Nghe theo lời mách của mọi người, người mẹ trẻ đã dùng sữa của chính mình chữa đau mắt cho con nhưng cuối cùng lại làm tổn thương đến con.
Ngày 31/5, bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận trường hợp bệnh nhi L.V.K (7 tháng tuổi ở Sơn La) trong tình trạng phù nề, giác mạc mắt trái bị hoại tử toàn bộ.
Hội chẩn liên khoa tại bệnh viện cho thấy tình trạng mắt trái của bệnh nhi không thể điều trị nội khoa, không thể ghép giác mạc, buộc phải khoét bỏ, lắp mắt giả.
Qua khai thác tiền sử bệnh từ gia đình bệnh nhi được biết, thấy mắt trái của trẻ bị đỏ, người mẹ trẻ đã nghe theo lời mách của mọi người xung quanh, nhỏ sữa mẹ trực tiếp vào mắt con. Sau 1 tuần thấy mắt trẻ sưng nề, gia đình đã đưa lên bệnh viện huyện khám. Bệnh viện huyện đã ngay lập tức chuyển lên bệnh viện Mắt Trung ương.
Thời điểm đó, bệnh nhi đang trong tình trạng suy dinh dưỡng độ 1, ăn uống kém. Các bác sĩ cũng cho rằng có thể tình trạng viêm ban đầu của bé là do nhiễm khuẩn nặng, việc không điều trị ngay đã làm tình trạng nặng thêm và sữa mẹ cũng góp phần gây ra bội nhiễm do vi khuẩn trong chính sữa mẹ (nếu quá trình vắt sữa ra, dụng cụ đựng và lấy sữa nhỏ mắt không được đảm bảo vệ sinh).
Bản thân mẹ bé K. cũng mới 18 tuổi và rất ngạc nhiên khi biết con mình sẽ phải khoét bỏ mắt bởi chưa bao giờ nghe thấy trường hợp nào không khỏi mắt nhờ nhỏ sữa mẹ.
Theo dự kiến, trong hôm nay (ngày 5/6), bệnh nhi sẽ được mổ. Nếu không có gì bất thường, bệnh nhi sẽ xuất viện trong 2-3 ngày tới.
Giác mạc mắt trái của bệnh nhi bị hoại tử toàn bộ.
"Việc nhỏ sữa chữa đau mắt tại một số nơi là theo phong tục truyền thống. Thấy nhiều trẻ khỏi mắt sau khi nhỏ sữa mẹ nên các gia đình trẻ thường làm theo.Theo các bác sĩ khoa Mắt Trẻ em, bệnh viện Mắt trung ương, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận 4-5 bệnh nhi bị tổn thương mắt rất nặng do nhỏ sữa mẹ. Những trường hợp này đều rất khó điều trị. Chỉ tính riêng ở Sơn La, chỉ trong hơn nửa năm qua (tháng 11/2017 và tháng 5/2018) đã có 2 trường hợp như thế.
Tuy nhiên, với những trẻ có hệ miễn dịch tốt, tình trạng viêm rất nhẹ thì không cần nhỏ sữa mẹ, cơ thể cũng tự phục hồi. Còn với những trẻ có vấn đề sức khỏe, hệ miễn dịch yếu, cộng với vi khuẩn trong sữa… sẽ làm tình trạng nặng lên", một bác sĩ khoa Mắt trẻ em cho hay.
Các bác sĩ khoa Mắt Trẻ em cho biết: Đỏ mắt chỉ là một hiện tượng của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, với trẻ nhỏ, khi thấy có hiện tượng đỏ mắt, chảy nước mắt, có ghèn… cần nhỏ nước muối sinh lý (loại đã tiệt trùng), dùng khăn sạch vệ sinh, tuyệt đối không để tay bẩn, khăn bẩn chạm vào mắt.
Đặc biệt, các bác sĩ khuyến nghị tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt vì tra không đúng loại, không đúng liều lượng sẽ gây ra các biến chứng khó lường.
Nguyễn Huệ
Post a Comment