Ông Chen đang sống ở Nam Ninh, khu tự trị Choang (Quảng Tây) có một con gái và hai anh con trai. Vấp phải sự phản đối kịch liệt của ba đứa con, Chen không dám ngỏ lời với người phụ nữ đứng tuổi tên Lu ông gặp gần đây. Thay vào đó, họ quyết định chỉ ở chung với nhau để khỏa lấp nhu cầu có bạn bè tuổi xế chiều.
Cảnh tình của ông Chen không phải là hiếm trong xã hội Trung Quốc, trang Global Times đưa tin. Nhiều người già nước này rơi vào tình trạng tương tự. Theo một số liệu do cơ quan thống kê ở tỉnh Giang Tây đưa ra, hơn 80% cư dân cao tuổi độc thân từng kết hôn muốn cưới lần nữa. Đáng buồn là hơn 60% trong số họ không nhận được bất kỳ ủng hộ nào của các con mình.
Ảnh minh hoạ: Sydney Morning Herald. |
Vấn đề rắc rối
Trước khi đến ở với bà Lu, ông Chen đã có nhiều tháng trời tranh cãi và thảo luận với các con về việc tái hôn. Nhưng ý kiến của cậu út - người mà ông quan tâm nhất - đã buộc ông phải dừng lại.
"Không phải là chúng tôi không hiểu ông ấy, hoặc chúng tôi không biết đạo làm con. Nhưng ông ấy hơn 70 tuổi rồi. Thế có phải là gây rắc rối cho các con không?", anh con út của Chen nói. "Sau khi kết hôn họ nhất định phải ở cùng nhau và sẽ sớm tranh cãi về vấn đề chia tài sản. Tôi không có thời gian để giải quyết các vấn đề này. Nếu cưới, cha tôi chắc chắn sẽ không có cuộc sống bình yên cuối đời".
Phàn nàn trên tờ Modern Life Daily, Chen nói rằng bất cứ lần nào ông gợi ra chủ đề này với cậu út, anh đều gạt bỏ ý kiến của ông. "Chúng không biết rằng tôi cô đơn. Chúng đều có gia đình riêng và tôi sống một mình trong một căn hộ cũ. Tôi không thể nhờ vả chúng nếu ốm đau hoặc có chuyện gì đó. Vợ đã mất của tôi từng đồng ý, vì thế tôi không hiểu tại sao nó lại không thể chấp nhận", Chen tâm sự.
Mỗi lần nghĩ đến điều này ông nhớ tới việc mình bị cảm nắng gần đây. Lúc đó, ông cảm thấy người đuội đi, không thể đi nổi. Ông gọi điện cho con trai, nhưng các con đều bận. Bà Lu đã đến chăm ông. "Nếu tôi phải chờ các con đi làm về ngày hôm đó, rồi mang cho tôi cốc nước, chắc tôi đã chết khát", người cha già buồn rầu kể.
Kinh nghiệm đau thương này càng thôi thúc ý định tái hôn của Chen. Nhưng con trai ông nói họ sẽ giúp ông đơn giản bằng cách thuê người giúp việc. "Chúng tôi là con có hiếu và sẽ không để cha già một mình không ai chăm sóc", con út của ông nói, lờ đi sự việc cảm nắng nọ. "Chúng tôi có thể tìm cho ông ấy một bảo mẫu hoặc nhờ hàng xóm trông hộ, mọi lo lắng của bố sẽ được giải quyết".
"Ông ấy cảm thấy cô đơn vì đã nghĩ quá nhiều về chuyện đó", anh con út của ông Chen nói tiếp. "Nếu bố tái hôn, các vấn đề như xung đột gia đình, chia tài sản và đủ mọi rắc rối sẽ phát sinh, và rồi ông ấy sẽ biết mình đã sai", anh này nhấn mạnh.
Chen đã giở luật cho con thấy người già cũng có quyền tái hôn. "Nhưng khi tôi cho nó xem các bài báo viết về luật này, nó ném đi không thèm đọc. Nó chỉ nhất nhất không đồng ý và nói nếu tôi khăng khăng cưới bà Lu, tôi sẽ phải tự mình chịu mọi hậu quả", ông Chen kể tiếp.
"Dường như nó đang đe dọa tôi. Quá bực mình, tôi gần như đã cắt quan hệ với nó vài lần", ông nói. Nỗi lo của cậu con trai về việc chia tài sản với bà Lu càng khiến ông buồn hơn: "Có vẻ nó chỉ quan tâm đến tài sản mà không hề thực sự quan tâm đến tôi".
