Thứ tư, 11/1/2017 | 12:15 GMT+7

Thứ tư, 11/1/2017 | 12:15 GMT+7

Một người mẹ tự vẫn sau hai lần sinh con gái. Người khác khóc xin "nở hoa nhiều lắm rồi, lần sau xin hãy cho tôi một trái"...

Lần đầu tiên, các vấn nạn cuồng con trai, sinh con cận huyết, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục... của phụ nữ và trẻ em gái vùng cao được thể hiện chân thực và sống động trong cuốn sách online "Chuyện 'đẻ' vùng cao", do tổ chức Women Deliver và Bayer tài trợ. Lật từng trang cuốn sách là những cảnh đời xót xa của phụ nữ ở các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam. 

Trong ảnh, chị Sơ, 40 tuổi, đã sinh 5 con những vẫn đang phải cố gắng đẻ được một cậu con trai. Chồng chị luôn khóc lóc, kêu khổ vì không có con trai. Nhà ngoại luôn gây áp lực, bảo chị là "đồ không có phúc phận".

"Có lần đẻ xong, mẹ chồng bắt con gà mổ cho tôi ăn. Tôi rơi nước mắt bảo mẹ là 'Thưa mẹ, con không ăn đâu. Con ăn cơm với trứng thôi cũng được rồi'. Tôi thấy mình không xứng đáng với sự chăm sóc của mẹ chồng", chị Vừ Thị Lầu - lấy chồng 30 năm, sinh 8 con gái, mấy lần suýt chết trong khi đẻ - tâm sự.

"Trong bản của tôi có một bác sinh đến lần thứ 5 vẫn là con gái. Lúc nhìn con chào đời, bác ấy nhắm mắt lại, khóc rồi chắp tay nói 'Tôi đã nở hoa nhiều lắm rồi, lần sau xin hãy cho tôi một trái nhé'" - câu chuyện của em Lò Thị Lý (người Mông).

Người phụ nữ này đã gần 50 tuổi, có 8 con gái nhưng vẫn chưa sinh được con trai. "Người ta đặt vòng là để tránh thai còn bác không muốn tránh thai vì muốn có con trai" - câu chuyện của em Lò Thị Lý.

"Mẹ chúng em không còn nữa, em nghe họ bảo mẹ tự tử vì bố ghét, bảo mẹ không biết sinh con. Chắc mẹ cũng không cần lũ con gái chúng em như bố nên mới rời xa bọn em lâu đến vậy", em Bàn Thị Xính, 4 tuổi cho biết.

Đây là gia đình chị Nà, 23 tuổi đã có 4 con gái nhưng chồng bắt chị phải sinh cho đến khi có con trai, dù rất nghèo.

Chị Ma Thị Hoa lấy chồng một thời gian mà không sinh được con nên bị chồng đay nghiến và bạo hành. Chồng kiếm vợ bên ngoài, 3 năm sau khi cưới thì mang về cho chị một đứa con trai. "Mọi người ai cũng mừng cho tôi", chị buồn bã kể.

Vì muốn đẻ nhiều con trai mà nhiều gia đình không có miếng ăn vẫn cứ đẻ. "Ở bản tôi, mọi người quan niệm trời sinh voi trời sinh cỏ. Vì cái quan niệm này mà rất nhiều gia đình sinh đông con. Em bé trong ảnh là con trong một gia đình có 21 người con", em Lâm Thị Huệ, dân tộc Nùng cho hay.

Phan Dương

Xem thêm:

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top