Theo số liệu từ trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn đã xuất hiện thêm 2 ổ dịch sốt xuất huyết mới với 14 ca nhễm bệnh tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà và 9 ca tại phường Kỳ Long, TX.Kỳ Anh.

Ca nhiễm sốt xuất huyết đầu tiên tại phường Kỳ Long là Chị Võ Thị Vân (47 tuổi). Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 15/9, với các biểu hiện: Sốt cao; đau đầu, chán ăn; đau cơ, khớp; nhức 2 hố mắt. Liên tiếp sau đó có 8 bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu tương tự, trong đó có 2 trường hợp là con gái và con rể bệnh nhân Võ Thị Vân.

Sức khỏe - Sau bão, Hà Tĩnh bùng phát dịch sốt xuất huyết

Xử lý môi trường là vấn đề khó khăn nhất trong việc khống chế dịch.

Trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại địa bàn phường Kỳ Long, để tránh lây lan sang các địa bàn khác, sở Y tế đã chỉ đạo TTYTDP tỉnh, TTYTDP TX.Kỳ Anh triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch: Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về sốt xuất huyết và cách phòng tránh; phát động tổ chức vệ sinh môi trường; diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại các vùng dịch; tăng cường tổ chức giám sát bệnh nhân…

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Trị, TTYTDP TX.Kỳ Anh, vấn đề khó khăn nhất trong việc khống chế dịch sốt xuất huyết là xử lý môi trường. Sau bão, đồ phế thải, lốp xe và các vật dụng chứa nước rất nhiều, thời tiết lại mưa nắng thất thường là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh sinh trưởng và phát triển.

Sức khỏe - Sau bão, Hà Tĩnh bùng phát dịch sốt xuất huyết (Hình 2).

Những điểm nước đọng là môi trường thuận lợi để bọ gậy đẻ trứng.

“Cán bộ y tế đi giám sát vec tơ, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, lật úp các vật dụng chứa nước, nhưng vài hôm sau quay lại thì các vật dụng lại đầy nước và bọ gậy. Sau bão, người dân tập trung thu dọn, sửa sang nhà cửa nên còn lơ là trong việc phòng chống sốt xuất huyết. Hệ thống loa truyền thanh bị hỏng toàn bộ do bão số 10, vì vậy cán bộ y tế phải đến từng nhà nên việc tuyên truyền rất khó khăn. Qua kiểm tra, dịch tại tổ dân phố Long Thành, phường Kỳ Long và các địa bàn lân cận tỷ lệ muỗi và bọ gậy rất cao, nên vấn đề lo ngại nhất là nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại đây và lan sang các tổ dân phố khác”, bác sĩ Trị chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc TTYTDP tỉnh Hà Tĩnh, tính từ đầu năm đến nay tại địa bàn tỉnh đã có 183 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 99 ca vãng lai; 4 ổ dịch với tổng 84 ca mắc bệnh. Trước đó, có 2 ổ dịch vừa được khống chế tại thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà với 45 ca và 1 ca tại xã Thạch Đồng, TP.Hà Tĩnh.

Sức khỏe - Sau bão, Hà Tĩnh bùng phát dịch sốt xuất huyết (Hình 3).

Để phòng, chống dịch ý thức của người dân là rất quan trọng.

Ông Tâm cho biết, hàng năm, từ tháng 9 đến tháng 11 là thời gian mà dịch sốt xuất huyết thường bùng phát do thời tiết mưa nắng thất thường. Tuy nhiên, năm nay, dịch xuất hiện sớm hơn, từ tháng 7 đã có 1 trường hợp trú huyện Đức Thọ mắc bệnh. Nguyên nhân là do dịch bùng phát tại Hà Nội, sau đó, theo các bệnh nhân vãng lai lây nhiễm về địa bàn Hà Tĩnh.

“Sau khi xuất hiện các ca mắc bệnh, TTYTDP cùng phối hợp với các ban, ngành chức năng nhanh chóng khoanh vùng, thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy trong bán kính 300m, phun hóa chất diệt muỗi để phòng bệnh, khống chế không để dịch lan rộng. Để phòng, chống dịch một cách hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của người dân chính quyền các ban ngành, đoàn thể tại địa phương. Mỗi người dân cần phải có ý thức giữ gìn vệ sinh, dọn dẹp, thu gom rác thải với phương châm “không có bọ gậy không có sốt xuất huyết", ông Tâm nói.

Cũng theo ông Nguyễn Lương Tâm, hiện kho hóa chất của trung tâm đã cạn, nguồn ngân sách của tỉnh lại không có để hỗ trợ. Trước tình hình này, trung tâm y tế dự phòng đã làm tờ trình xin Trung ương cấp nguồn hỗ trợ nhưng cũng đang phải chờ, nên rất khó khăn về kinh phí trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top