Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS.BS. Phạm Thị Việt Hương, bệnh viện K Trung ương cho hay, nhiều bệnh nhân ung thư có quan điểm sai lầm trong cách điều trị cũng như chế độ ăn uống. Rất nhiều bệnh nhân bồi bổ quá mức cần thiết nhưng có bệnh nhân lại giảm ăn, kiêng ăn phản khoa học.
1. Bồi bổ quá mức cần thiết
Nhiều bệnh nhân ung thư thể chất suy nhược nên tích cực bồi bổ nhưng phải hợp lý về số lượng mỗi bữa, tổng lượng mỗi ngày và chất lượng món ăn. Lại có những bệnh nhân bồi bổ quá mức các thực phẩm trong thời gian ngắn như thịt cá, cua biển, gà, bò, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, rùa... Việc "nhồi nhét" vào cơ thể như vậy là không đúng.
Bệnh nhân ung thư sau khi phẫu thuật, hóa xạ trị thường ăn uống kém, chức năng dạ dày suy giảm rõ rệt. Trong giai đoạn này, nếu tích cực bồi bổ, cơ thể sẽ không hấp thụ hết được. Chức năng dạ dày bị suy yếu dẫn đến ăn uống kém hơn. Dạ dày không kịp hồi phục sẽ bất lợi cho sự hồi phục của bệnh nhân.
TS.BS Phạm Thị Việt Hương, bệnh viện K Trung ương. |
Việc bồi bổ không nên dồn cùng một lúc mà cần phải từ từ, phù hợp với lứa tuổi, khẩu vị, sở thích, hoàn cảnh kinh tế, thời gian… của từng người bệnh. Chưa kể bệnh nhân có tổn thương đường tiêu hóa như miệng, họng, thực quản, dạ dày thì nên bồi bổ vừa phải, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày và từ từ. Nếu cần thiết thì phải can thiệp dinh dưỡng đường tĩnh mạch. Người bệnh cần uống nhiều nước mỗi ngày.
2. Giảm ăn, kiêng ăn, ăn kiêng thực dưỡng không đúng cách
Có một quan điểm sai lầm đang tồn tại: Ăn uống càng bổ dưỡng thì sẽ khiến khối u phát triển nhanh, cần phải giảm bớt việc ăn uống, “bỏ đói” khối u.
Tuy nhiên cho đến nay, chưa có chứng minh lâm sàng nào cho thấy hiệu quả của việc điều trị ung thư bằng phương pháp nhịn ăn để “bỏ đói" khối u. Hậu quả của nhịn đói là tình trạng dinh dưỡng của toàn cơ thể kém đi, thể lực giảm sút, hệ miễn dịch giảm dẫn tới nhiễm trùng, lâu liền vết thương… nên không thể hoàn thành điều trị chống khối u. Vì thế, không nên áp dụng nhịn ăn “bỏ đói" khối u một cách thiếu cơ sở khoa học.
Khái niệm bỏ đói tế bào ung thư thực ra là phương pháp nút mạch (cắt đứt nguồn dinh dưỡng đến nuôi khối u) như với ung thư gan. Tuy nhiên, duy trì dinh dưỡng đầy đủ mới là cơ sở nền tảng của việc điều trị.
Nhiều bệnh nhân truyền tai nhau không ăn đường, không ăn thịt đỏ. Mới đây nhất, các nhà khoa học đại học California (Mỹ) đã phát hiện đường Neu5Gc có trong thịt đỏ góp phần làm tăng khả năng phát triển khối u.
Nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm Neu5Gc trên chuột. Kết quả cho thấy, chuột sử dụng Neu5Gc có khối u hình thành nhiều hơn gấp 5 lần so với chuột được nuôi không có loại đường này. Mọi thứ dừng lại ở đây, chưa chứng minh được trên người. Vả lại, bệnh nhân cũng đâu có ăn nhiều thịt đỏ mỗi ngày mà cần phải kiêng?
Đối với bệnh nhân ung thư cần cân đối các nguồn thực phẩm theo tỉ lệ 30% thuộc về các loại hạt; 30% thức ăn từ các loại củ; 20% từ các loại rau, quả; 10% từ đạm động vật như cá, tôm, cá hồi, cá quả, bào ngư, sò huyết, hải sâm, yến… 10% còn lại có thể từ các nguồn dinh dưỡng chế biến khác như tảo biển, tảo nâu (Fucoidan), phiêu sinh vật biển (Phytoplankton )…
3. Chỉ bồi dưỡng khi đang điều trị?
Người bệnh đang điều trị cần bồi dưỡng ăn uống tốt để có sức khỏe tham gia vào các phương pháp điều trị đủ mạnh, đúng liệu trình. Tuy nhiên khi ra viện vẫn nên bồi dưỡng, ăn uống đủ chất, khoa học, hợp lý để duy trì sức khỏe, hệ miễn dịch tốt – được cho là góp phần giảm nguy cơ tái phát.
Hương Lan
Post a Comment