Bà Thủy (55 tuổi, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) từng có hai thập kỷ sống trong ách bạo lực của người chồng giáo viên bằng tuổi. Nhưng hơn 8 năm qua, bà như hồi sinh khi được chồng và các con yêu thương. Ông Hoàn không chỉ nhận ra mình sai khi từng mê cờ bạc, đánh vợ, mà còn cấm các con không được làm mẹ buồn. “Bà ấy là người phụ nữ đảm đang, hy sinh cho chồng con, vậy mà tôi đã mắc rất nhiều sai lầm, chỉ vì không làm chủ được mình”, ông Hoàn tâm sự.
Sau đám cưới vào năm 1982, bà Thủy sống gần nhà chồng ở Nghệ An. Hồi đó, làm kinh tế giỏi, nhưng ông Hoàn mê cờ bạc, nên bao nhiêu tiền làm ra đều tiêu hết vào trò đỏ đen. Bà Thủy vừa một mình chăm các con, vừa lo kinh tế, nhưng lại không có tiếng nói trong gia đình, chỉ vì thân cô thế cô ở nhà chồng.
Mỗi lần thua bài, ông Hoàn lại trút giận vào người vợ. Anh em nhà ông không ưa em dâu, nên đổ thêm dầu vào lửa. "Nói thật, gia đình tôi lúc đó tan tác vô cùng. Tôi không chỉ bị ông ấy đánh mà còn bị mẹ chồng, anh em nhà chồng thô bạo", bà Thủy xúc động kể lại.
Nhiều lần chứng kiến mẹ bị đánh, các con ông Hoàn uất hận, khuyên mẹ nên ly hôn, bà Thủy một hai không chịu, vì sợ điều tiếng, các con tan đàn xẻ nghé và sợ bố mẹ buồn, vì đây là mối tình bà phải từ bỏ con đường học vấn để có được. Để được yên ổn, bà phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương và nhiều lần sang nhà hàng xóm tá túc.
Từ khi gia đình hòa thuận, bà Thủy đã bỏ qua những lỗi lầm của chồng, nhắc nhở các con phải biết yêu thương, tôn trọng bố. Ảnh: T.N. |
Ngược lại, các anh em của bà Thủy đều thành đạt và có học thức. Đầu những năm 90, họ vào Bình Thuận lập nghiệp. Biết em gái bị chồng và nhà thông gia đối xử tệ, họ khuyên em dùng biện pháp mạnh là báo sự việc đến chính quyền địa phương. Các anh em của ông Hoàn đã bị xử phạt hành chính vì đánh em dâu.
Năm 2010, ba người con của ông bà đều vào lập nghiệp tốt ở Bình Thuận. Bà Thủy nhiều lần muốn vào đoàn tụ với con nhưng không được chồng đồng ý. Ít lâu sau, ông Hoàn mâu thuẫn với anh em ruột vì tài sản thừa kế. Nghe vợ đe, nếu không đi cùng sẽ phải sống cảnh không vợ con tuổi già, ông Hoàn mới chịu bán nhà, cùng vợ xa quê. "Để bán được căn nhà, tôi và ông ấy phải trày da tróc vảy mới làm được, vì hết mẹ chồng rồi các anh em bên đó ngăn cản", bà Thủy kể.
Thời gian đầu, sống gần nhà vợ ở vùng đất mới, ông Hoàn vẫn không bỏ được thói vũ phu. Biết chồng nể anh em mình và sợ bị chia tay, bà Thủy nhờ các con và các anh chị em can thiệp. Ban đầu họ nhỏ nhẹ phân tích đúng sai. Sau đó, thấy em rể vẫn không thay đổi, họ một mặt báo công an, mặt khác đe dọa ông. Bà Thủy cũng viết đơn ly hôn yêu cầu ông ký để đường ai nấy đi. Từ đó, ông Hoàn thay đổi hẳn.
Nếu như trước đây, ông chẳng bao giờ biết đến việc nhà, thì nay, cứ đi làm về là phụ vợ đi chợ, nấu ăn. “Trực tiếp làm việc nhà, tôi mới biết, đây là những việc không tên của bà ấy suốt mấy chục năm qua”, ông chia sẻ.
Được các con hỗ trợ, giờ vợ chồng bà Thủy không phải lo về kinh tế. Hằng ngày, ông đi dạy học, bà túc tắc chăm đàn gà, mấy con bò, chăm vườn thanh long và phụ trông cháu. "Nếu như trước đây, tôi hận ông ấy vì làm mình đau thì giờ hết rồi. Mỗi dịp lễ tết hay phía nhà nội có việc, ông ấy cứ ngồi khóc vì không về được, thương lắm. Mấy mẹ con tôi chỉ biết sống vui vẻ, quan tâm ông ấy nhiều hơn", bà Thủy tâm sự.
Từng có nhiều năm tư vấn cho phụ nữ bị bạo hành, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Viện tâm lý và Giáo dục Pháp luật TP HCM cho biết, đa số các ông chồng vũ phu đều biết việc làm của mình là sai, nhưng họ cứ lấn lướt hết lần này đến lần khác vì được vợ tha thứ, nhẫn nhịn cho gia đình yên ấm. Việc các ông hối hận và chấm dứt do bị vợ vùng lên và có sự can thiệp của nhà ngoại như nhà bà Thủy có rất nhiều trong thực tế và các bà vợ đều thành công.
"Cách làm của bà Thủy khá muộn, nhưng lại rất phù hợp, vì trước đó bà phải sống với nhà chồng, trong cảnh bị lép vế. Khi tách riêng ra bà mới thực sự có cơ hội để đấu tranh. Tuy nhiên, cần phải giải quyết tình huống trong nhẹ nhàng, đánh vào tâm lý", bà Hoa nói.
Vị chuyên gia cũng cho biết, tại các lớp mà bà trực tiếp tư vấn, hầu hết các học viên đều cho rằng, khi bị chồng đánh, lỗi đầu tiên là do người vợ quá hiền và nhân nhượng. Rất nhiều học viên đưa ra đưa ra quan điểm, bị đánh lần thứ nhất có thể không phản ứng được, vì bất ngờ, hoặc chưa biết cách tự vệ. Nhưng nếu để chuyện đó xảy ra lần hai thì hãy tự vệ ngay.
“Có chị kể, lần đầu bị chồng tát, chị cũng thẳng tay đánh lại. Chị khác thì kể, anh chồng cứ chán chuyện làm ăn là đi uống rượu rồi về trút giận lên người vợ. Chị bực quá đã làm điều tương tự với chồng. Còn có chị thì nhờ cả hai gia đình làm lớn chuyện. Các ông chồng vì thế đã thay đổi và lần sau, dù có giận lắm cũng không dám động tay chân”, bà Hoa kể.
Tuy nhiên, vẫn còn những người vợ khi bị đánh là tha thứ, dễ dàng bỏ qua hay chịu đựng vì con hoặc mong ngày nào đó chồng tự thay đổi. Đó là lý do làm bạo lực gia đình thành một vòng tròn luẩn quẩn. “Cũng vì tha thứ mà bà Thủy đã bị bạo hành suốt mấy chục năm liền. Hãy từ tốn khuyên bảo, nếu không được thì nên đấu tranh để bảo vệ mình. Đấu tranh ở đây không phải làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn, mà để anh chồng biết trân trọng, yêu thương vợ hơn. Trường hợp làm đủ cách vẫn không lay chuyển được tình thế thì hãy mạnh dạn giải thoát”, vị chuyên gia khuyên.
* Tân nhân vật đã thay đổi
Thảo Nguyên
Post a Comment