Khi Amira Morgan, một nữ nhân viên làm việc trong lĩnh vực tiếp thị và truyền thông ở Hong Kong, tiêu những đồng tiền mà phải làm việc vất vả mới kiếm được cho những trải nghiệm hơn là đồ dùng. Người phụ nữ đang ở độ tuổi 30 cho rằng, dù vật chất là thứ không thể thiếu trong cuộc sống nhưng nó không thể khiến cô hạnh phúc. Thay vào đó, cô cảm thấy hài lòng và có được cảm giác tận hưởng cuộc sống từ những thứ thách thức cô, làm thay đổi quan điểm của cô và đưa cô đến những ý tưởng mới, ví dụ như du lịch.
"Trải nghiệm giúp hình thành con người của bạn", Morgan nói. "Trải nghiệm ở những địa điểm và nền văn hóa mới giúp bạn phát triển bản thân, ảnh hưởng đến việc bạn trở thành ai và làm cái gì. Không món đồ vật chất nào có thể làm được điều đó".
Ngoài du lịch, Morgan cũng chi tiền cho học tập, ví dụ tham gia các lớp học ngoại ngữ và chăm sóc sức khỏe. Đây là cách cô đầu tư vào sự phát triển bản thân và cảm xúc lâu dài. Những trải nghiệm như vậy tạo cho cô một cú hích tích cực mà cô gọi "gây nghiện".
Chi tiêu cho trải nghiệm mang lại niềm vui lâu dài hơn mua sắm vật chất - Ảnh: balinandatour. |
Các minh chứng khoa học dường như cũng đồng ý với Morgan. Một nghiên cứu của Đại học bang San Francisco, Mỹ năm 2009 đã tiết lộ rằng người tiêu tiền cho trải nghiệm nhiều hơn vật chất sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và tin rằng tiền của họ đã được sử dụng hữu ích hơn.
Một nghiên cứu khác của Đại học British Columbia, Canada thực hiện và đăng tải trên tạp chí Tâm lý xã hội và Khoa học nhân cách năm 2015, nhận thấy rằng những người tham gia khảo sát chỉ nhận được niềm vui nhất thời khi mua sắm vật chất nhưng sẽ có niềm vui sâu sắc nếu họ dùng tiền cho các trải nghiệm.
Thậm chí việc chờ đợi được trải nghiệm cũng khiến chúng ta hạnh phúc. Một nghiên cứu năm 2014 của giáo sư tâm lý Thomas Gilovich, Đại học Cornell, Mỹ cho biết người tiêu dùng cảm thấy hạnh phúc hơn khi nghĩ đến việc được mua sắm trải nghiệm. Còn việc mua sắm một món đồ không cải thiện tâm trạng cho họ.
Năm 2013, công ty Chosen Experiences có trụ sở tại Hong Kong được thành lập nhằm giúp khách hàng phát triển sự tự nhận thức và tăng cường hiệu quả thể chất và tinh thần. Đa số khách hàng của công ty là những cư dân thành thị bận rộn, họ muốn có nhiều trải nghiệm cuộc sống hơn là chỉ tích lũy tài sản.
Công ty có một loạt các chương trình khám phá như đi thăm bán đảo Troll ở phía bắc Iceland, nơi có những đỉnh núi phủ tuyết trắng và những dòng sông băng ấn tượng; thử các hoạt động mạo hiểm như lướt sóng và vượt thác ở Bali, Indonesia; và kết nối với thiên nhiên trong dãy núi Franschhoek bên ngoài Cape Town, Nam Phi.
John Stanton, người đồng sáng lập công ty nói rằng những cuộc phiêu lưu đầy thử thách đã giúp những người tham gia có được sự tập luyện cao nhất và tinh thần hạnh phúc, họ được kích thích để tăng khả năng học tập và tạo ra sự phát triến cá nhân: "Chúng ta sống trong một thế giới siêu vật chất, nhưng đa số đều muốn có cái gì đó làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn".
"Ở phạm vi toàn cầu, chi phí cho sức khỏe tinh thần và thể chất đang tăng vọt, đó là kết quả từ những đòi hỏi của lối sống đô thị. Nhiều người đang ưu tiên đầu tư vào sức khỏe tinh thần và thể chất, chứ không phải là tài sản vật chất. Và ngày càng nhiều người sử dụng việc đi du lịch như một cơ hội học tập và tự khám phá”, Stanton nói.
Tiến sĩ Timothy Sharp, một giám đốc tại Học viện Hạnh phúc ở Sydney, Australia giải thích những lý do khiến trải nghiệm tạo ra nhiều hạnh phúc hơn sở hữu vật chất: "Niềm vui và những kỉ niệm chúng ta có từ trải nghiệm và các cuộc gặp gỡ sẽ kéo dài suốt cuộc đời, trong khi niềm vui từ sở hữu tài sản chỉ là thoáng qua. Chúng ta nhanh chóng thích nghi với các món đồ mới mua vì thế chúng cũng nhanh chóng mất đi sự hấp dẫn".
"Những trải nghiệm giúp chúng ta hình thành tính cách của mình và ảnh hưởng đến quan điểm của chúng ta về cuộc sống. Ví dụ, du lịch, sẽ giúp bạn tự tin hơn nhờ bạn đã mạo hiểm, can đảm và thấy thú vị. Bạn cũng có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình cùng bạn bè và những người thân yêu. Những mối quan hệ tích cực sẽ giúp chúng ta thêm hạnh phúc và sống tốt hơn".
Ngoài du lịch, Sharp khuyên nên tham dự các buổi hòa nhạc, các sự kiện thể thao, cắm trại hay đến thăm những quán hàng mới, để làm cho cuộc sống của bạn phong phú hơn.
Tất nhiên, không có gì sai khi đi mua sắm. Tuy nhiên, điều quan trọng bạn phải hiểu rằng, niềm vui thường xuyên sẽ hơn là không có niềm vui. Niềm vui chúng ta có được từ việc có những tài sản vật chất thường hời hợt, sau một thời gian khi đã quen với chúng là bạn không còn vui vì chúng. Còn niềm vui từ kỷ niệm thì vẫn có thể mang lại hiệu quả tích cực theo thời gian.
Morgan vẫn đi mua sắm, nhưng thay vì giày cao gót, cô mua những đôi bốt dễ vận động, thay vì thời trang cao cấp, cô ấy chọn những quần áo năng động hơn. "Những trải nghiệm như vậy đưa tôi ra khỏi vùng thoải mái của mình và giúp tôi phát triển một mức độ dũng cảm của bản thân. Tôi cũng đã áp dụng nó vào cuộc sống. Ví dụ, bây giờ khi đưa ra quyết định, tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn, và sẵn sàng tận hưởng chúng", Morgan tâm sự.
Hoàng Anh (Theo SCMP)
Post a Comment