Sau hơn 15 năm kết hôn, mấy tháng nay chị Quỳnh, 42 tuổi (Kim Liên, Hà Nội) mới có những ngày thảnh thơi thực sự khi không còn phải "nuôi" chồng. Từng muốn cố đợi khi con trai tròn 18 tuổi mới kết thúc hôn nhân nhưng 6 tháng trước, không thể chịu đựng người chồng lười biếng, ích kỷ, chị đã quyết định giải thoát. 

"Giờ thì tôi ân hận sao mình không thực hiện việc này sớm hơn. Chính con tôi cũng nói cháu thấy cuộc sống dễ chịu hẳn khi bố mẹ chia tay", chị Quỳnh kể. 

Hồi mới kết hôn, chị Quỳnh làm ở một công ty nước ngoài, có thu nhập tốt nhưng công việc khá bận rộn. Chồng chị, sau vài năm làm ở một công ty xây dựng với đồng lương còm, đã nghỉ việc. Dù vậy, anh không chịu đụng tay đụng chân ở nhà nên chị vẫn phải thuê giúp việc. Ngày ngày, chồng chị hết chơi game trên máy tính thì đi xem đánh cờ, thời gian còn lại lêu têu ngồi ở các quán, hàng.

Ban đầu, nghĩ chồng không có việc làm cũng buồn và dễ tự ái, chị Quỳnh luôn tế nhị đưa tiền cho anh tiêu vặt, không nhắc nhở gì về công ăn việc làm. Năm này qua tháng khác, thấy chồng chẳng ngại ngửa tay xin tiền vợ đi cà phê, mua đồ, chị bực bội nhưng vẫn cố chịu. 

Mọi việc trong nhà đều một tay chị lo, từ chuyện con học hành, mua nhà cửa thế nào, lo cho hai bên nội ngoại ra sao. Đã vậy, mỗi lần về quê, anh lại thích "nổ" là mình toàn các dự án lớn nên thời gian thoải mái, lại kiếm được nhiều tiền. Quá chán ngán cảnh này nhưng không muốn "vạch áo cho người xem lưng" nên chị đành ngậm bồ hòn làm ngọt. 

Điều khiến chị tủi thân nhất là chồng luôn nghĩ chị kiếm tiền rất dễ dàng nên tiêu pha không dè sẻn, vợ không đưa hoặc cho ít thì trách chị keo kiệt, tính toán song chẳng bao giờ quan tâm đến sức khỏe, cảm xúc của chị. "Bao lần áp lực công việc khiến mình bơ phờ, mất ngủ nhiều đêm khiến mắt thâm quầng, bước đi không vững nhưng chồng vẫn mặc kệ, không một lời hỏi han, quan tâm", chị Quỳnh kể.  

Càng ngày càng cảm thấy chán ghét và ức chế khi giáp mặt chồng ở nhà, khi con sắp vào cấp 3, chị quyết định ly hôn. Lúc này, chị lại càng thấy rõ bộ mặt của chồng khi anh nằng nặc yêu cầu vợ phải trợ cấp cho mình với lý do lương chị rất cao còn anh thì thất nghiệp. 

ganh-nang-cua-nhung-nguoi-vo-co-chong-tam-gui

Ảnh minh họa: Biblical Gender Roles.

Lấy anh chồng có tới hai bằng đại học, chị Nhung (Gia Lâm, Hà Nội) không ngờ cuộc sống của mình khổ hơn làm mẹ đơn thân. Đêm đau bụng chuyển dạ, chị gọi chồng đưa vào bệnh viện thì anh cau có: "Để sáng mai đi, mất cả giấc ngủ". Sau khi có con, đêm nào bé mệt, ốm hay quấy khóc là một mình chị chăm, thỉnh thoảng anh bị tỉnh giấc dậy thì trách vợ "dỗ cho nó nín đi, người ta đi làm cả ngày mệt rồi, đêm cũng không được ngủ ngon". 

Sau khi kết hôn, dù kinh tế gia đình khó khăn, anh đi làm ở ngân hàng với mức lương khá nhưng chỉ lo cho bản thân, không đưa cho vợ một đồng chăm con. Thấy chồng như vậy, chị Nhung cố gắng làm lụng chăm chỉ rồi quyết tâm vay mượn, dồn tiền mua một căn nhà nhỏ. Thiếu nhiều, chị bàn nhờ chồng phụ thì anh hứa hẹn nhưng đến hạn cần tiền lại không thấy đâu. Lúc ấy anh mới nói đã nghỉ việc vì chán làm, không hợp với sếp. Không thể một mình cáng đáng, chị Nhung đành đăng tin bán nhà. Một mình lo kinh tế, việc nhà, chăm con, chị vừa xoay sở nhờ người tìm việc cho chồng nhưng anh cũng dửng dưng, suốt ngày chỉ ăn, ngủ, chơi game.

