"Có nữ bệnh nhân đến tìm tôi, tôi phải thốt lên: Em làm gì mà da đen thế kia?", "Dạ, em vừa… tắm trắng". - GS-TS-BS Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Da liễu châu Á, bắt đầu phần phát biểu bằng một câu chuyện trong nghề tại Hội nghị Khoa học Da liễu khu vực phía Nam năm 2017 vừa diễn ra tại TP HCM.
Cố làm đẹp, "đụng" tác dụng ngược
Ngồi trên ghế chờ của Bệnh viện (BV) Da liễu TP HCM, chị Ng.T.L luôn đeo khẩu trang che kín mặt. "Hai má tôi bị nổi sẩn, chỗ đỏ, chỗ đen, có dùng một đợt thuốc và đỡ hơn nhưng vẫn rất xấu. Giờ tôi đi tái khám, hy vọng…" - chị cười ngại ngùng. Chị có khuôn mặt khá xinh đẹp, nhưng luôn tự ti vì làn da hơi sậm màu, thậm chí nghĩ rằng vì nó mà mình khó có được công việc ưa thích trong lĩnh vực truyền thông.
Hãy cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm làm trắng da. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Vừa rồi, trong lúc "tám", một cô bạn chị có nói đến một loại kem làm trắng bán trên mạng mà cô ấy đang dùng. Thấy nhãn hiệu lạ, chị cũng hơi ngại nhưng thấy gương mặt bạn mình đẹp hẳn lên nên cũng đánh liều thử. Sau 1 tháng da đẹp, láng mịn, những biểu hiện dị ứng đầu tiên đã xuất hiện. Chat với bạn, cô này cũng nói da bắt đầu hơi ngứa. Hai người rủ nhau đi khám. Chị bị nặng hơn do cơ địa.
"Từ rất lâu, làn da trắng sáng được xem là biểu tượng của sắc đẹp, đặc biệt là ở… những chủng tộc da màu với type da từ IV đến VI (màu da đậm, từ rám nắng đến nâu sẫm hoặc đen) ở châu Á hoặc châu Phi. Họ quan niệm rằng da trắng sẽ giúp họ thành công hơn, địa vị cao hơn và hạnh phúc hơn trong xã hội" - ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, BV Da liễu TP HCM, trình bày trong báo cáo khoa học "Bôi, uống, tắm, tiêm làm trắng: Thực tế và nguy cơ", do bà thực hiện.
Rước họa vì cố làm trắng
Hiện tượng da nám, sạm đen sau khi dùng mỹ phẩm làm trắng là do tăng sắc tố da gây nên.
Theo TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc BV Da liễu TP HCM, số phụ nữ phải tìm đến BS vì những vấn đề liên quan đến làm trắng da không ít. Đa phần họ sử dụng những loại mỹ phẩm mà chính họ cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng ra sao. Thông thường, kết quả có vẻ khả quan khi mới dùng: da trở nên trắng và mịn màng hơn hẳn. Đó có thể là do tác dụng của một số thành phần, ví dụ như corticoid, vốn được dùng trong điều trị các bệnh da liễu, nhưng phải dùng theo chỉ định của BS chuyên khoa, lạm dụng sẽ gây hại.
Sau một thời gian "đẹp lên", bệnh nhân bắt đầu đối diện với những triệu chứng của bệnh da liễu. Rối loạn sắc tố da do thuốc bôi - một dạng thường gặp trong các trường hợp tăng sắc tố - thường liên quan đến việc sử dụng lâu dài những sản phẩm làm trắng. "Thương tổn điển hình có màu sắc hồng phủ lên vùng da phơi bày ánh sáng như gò má, trán, thái dương, vùng quanh mắt. Vùng thương tổn được chấm bằng những dát đen dạng trứng cá hay những sẩn nhỏ" - TS Hào cho biết.
Theo ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, màu sắc da được tạo ra bởi sự tổng hợp của 4 yếu tố: oxyhaemoglobin (đỏ), haemoglobin (xanh), carotenoids (vàng) và melanin (cam-đen). Tromg đó, melanin là thứ bị các sản phẩm làm trắng ức chế, khiến da bạn trở nên sáng màu hơn.
Tuy nhiên, nhiều loại mỹ phẩm làm trắng theo dạng uống, tiêm, bôi… lại chứa nhiều thành phần bị cấm và hạn chế nồng độ, ví dụ như thủy ngân, HQ, corticosteroid… Những chất này về lâu dài sẽ hủy hoại làn da bạn, tạo nên các bệnh da liễu.
Thủy ngân, thứ được phát hiện trong rất nhiều kem làm trắng, cũng được ThS-BS Phạm Đăng Trọng Tường, BV Da liễu TP HCM, nhắc đến trong bài báo cáo "Tăng sắc tố do thuốc". Tăng sắc tố do thuốc thường lành tính, không được coi là bệnh da liễu nặng nhưng đôi khi vài vết nám thôi cũng đủ làm cuộc sống, tâm lý bệnh nhân bị đảo lộn. Một số trường hợp tăng sắc tố mờ dần sau khi ngưng thuốc nhưng cũng có những trường hợp tăng sắc tố lâu dài hoặc vĩnh viễn.
Các chuyên gia khuyến cáo mọi người hãy cẩn trọng với các sản phẩm làm trắng, đặc biệt khi bạn không rõ xuất xứ và tính an toàn của sản phẩm đó. Cho dù dùng hàng "xịn", bạn cũng đừng lạm dụng và hãy nhanh chóng đến gặp BS da liễu nếu cảm giác khó chịu xuất hiện trên da, cảm thấy ngứa, nổi mẩn, da ửng đỏ…
Có thể tăng nguy cơ ung thư da
ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình rằng melanin không chỉ góp phần tạo nên màu da, mà còn được chứa trong các túi melanosome, tạo thành một tấm lá chắn, bảo vệ DNA trước tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Việc làm trắng da chính là giảm đi sự hình thành của melanin, đồng nghĩa giảm đi khả năng bảo vệ này. Da bạn sẽ dễ bị viêm, nhạy cảm với ánh sáng, tăng nguy cơ bị ung thư. Vì thế, cho dù tắm trắng, bôi kem làm trắng… loại tốt, có nhãn mác đàng hoàng, bạn cũng phải có biện pháp bảo vệ da.
Theo Anh Thư/Người lao động
Post a Comment