Sốt cao thường mới chỉ là triệu chứng chứ chưa hẳn là bệnh. Vì sốt là phản ứng tốt của cơ thể trẻ nhỏ khi không may bị vi trùng thâm nhập. Đó là những chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai.
Tuy nhiên, có những ông bố, bà mẹ khi thấy con sốt cao thì bối rối, chạy đôn chạy đáo cho con uống thuốc giảm sốt hoặc quấn chăn, quấn áo...
Nhưng theo phân tích của PGS. TS Dũng thì làm như thế khiến trẻ dễ bị ngạt.
Và dưới đây là 5 thói quen xấu mà nhiều ông bố, bà mẹ hay mắc phải khiến trẻ dễ gặp nguy hiểm và những cách “trị sốt” hữu hiệu được PGS. TS Dũng đưa ra để loại trừ những thói quen xấu ấy.
Ảnh minh họa |
1. Dán miếng hạ sốt
Khi trẻ bị sốt, có thể dùng khăn ấm lau toàn thân cho trẻ, đặc biệt lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn, thay khăn 2 - 3 phút/lần để trẻ hạ nhiệt. Không nên cho trẻ dùng miếng dán hạ sốt bởi vừa mất tiền vừa không giúp trẻ hạ sốt, chưa kể đến việc còn gây hại cho trẻ.
2. Chườm lạnh
Thay vì dùng khăn ấm lau người cho trẻ, chườm lạnh là biện pháp hầu như bố mẹ nào cũng áp dụng khi con sốt nhưng thực chất biện pháp này không có tác dụng mà còn gây hại.
Theo PGS Dũng, khi trẻ sốt bố mẹ thường không hiểu rõ căn nguyên từ đâu, nếu sốt do nhiễm khuẩn, viêm phổi, chườm lạnh sẽ làm bệnh trầm trọng thêm. Đặc biệt, bố mẹ tuyệt đối không dùng đá chườm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp.
Đắp khăn lạnh, tắm lạnh hay chườm lạnh chỉ được thực hiện trong trường hợp say nóng, say nắng. Tuy nhiên, PGS Dũng không khuyến khích vì hiệu quả rất thấp.
3. Đóng kín cửa
Khi bị sốt không được đắp chăn, không được đóng kín cửa mà phải mở cửa, quạt cho thông gió, để không khí trong nhà lưu thông.
Với cách này chỉ một lúc sau người bệnh sẽ hết cảm giác rét, cơ thể dần ấm lên. Trong khi đó, hầu hết chúng ta lại làm ngược lại, khiến bệnh càng nặng thêm.
4. Uống thuốc hạ sốt khi trẻ mới sốt dưới 38,5 độ
Cha mẹ không cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C. Cũng không cho trẻ uống thuốc co giật sớm, điều này sẽ làm khó cho bác sĩ khi thăm khám.
Ở trẻ, thân nhiệt ở miệng từ 37,5 độ C trở lên, ở nách từ 37,2 độ C tức là bé đang sốt, song không phải trường hợp nào cũng cần dùng đến thuốc hạ sốt. Khi sốt nhẹ, thân nhiệt trẻ ở mức 37,5-38,5 độ C, chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước, hoặc bú mẹ nhiều hơn.
5. Ăn kiêng
PGS. TS.Dũng khuyến cáo chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trong và sau khi bị ốm rất quan trọng vì nó sẽ làm cho bệnh mau khỏi, mau phục hồi sức khỏe và tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật.
Đặc biệt, trường hợp sốt mất nước, không được bù nước (uống nước Oresol) và ăn uống thiếu chất, trẻ dễ bị nguy cơ suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, lâu lành bệnh.
Nguyễn Huệ
Post a Comment