Chia sẻ của Phạm Hương Giang, 23 tuổi, ở Hà Nội, về ông ngoại mình đang gây sốt trên mạng xã hội. Chỉ sau ít giờ đăng tải trên một fanpage, status của cô gái trẻ đã nhận được gần 5.000 lượt like cùng hàng trăm bình luận. Câu chuyện giản dị nhưng chạm tới trái tim rất nhiều người, khiến họ nhớ tới ông bà với những kỷ niệm khó quên.
Những món quà nhỏ và lời nhắn của ông ngoại mỗi ngày khiến Giang xúc động. |
Nội dung chia sẻ của Hương Giang:
"Nếu có cuộc thi bình chọn 'Ông ngoại của năm' thì tôi sẽ đề cử ông ngay. Có lẽ đây là những thứ vô giá với chị em chúng tôi... Những dòng thư và quà của ông ngoại. Ông tôi sáng sớm sẽ đạp xe ra chợ, mua đồ ăn, rồi đi từng nhà các con cháu chia quà ăn sáng. Hoặc cuối buổi chiều lúc con cháu đi làm, đi học về.
Thường lúc nhận được tôi chỉ thấy vui thôi, rồi thi thoảng chụp ảnh lại. Nhưng hôm trước nhìn lại những ảnh đã chụp, ăn từng thứ ông gửi mà cảm thấy nghèn nghẹn cổ, nghĩ thương ông mà rơi nước mắt.
Tôi yêu những dòng chữ này của ông lắm. Cũng có những lúc nhận được thiệp của mấy anh chàng mình thích nhưng không bao giờ làm tôi cảm động như đọc những câu ngắn gọn chân thành của ông. Mỗi lần sang nhà, ông bà lại bày nguyên cái tủ lạnh với đồ ăn trong nhà bắt tôi ăn, lúc nào cũng ăn no không đứng dậy nổi.
Nhiều khi tôi cứ thấy mình cô đơn, người yêu thờ ơ một chút là thấy bầu trời như sụp đổ. Nhưng rồi tôi nhận ra, đến một ngày nào đó khi không còn nhận được sự quan tâm này mới thực sự buồn thế nào. Ai ít thăm ông bà nhớ năng sang thăm nhé. Trên đời này, tình cảm đẹp đẽ và đáng trân trọng nhất chỉ có thể là tình thân máu mủ, ruột rà thôi".
Ông bà ngoại của Hương Giang. |
Chia sẻ với VnExpress, Hương Giang cho biết, ông ngoại tên Đỗ Ích, năm nay 76 tuổi. Trước kia ông từng làm kỹ sư vận tải ở Hải Dương. Hai ông bà ngoại hiện sống cùng nhau ở khu tập thể Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Ông có 4 cô con gái, 8 cháu ngoại. Tất cả đều ở gần đó nên ông thường xuyên đạp xe đi một vòng thăm con cháu. Món quà ông gửi chỉ là gói xôi, bánh bao, mấy quả quýt, quả khế, mía... Nhà nào cũng phải công bằng với túi quà giống nhau, ông sợ con cháu ghen tị.
"Người lớn trong nhà can ngăn đủ kiểu, bảo lạnh lẽo ông đi lại ít thôi, có gì muốn chia cho con cháu thì gọi điện bảo chúng nó sang lấy. Nhưng ông không nghe, bảo là đi cho khỏe người, của cho không bằng cách cho. Các con tối mới về ngại không sang lấy lại phí hoài ra", Giang cho hay.
Cô gái trẻ cho biết mỗi khi con cháu trong nhà ốm, ông sang "còn nhanh hơn gọi cấp cứu 115". Mỗi khi có đứa cháu nào ho hay đau bụng, ông nháo nhào sang, nấu cháo, mang hoa quả hộp sữa. "Bố tôi toàn bảo không được nói với ông không ông lo. Có lần em gái tôi bị ngã xe đạp điện nhưng giấu không cho ông biết. Mãi sau khi phát hiện ra, ông còn la bố mẹ tôi luôn", Giang nhớ lại.
Ông ngoại tự tay viết những dòng chữ trên bó hoa tặng cháu gái, trang trí sinh nhật cho cháu trai. |
Đọc chia sẻ của Giang, nhiều người cũng đăng tải câu chuyện xúc động về ông bà của họ: "Ông bà ngoại tôi không viết cái gì cả. Chỉ cần có cái kẹo hay bất cứ cái gì là lại lóc cóc đạp xe mang lên nhà cho chị em tôi"; "Giống ông ngoại tôi ngày xưa. Tuổi thơ lớn lên trên gác-ba-ga con xe mi ni màu đỏ, giỏ rách, tụt yên của ông. Có gì ông cũng để dành để phần cho con cháu. Thế mà ông bỏ đi khi tôi mới vừa tròn 18 tuổi"...
Mộc Miên
Post a Comment