Tháng 8/2016, chị Ngọc Mai có dịp sang Nhật 10 ngày. Chuyến đi không chỉ giúp chị ngắm cảnh đẹp, ăn món ngon mà lối sống của người dân Nhật còn khiến chị thay đổi nhiều trong một năm qua. Bài viết dưới đây chia sẻ cách sống mới tiết kiệm hơn nhưng vẫn thoải mái của chị.
Tôi vẫn còn độc thân, sống cùng bố mẹ ở Hà Nội nên không mất tiền thuê nhà, điện nước. Lương hàng tháng của tôi khoảng 15 triệu đồng, cuối năm, cơ quan có thưởng tháng thứ 13 và Tết Âm lịch. Mỗi tháng, tôi chỉ mất khoảng 5 triệu cho các nhu cầu ăn uống, xăng xe, điện thoại, đóng góp tiền cho bố mẹ; khoảng 2-3 triệu cho các khoản phát sinh đột xuất như hiếu hỷ, biếu bố mẹ về quê, sinh nhật người thân, bạn bè...
Bố mẹ tôi có lương hưu đủ sống và chi tiêu. Các anh chị em trong nhà đều đã lập gia đình, có công việc đàng hoàng nên cũng không cần trợ giúp gì.
Thế nhưng, sau hơn 10 năm đi làm, tôi chỉ mua được cho bản thân những thứ cơ bản như xe máy tay ga (mua cách đây 5 năm), điện thoại iPhone 5 vẫn đang dùng. Tôi chỉ có một khoản tiền tiết kiệm 300 triệu. Trong khi đó, các bạn đồng nghiệp vào làm cùng thời hoặc vào sau đều đã có những khoản tiền để dành mua xe hơi, trả góp mua nhà.
Nhìn bạn bè liên tục bàn chuyện nhà, xe, tôi chợt nhận ra, tiền lương tháng nào tôi cũng tiêu gần hết. Tiền thưởng cuối năm cũng vậy.
Mẹ tôi cho rằng, do tôi ham đi du lịch nên hao tốn nhiều tiền của. Nhưng thực tế, phần lớn các chuyến đi của tôi là kết hợp đi công tác, học thêm có các tổ chức đài thọ. Các chuyến du lịch tự đi thường có giá rẻ.
Sau khi suy xét, tôi mới nhận ra rằng, ngoài các khoản chi tiêu cơ bản, tôi dành tới 6-7 triệu mỗi tháng để mua khá nhiều quần áo, túi xách, mỹ phẩm, nước hoa... Nhưng tôi không biết phải làm sao vì tôi luôn muốn mình trông lịch sự, tươm tất trong mọi hoàn cảnh.
Nhiều chị em ham mua sắm nhiều đồ nhưng ít sử dụng. Ảnh minh họa: Inside Retail. |
Bước ngoặt quan trọng giúp tôi có được lối sống tiết kiệm xảy ra sau lần tôi đi Nhật vào tháng 8 năm ngoái. Đây là lần thứ 2 tôi sang Nhật nhưng lần đầu đi quá nhiều điểm nên ít có cơ hội quan sát, trò chuyện với người dân ở đây. Trong chuyến đi tới Osaka, Hokkaido lần đó, tôi phát hiện ra nhiều điều thú vị hơn để học tập.
Khác với người Việt Nam, đa số người Nhật đều ăn mặc khá giản dị mà vẫn lịch sự, nhã nhặn. Màu trang phục chỉ có trắng, đen hay các sắc trung tính như be, xám, xanh... Rất ít người đi làm chọn đồ màu sắc rực rỡ.
Không chỉ thế, người Nhật cũng hạn chế việc xức nước hoa, đặc biệt là các loại đậm mùi. Họ không muốn những mùi hương nồng nàn ảnh hưởng tới người khác. Nhiều người còn không thích có ai xức nước hoa khi đi ăn nhà hàng vì sợ ảnh hưởng tới hương vị thanh khiết của đồ ăn.
