc bán hàng. Sau đó, anh mở được công ty riêng và làm ăn phát đạt. Anh đầu tư vào nhà, xe hơi và mua sắm rất nhiều như những người Trung Quốc giàu có khác. Giấc mơ của Hân Vũ từng là kiếm được thật nhiều tiền.

Tuy nhiên, trận động đất 8 độ richter ở Tứ Xuyên năm 2008 làm 8.000 người chết đã khiến quan điểm về hạnh phúc của anh thay đổi. Là một tình nguyện viên, chứng kiến hậu quả thảm khốc của thiên tai, Hân Vũ nhận ra cuộc sống thật mong manh, và anh muốn phần còn lại của đời mình sẽ sống ý nghĩa hơn.

Sau đó, Hân Vũ và Hồng bắt đầu công cuộc chuẩn bị kéo dài suốt 5 năm cho những chuyến đi vòng quanh thế giới của mình. Anh học bơi, lặn, lái thuyền buồm và làm chủ các loại xe khác nhau, bao gồm cả trực thăng và dù lượn. Anh tìm hiểu những bí mật của việc đi biển. Anh ngồi lì 6 tháng trong thư viện, nghiên cứu đại dương, khí hậu và kỹ thuật cứu sống. Anh gửi email cho Bộ Ngoại giao Mỹ để xin phép mua các dụng cụ tiên tiến để sử dụng trong các chuyến thám hiểm của mình.

Cặp đôi không muốn đi đến những điểm du lịch thông thường mà muốn khám phá những khắc nghiệt của thiên nhiên cũng như các xã hội con người. Vì thế, chuyến đi đầu tiên của họ bị bố mẹ ngăn cản, tuy nhiên, sau đó, các bậc phụ huynh đã bị thuyết phục và sẵn sàng giúp họ chuẩn bị.

Cuối tháng giêng năm 2012, cả hai bắt đầu đi từ Trung Quốc đến Oymyakon, ngôi làng nghèo thuộc cộng hòa Sakha (Liên bang Nga), cách Bắc Cực 350km. Đây được coi là khu vực lạnh nhất có người sinh sống, lúc này nhiệt độ trung bình từ -50 đến -60 độ C.

Hân Vũ cầu hôn bạn gái tại Bắc Cực

Hân Vũ cầu hôn bạn gái tại Bắc Cực

Hạ trại tại đây rất khó khăn nhưng cặp đôi đã thành công và trở thành những người Trung Quốc đầu tiên qua đêm ngoài trời tại đây. Chính đêm đó, Vũ Hân đã quyết định cầu hôn người bạn gái đã gắn bó với anh 17 năm qua. Tất nhiên, Lương Hồng không có lý do gì để từ chối.

Trong năm 2012, cặp đôi tiếp tục đến Somalia, đất nước châu Phi nghèo đói và bất ổn hàng đầu thế giới, đến thăm thành phố Chernobyl (Nga) để chứng kiến tàn dư sau thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất thế kỷ 20. Cuối năm đó, họ cùng một số người bạn đến Vanuatu - hòn đảo phía Nam Thái Bình Dương và chinh phục hố nham thạch Marum của núi lửa Ambrym. Cư dân trên đảo chủ yếu là các bộ lạc thiểu số, không tiếp xúc với thế giới văn minh và được đồn rằng vẫn ăn thịt người. Họ phải mất 2 tuần ở lại để làm quen người dân địa phương, thuyết phục tộc trưởng cho mình leo núi.

Cặp đôi cùng các bạn đồng hành đã tiến sát đến miệng núi lửa đang sôi, cắm trại qua đêm và leo xuống hố Marum. Họ đã suýt mất mạng ở đây. Tại núi lửa Marum, mưa axit đã hủy hoại thiết bị công nghệ của họ. Leo đến 300 mét trong hồ magma nóng bỏng, Hân Vũ mất liên lạc với Hồng và các bạn đang ở bên ngoài. Hồng khóc không ngừng và nói cô sẽ không bao giờ bỏ anh ở lại một mình. Trở về, họ được cả bộ lạc chào đón, Hân Vũ được tộc trưởng nhận làm anh em kết nghĩa, cặp đôi được đặt tên như người bộ lạc và được tặng một bãi biển trên đảo.

Các chuyến đi thám hiểm thế giới của họ bắt đầu được truyền hình trực tuyến kể từ năm 2013, với chương trình mang tên On the Road. Đây cũng là lúc Hân Vũ quyết định thực hiện lời đã hứa với Hồng từ hơn chục năm trước: tổ chức đám cưới tại Nam Cực.

Ngày 5/7/2013, hai người dong thuyền buồm khởi hành từ cảng Thượng Hải đến đảo Jeju, Hàn Quốc nghỉ qua đêm, rồi đến Tsushima (Nhật Bản) kiểm tra lại thuyền, qua vùng biển Nhật Bản, vượt qua eo biển Bering, sang Bắc Mỹ rồi vào nước Mỹ, xuống Mexico.

