Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Trưng Vương (quận 10, TP HCM) ngày 11/6, ông Đoàn Văn Cảnh (55 tuổi, ở quận 11) phải dựa vào hai cô y tá để khó nhọc lết đi vệ sinh. Bị tai biến mạch máu não đã hơn bốn năm nay, ông được con gái đưa vào viện hôm 30/5. Nhưng từ ngày đó, con gái ông đi mất, không quay lại nữa. Nhìn ông gầy yếu, co ro một mình trên giường bệnh, không người thân bên cạnh, ai cũng xót xa. Được các y tá, bác sĩ chăm sóc, ông chỉ biết gật đầu cảm ơn rồi quay đi để giấu đôi mắt đang đỏ hoe.
Ông Cảnh cho biết trước đây làm nghề chạy xe ôm, từng có hai người vợ, nhưng đã ly hôn hết. Với bà lớn, ông có hai người con, một trai, một gái đã trưởng thành và có gia đình riêng. Còn với bà sau thì hai con còn nhỏ, hiện sống với mẹ.
Năm 2014, ông bị tai biến mạch máu não nên về ở với vợ chồng con trai cả. Dù được các con chăm sóc, nhưng người cha ấy luôn cảm thấy buồn. “Vợ chồng nó nghèo, thu nhập bấp bênh mà vừa nuôi con nhỏ, vừa chăm ba bệnh. Thương tụi nó, nhưng tôi không làm gì được. Nhiều hôm nghe con la mắng, tôi chỉ mong mình chết đi”, ông kể bằng giọng buồn, ngắt quãng.
Sau hơn hai tuần được bệnh viện chăm sóc, ông Cảnh đã có thể ngồi dậy, tự xúc ăn. Ảnh: Phan Thân. |
Hôm vào bệnh viện, trong túi ông chỉ có 300 ngàn, chiếc điện thoại và một vài giấy tờ tùy thân. Làm xong các thủ tục cho cha nhập viện, con gái ông đi đâu không rõ. “Con bé nói ra ngoài mua ít đồ, vậy mà đi luôn”, ông Cảnh nói. Nằm một chỗ, cứ ai mở cửa bước vào là ông lại hy vọng các con vào thăm, nhưng lòng nặng trĩu vì bị nhầm.
Biết hoàn cảnh của ông, những bệnh nhân cùng phòng người mua hộ bình nước, người tô cháo, có người lại phụ ông đi vệ sinh.
“Hồi còn trẻ, ông ấy làm đủ việc để có tiền nuôi vợ con. Dù hôn nhân không hạnh phúc, nhưng ông luôn là người cha tốt, yêu thương, chăm sóc các con. Hơn bốn năm nay, ông ấy chỉ nằm một chỗ. Mỗi lần qua thăm, chúng tôi chứng kiến ông ấy bị các con hắt hủi, trông thương lắm”, chị Yến (hàng xóm cũ của ông Cảnh) kể.
Y tá Huệ, khoa Nội thần kinh Bệnh viện Trưng Vương, là người trực tiếp chăm sóc cho ông Cảnh. Chị cho biết đã nhiều lần liên lạc với người nhà, nhưng đều nhận được câu trả lời "kinh tế khó khăn, không chăm sóc được", sau đó thậm chí không liên lạc được nữa. Vì thế, hơn hai tuần qua, chị và các y tá, hộ lý khác thay phiên nhau tắm rửa, tập đi, đút cho bệnh nhân ăn.
“Nhìn chú ấy ăn cứ khen ngon, thương lắm. Tôi cứ nghĩ, tại sao các con chú ấy lại có thể để cha mình như vậy. Điều chú ấy cần bây giờ là được nhìn thấy con cháu. Tôi đã tìm đủ cách liên lạc với họ nhưng chẳng được”, chị Huệ nói.
Chị Huệ cũng cho biết, trước ông Cảnh, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự. “Họ mang cha mẹ đến, làm xong các thủ tục, nói ra ngoài mua đồ rồi bỏ đi luôn. Chúng tôi liên hệ không được nên gửi đến chùa hoặc các mái ấm nhờ chăm sóc”, chị Huệ cho biết.
Ông Cảnh cho biết, chỉ muốn sống ở nơi nào thấy thoải mái nhất. Ảnh: Phan Thân. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Trưởng Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Trưng Vương cho biết, hiện sức khỏe ông Cảnh đã ổn định và có thể đi lại được nếu có người chăm sóc, giúp vận động. Tuy nhiên, do không liên lạc được với người nhà, đồng thời chính quyền địa phương nơi ông Cảnh đăng ký hộ khẩu cho biết, các con ông đã chuyển đi nơi khác, vì thế ngày 13/6 Bệnh viện đã gửi ông đến mái ấm Mây Ngàn (Chùa Cẩm Phong, huyện Gò Dầu, Tây Ninh).
“Đây là câu chuyện rất đau lòng. Tôi mong rằng, những người làm con hãy nghĩ đến việc cha mẹ đã sinh ra, chăm sóc mình trưởng thành mà biết thể hiện chữ hiếu. Nếu hoàn cảnh khó khăn, thì hãy trình bày với bệnh viện, chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ, đừng viện lý do khó khăn mà chối bỏ”, bác sĩ Minh nói.
Phan Thân
Post a Comment