"Suốt 3 năm nay như vậy rồi. Hễ vợ nói nhiều, chán thì bỏ về quê với mẹ vài ngày liền, kệ vợ một mình xoay sở với con. Nhiều lúc tôi đùa bảo chồng đã thành 'tiên', không màng thế sự, cơm áo gạo tiền", chị Nhung tâm sự.

Mới lấy chồng hơn một năm, Thu Hà (Ba Đình, Hà Nội) cũng đã quyết định chia tay vì quá chán ngán anh chồng ham diện đồ hiệu, đi chơi nơi sang chảnh nhưng mọi chi phí đều moi từ vợ. 

"Lúc quen anh ấy là cấp dưới, mình yêu nên mù quáng vì vẻ ngoài đẹp trai, cưới về rồi mới hối hận", Hà kể. 

Cô cho biết, mỗi lần chồng ốm, cô lo lắng chăm sóc chu đáo nhưng khi cô mệt muốn nằm nghỉ thì anh nói vợ lười, bắt phải dậy đi chợ, nấu nướng. Sau khi cưới một thời gian, anh nghỉ việc với lý do vợ chồng làm cùng công ty bất tiện, nhất là khi chị lại là sếp. Suốt từ đó đến nay, anh lông bông không làm gì, đòi chị đưa tiền để "khởi nghiệp". 

"Tôi thực sự không muốn con mình có người cha như thế này nên bây giờ chưa có con, tôi quyết định kết thúc luôn", chị Hà bày tỏ.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Thị Ánh Tuyết, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm, Hà Nội, cho biết, điểm chung của cả ba ông chông trên là đều lười và thiếu trách nhiệm. Lý do có thể bởi ngay từ nhỏ họ đã quen dựa dẫm, ỷ lại vào gia đình mình, đến khi lập gia đình lại tiếp tục sống bám vợ.

Ngoài ra, cũng có một số nam giới ban đầu có thể vì các lý do khách quan nên chưa xin được việc hoặc không muốn làm những công việc chưa như ý nhưng dần dần thành thói quen khi mọi nhu cầu đều được vợ đáp ứng mà không cần bản thân phấn đấu gì. Nhiều ông chồng đi làm thì cũng chỉ cho có, phục vụ cho việc vào ăn nhậu, chơi bời của mình khi biết vợ chủ động được tiền bạc. 

Chuyên gia tâm lý cho rằng, thông thường, với những tuýp chồng kiểu này, ngay từ giai đoạn đầu hôn nhân nếu người vợ nhắm mắt bỏ qua hoặc chấp nhận chiều theo ý chồng thì sau này chị em sẽ phải phải gánh vác mọi việc. Chính phụ nữ phải nhận thức được rằng vợ chồng trong nhà cần có sự chia sẻ, từ đó tìm cách tác động kể cả nhờ người thân nhắc nhở. Hãy phân công công việc, trách nhiệm rõ ràng và yêu cầu chồng phải thực hiện. Có thể ban đầu người đàn ông sẽ không làm hoặc không có chú ý gì nhưng phụ nữ vẫn cần có sự đấu tranh, kiên nhẫn. Thường khi chưa thấy hậu quả, các ông chồng tầm gửi sẽ tiếp tục chây ỳ. 

Theo nhà tâm lý, thực tế, những nam giới kiểu này thường là người có bản chất ích kỷ, không muốn làm việc gì vì lười và chỉ thích được người khác phục vụ. Mọi cố gắng thay đổi họ hầu như sẽ không có tác dụng bởi thực chất họ đâu quan tâm gì đến vợ con, gia đình. Vì thế, khi thấy việc tiếp tục chung sống chỉ khiến mình mệt mỏi, chán nản và không còn cách cải thiện, chị em có thể nghĩ đến giải pháp ly hôn. Con cái sẽ không được hưởng lợi gì khi sống trong gia đình có bố là người ích kỷ, vô trách nhiệm còn mẹ luôn ức chế, đau khổ vì cố chịu đựng.

Vương Linh

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top