Từ Mỹ sang Mexico, họ mang theo súng, lựu đạn, áo giáp khiến quân đội biên giới nghi ngờ. Chiếc xe họ đi nhờ lại đi theo đường tránh - đường vốn bị băng đảng xã hội đen và buôn ma túy kiểm soát. Từ con đường ấy đi ra, cả hai bị khám xét gắt gao. Khi Hân Vũ vào một đồn cảnh sát nhờ giúp đỡ, hơn chục cảnh sát quây lấy họ, lăm lăm súng bắt họ đầu hàng.

Sau khi khám phá Ecuador, họ tới Peru, nhận lai thuyền của mình, rồi tiếp tục xuôi xuống Argentina. Tại eo biển Drake – nơi phân cách lục địa Nam Mỹ và châu Nam Cực, họ hoàn tất thủ tục đăng ký đi Nam Cực và thẳng tiến đến đích của chuyến đi. Ngày 25/2/2014 cặp đôi tổ chức đám cưới ở Nam Cực, nơi cách nhà mình hai vạn km.

Thời gian từ khi cầu hôn đến kết hôn kéo dài 18 tháng, cả hai đã trải qua 30 quốc gia, 40 thành phố, xuyên qua cả 5 châu lục. Riêng hành trình trên thuyền là 34.000 km và gần nửa năm. Hân Vũ chỉ một lần nghĩ đến việc bỏ cuộc khi chiếc thuyền của họ trúng cơn bão vào năm 2013. Hồng say sóng, không ngừng khóc và liên tục nôn mửa. Hân Vũ không thể chịu đựng nỗi đau của cô và nghĩ đến việc kết thúc cuộc hành trình, nhưng Hồng nói: "Đi nào! Làm sao chúng ta có thể từ bỏ giữa chừng?". Hồng cho biết tình cảm của Hân Vũ đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn. "Chúng tôi không bao giờ nghĩ mình có thể chia tách", cô nói với DailyChina.

Việc dùng kỹ thuật số tạo dựng lại hình ảnh ban đầu của các bức tượng Phật ở Bamiyan (Afghanistan) và phát lên mạng của cặp vợ chồng đã khiến tàn quân Taliban nổi giận.

Việc dùng kỹ thuật số tạo dựng lại hình ảnh ban đầu của các bức tượng Phật ở Bamiyan (Afghanistan) và phát lên mạng của cặp vợ chồng đã khiến tàn quân Taliban nổi giận.

Sau kết hôn, cặp vợ chồng tiếp tục đi vào những điểm nóng của thế giới như Afghanistan hay Iraq. Việc dựng lại hình dạng trên máy chiếu các bức tượng Phật ở Afghanistan từng bị Taliban dùng thuốc nổ đánh sập vào năm 2001 hay dùng fly-cam quay lại các căn cứ quân sự của IS tại Syria đã khiến họ bị phiến quân Hồi giáo truy sát. Chương trình phát sóng trực tuyến cuộc hành trình của họ phải dừng lại một thời gian.

Đầu năm nay, cả hai tiếp tục chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới bằng chiếc máy bay cánh quạt tuabin hai động cơ do Trung Quốc sản xuất cách đây 32 năm và tiếp tục phát sóng hành trình trên On the Road.

Hân Vũ giải thích anh chọn chiếc máy bay cũ này không phải vì muốn tạo hiệu ứng ly kỳ cho chương trình mà đơn giản đó là chiếc máy bay duy nhất vợ chồng anh có khả năng mua được. Chuyến đi dài 80.000km này của vợ chồng Hân Vũ đã thu hút được 300 triệu lượt xem trực tuyến và được Douban - website nhận xét về phim các chương trình truyền hình của Trung Quốc chấm điểm 9,2/10. Trong chuyến đi này, hai vợ chồng dừng lại tại 45 điểm ở hơn 23 quốc gia trong chuyến đi và ghi lại các cuộc gặp của họ với người dân địa phương. 

Chiếc máy bay có tuổi đời 32 năm Harbin Y12 đã giúp cặp vợ chồng thực hiện hành trình bay dài 80.000 km.

Chiếc máy bay có tuổi đời 32 năm Harbin Y12 đã giúp cặp vợ chồng thực hiện hành trình bay dài 80.000 km.

Hân Vũ nói rằng anh và vợ vẫn còn sáu kế hoạch chưa hoàn thành, nhưng anh chỉ tiết lộ kế hoạch sắp tới. Họ đã mua một chiếc tàu phá băng có thể chứa được 150 người để đi cùng họ đến những hòn đảo ít được biết đến nhất trên thế giới.

Để thực hiện các giấc mơ của mình, cặp vợ chồng vừa bán tất cả 9 căn hộ ở Bắc Kinh và sống tại một căn hộ đi thuê. "Giá nhà đất ở Bắc Kinh tăng vọt đã giúp chúng tôi thực hiện được ước mơ", Hân Vũ nói vui.

Kim Anh (Theo Shine.cn, Chinadaily, The Financial TimesGBTimes)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top