Tôi ngẫm lại tủ quần áo của mình, đủ màu sắc rực rỡ như bảy sắc cầu vồng. Kèm theo những bộ đồ đó, tôi cũng có những chiếc túi, giày dép cùng tông màu. Cơ quan tôi không bắt mặc đồng phục đi làm nên mỗi ngày, tôi mặc một màu, một kiểu khác nhau. Lúc thì váy đỏ, khi thì áo sơ mi xanh... Sang mùa đông, tôi cũng có vô số kiểu áo khoác, áo len kèm theo hàng chục chiếc khăn. Mọi người hay trêu, tôi có thể mặc quần áo quanh năm mà không trùng nhau. Nhưng thực tế, tôi thường chỉ mặc quanh quẩn một vài bộ yêu thích.
Kệ nước hoa của tôi cũng có tới cả chục lọ đủ hương thơm khác nhau. Mỗi dịp đi du lịch hoặc có bạn bè công tác nước ngoài, tôi lại nhờ mua ít nhất một lọ vì mua hàng miễn thuế rẻ hơn khá nhiều lại đảm bảo chất lượng. Tương tự như vậy là lượng mỹ phẩm đủ loại (dầu gội xả, kem dưỡng da, son, phấn, đồ tẩy trang, mặt nạ...) chất đầy phòng tắm, bàn phấn. Tôi phải cất bớt vào trong tủ.
Vài tháng, tôi phải lọc bớt những thứ hết hạn vì đồ quá nhiều dùng không kịp, trong lòng tiếc nhưng cũng đành bỏ vì sợ hại da. Rất nhiều trang phục kiểu cách, màu mè nhanh chóng trở nên lỗi mốt sau một mùa.
Tủ quần áo, chăn gối của một người Nhật theo lối sống tối giản. Ảnh: Fumio Sasaki. |
Về Việt Nam sau chuyến đi, tôi cũng dành thêm nhiều thời gian để tìm hiểu về lối sống tối giản của người Nhật. Tôi đọc được về một người đàn ông chỉ có vài bộ quần áo và số lượng đồ rất ít nhưng trông vẫn tươm tất và sống thoải mái.
Tôi nhìn quanh phòng mình, mở tủ quần áo chật cứng đồ, thêm các bao tải đựng quần áo đã lỗi mốt, những lọ nước hoa còn gần như đầy chai... Trên thực tế, tôi chỉ cần dùng một phần mười lượng đồ đó.
Tôi quyết định phải thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của mình. Việc đầu tiên tôi làm sau khi nhận lương là để vào ví một khoản chi trả cho nhu cầu thiết yếu (7 triệu). Tôi mở tài khoản tiết kiệm gửi góp, mỗi tháng trừ tự động 5 triệu ở tài khoản ngân hàng ngay sau khi nhận lương. Khoảng 3 triệu còn lại để trong tài khoản phòng trường hợp cần đột xuất. Như vậy, mỗi tháng tôi dành được từ 5-8 triệu (khoảng một nửa tiền lương).
Sau đó, tôi sắp xếp lại tủ quần áo, treo những bộ quần áo tông màu trung tính, thích hợp trong nhiều hoàn cảnh ở vị trí dễ lấy. Những trang phục màu sắc, kiểu cách ít mặc, tôi để gọn ở những chiếc thùng cất trên gác xép. Tôi chỉ giữ lại một vài bộ điệu đà để mặc khi đi dự tiệc.
Cất hết quần áo, ngừng mua đồ mới vì tiền đã gửi tiết kiệm, tôi lại cảm thấy thoải mái hơn. Số lượng mỹ phẩm tôi mua quá nhiều nên dùng cho cả năm cũng không hết. Sáng ra, tôi không phải quá bận tâm với việc chọn phối đồ như thế nào. Những bộ quần áo trung tính rất dễ phối hợp. Nếu bữa nào thích nổi bật, tôi có thể thắt một chiếc khăn, đi đôi giày màu sắc hoặc đeo trang sức.
Mỗi người một sở thích, đam mê nên tôi cũng không chỉ trích các chị em thích thời trang. Nhưng với những người có thu nhập thấp và trung bình, tôi nghĩ không nên chi tiêu quá nhiều tiền cho quần áo, mỹ phẩm. Thực tế, nhiều chị em mua lấy được, mua để giải tỏa căng thẳng chứ không vì cần thiết. Nhiều bộ đồ của tôi thậm chí còn nguyên mác hoặc mới mặc một lần rồi bỏ xó, khiến nhà cửa bày bừa, lãng phí tiền bạc.
Ngọc Mai
Chia sẻ cách chi tiêu của bạn.
Post a Comment