Những mâu thuẫn giữa hai thế hệ về thừa kế tài sản đã buộc một số người già phải bí mật kết hôn mà không cho các con biết.
Jin, một cụ ông 80 tuổi sống ở Bắc Kinh tiết lộ với tờ Legal Daily rằng ông muốn tìm bạn đời mới, nhưng bị 3 đứa con phản đối kịch liệt. Những người con này rất có hiếu, ngoại trừ một vấn đề.
"Đó là tiền. Các con tôi đều nói chúng lo ngại người phụ nữ tôi chọn chỉ quan tâm đến tiền của tôi và sẽ biến mất cùng số tiền đó. Lo ngại đó là có lý, nhưng nó cũng cho thấy rằng tất cả chúng đều muốn một phần tài sản của tôi. Khi tôi qua đời, căn hộ đó có thể bán được hàng triệu tệ", ông Jin nói.
Huang Donghui, một giảng viên Đại học Hà Nam, từng phát biểu trên tờ Bianliang Evening rằng có hai lý do chính khiến các con ngăn cản cha mẹ già tái giá. Đầu tiên, họ lo ngại cuộc hôn nhân đó có thể phá hoại quyền lợi của chính mình, và hai là, họ không muốn gánh thêm nghĩa vụ chăm sóc người già.
Chăm sóc hai người cao tuổi thay vì chỉ một người sẽ là thêm gánh nặng tài chính và tình cảm cho hầu hết các con trưởng thành, đặc biệt khi người mới đến không có chung dòng máu.
"Giờ nếu bố tôi tái hôn, liệu ông ấy có cho phép bà ấy (sau khi chết) được chôn cùng chỗ với mẹ tôi? Rồi chúng tôi sẽ phải nghĩ thế nào khi đi tảo mộ? Tại sao ông ấy không nghĩ cho các con của mình", con trai của ông Chen nói.
60% người cao tuổi muốn tái hôn ở Trung Quốc gặp khó khăn vì các con ngăn cản. Ảnh minh hoạ: Belfast Telegraph. |
Tìm sự thoả hiệp
Để không làm xáo trộn các con, nhiều cặp bạn già chuyển tới ở cùng nhau thay vì cưới đàng hoàng. Li Fugui và Zhang Yue'e ở Khu tự trị dân tộc Hồ Ninh Hạ, đã sống cùng nhau 4 năm, là một kiểu mẫu của các cặp cao tuổi.
Ông Zhang sống trong căn hộ của bà Li, và để tránh các phức tạp liên quan đến tài sản của bà, ông trả bà 1.200 tệ mỗi tháng để lo các chi phí sinh hoạt. Nếu một trong hai người ốm, con của mỗi người sẽ chăm cho bố/mẹ mình.
Ông Chen và bà Lu cố gắng ở cùng nhau, dù bà Lu thừa nhận rằng bà không hài lòng với việc sống chung mà không có cam kết từ ông Chen. Tuy nhiên, bà âm thầm chấp nhận tình trạng của họ.
Số liệu về người già Trung Quốc cho biết vào năm 2015, số người trên 60 tuổi của nước này đạt mức 222 triệu. Số người trên 80 tuổi sẽ đạt 30,67 triệu vào năm 2020.
Ngày càng nhiều người cao tuổi sẽ sống chung với nhau mà không cần giấy kết hôn vì nhiều lý do. Nhưng như Luo Qiangqiang, phó giáo sư luật tại Đại học Ninh Hạ, vì không được bảo hộ hợp pháp, nên việc sống chung này không đảm bảo quyền và lợi ích của họ khi cần.
Bên cạnh rắc rối có thể có về tài sản, các cặp đôi già - khác với các cặp vợ chồng trẻ - là có nhiều rắc rối tiềm ẩn như chăm sóc y tế, tử vong... Các chuyên gia đề nghị mọi người nên bao dung với cha mẹ già độc thân để họ được sống hạnh phúc những năm cuối đời.
Và lời khuyên của các luật sư là hai người già muốn kết hôn nên chứng thực tài sản trước khi cưới, và làm bản thoả thuận với con cái hai bên để không có tranh chấp về sau.
"Chứng thực tài sản nghe có vẻ nhẫn tâm, nhưng nó thực sự giải quyết được vấn đề lớn cho cuộc sống hậu hôn nhân của họ, luật sư Chen Wubin nói.
Thuận An
Post a Comment