Sau khoảng 1 tuần cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh, bệnh nhân N.H.T. (35 tuổi, quê gốc ở Hậu Lộc, Thanh Hóa và hiện tại đang công tác ở Lai Châu) đã qua cơn nguy kịch nhưng đứng trước nguy cơ bị hoại tử các đầu ngón chân, ngón tay.
Đứng phía bên ngoài phòng cấp cứu lặng lẽ nhìn đứa con trai út của mình đang đau đớn chống chọi bệnh tật, bà A. (mẹ anh T) không khỏi xót xa. Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, bà lại khóc. Ngày nào bà cũng lặng lẽ nhìn con như thế mà không dám tới gần.
“Mỗi lần tôi tới gần nó lại mắng tôi để tôi ghét nó mà đi ra ngoài. Nó không muốn tôi khổ”, bà A. kể.
Chia sẻ với chúng tôi, bà A. cho hay, gia đình bà chịu không biết bao điều rủi ro. Nhà có hai trai, hai gái. Hai đứa con gái đã yên bề gia thất, con trai lớn đi lao động xa, bị tai nạn giao thông phải trở về quê và đang sống trong cảnh thất nghiệp, chưa xây dựng gia đình.
Đầu năm 2016, chồng bà qua đời cũng trong 1 vụ tai nạn giao thông. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi giờ đây con trai út của bà lại bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, tuy đã tỉnh nhưng vẫn còn tình trạng sốc, có ban hoại tử khắp toàn thân, tập trung ở mặt, chân tay, có tình trạng tắc mạch, hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng.
“Con trai tôi hiện đang làm ở Lai Châu, chưa xây dựng gia đình. Cách đây khoảng nửa tháng, cơ quan liên hoan có đặt mua 1 con lợn cắp nách. Lúc đó, con trai tôi ốm không muốn tham dự nhưng sau thấy anh em bạn bè rủ nhiệt tình nên nó cũng ra tham gia. Ai ngờ...
Cả nhóm liên hoan mà chỉ có mình con trai tôi bị. Từ trước tới nay nó là đứa khỏe mạnh, chỉ thỉnh thoảng ốm vặt, uống thuốc vài ba ngày lại khỏi”, nói tới đây bà A. không cầm được nước mắt.
Cũng đã rất nhiều ngày nay bà không ăn, không ngủ được. Bà còn sợ, sợ con trai mình sau này sẽ sống tự ti với những hình ảnh khi nằm viện.
“Tôi chỉ mong sao mọi người sẽ không ăn tiết canh, tự chăm sóc bảo vệ sức khỏe của chính mình. Con trai tôi sau này cũng sẽ tránh xa món ăn đó”, bà A. nói thêm.
Bệnh nhân T. đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sau khi bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. |
Theo Ths. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, vào dịp cuối năm, khoa hồi sức cấp cứu tiếp nhận khá nhiều trường hợp nhập viện do ăn tiết canh.
Nói về việc ăn tiết canh được chế biến từ lợn cắp nách – lợn mà mọi người vẫn đang nghĩ là “lợn sạch” nhưng vẫn bị nhiễm liên cầu lợn, bác sĩ Cấp cho biết, ăn tiết canh và bị nhiễm độc là vấn đề năm nào bệnh viện cũng gặp phải, những con lợn kể cả lợn khỏe cũng có 10 -15% mang gen liên cầu lợn.
“Lợn cắp nách còn có các mầm bệnh khác, lợn nuôi công nghiệp chỉ ăn cám công nghiệp, quanh quẩn trong chuồng trại, ít nhiễm vi khuẩn và dịch bệnh, lợn thả rông thì gặp gì ăn nấy nên bị nhiễm bệnh từ các thức ăn đó. Ví dụ rau sống có trứng sán, chuột chết có mầm bệnh…
Vì vậy, ngoài liên cầu lợn, lợn cắp nách có thể mang những bệnh khác như sán, giun xoắn... Các bệnh lý đó nếu nấu chín thì mầm bệnh chết nhưng ăn tái sống có nguy cơ bị nhiễm bệnh là rất cao", bác sĩ Cấp nói.
Theo thông tin được biết, một năm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 100 ca nhiễm viêm cầu khuẩn lợn. Ngoài các bệnh nhân là nam giới thì bệnh viện cũng từng tiếp nhận các bệnh nhân là nữ. Chủ yếu trong số nữ bị nhiễm là nhóm người bán thịt lợn, ăn lợn ốm.
Bác sĩ Cấp cũng nói thêm, những đối tượng nghiện rượu rất khó tuyên truyền, đa số họ còn không có bảo hiểm. Rơi vào những đối tượng đó hay tử vong vì sức khỏe yếu, nhà nghèo, vợ con không quan tâm…
Để có một dịp nghỉ Tết nguyên đán khỏe mạnh và vui vẻ, bác sĩ Cấp khuyến cáo mọi người không nên ăn đồ sống, tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Nguyễn Huệ
Post a Comment