Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bác sĩ Trần Vũ Quang, bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, cha mẹ cần dựa vào sự phát triển kỹ năng và vận động của trẻ để quyết định việc cho trẻ ăn dặm.
Dưới đây là 9 "quy tắc vàng" các mẹ cần lưu ý để tạo cho con một bước khởi đầu tốt đẹp khi bắt đầu bước vào giai đoạn ăn những thực phẩm bổ sung ngoài sữa.
1.Thời điểm phù hợp nhất cho trẻ ăn dặm khi nào?
Thông thường, trẻ cần đạt được mốc phát triển vận động giữ được cổ, bởi nếu cổ không đủ vững vàng thì trẻ không thể nuốt được thức ăn; đồng thời, trẻ phải quay qua quay lại được đủ để từ chối khi không thích ăn nữa hoặc khi trẻ đã no.
Trẻ thường giữ được cổ thẳng trong khoảng từ 4-6 tháng tuổi. Tuy nhiên, có những trẻ giữ được cổ sớm hơn giai đoạn này (số ít) và có trẻ phải hơn 6 tháng mới đạt được đến cột mốc này. Do đó, giữ được cổ là mốc quan trọng nhất trong việc xác định thời điểm cho trẻ ăn dặm.
Bên cạnh đó, trẻ còn cần đạt đến mốc có thể ngồi khi được hỗ trợ một phần. Một điều quan trọng nữa là trẻ không còn phản xạ thè lưỡi đẩy ra những gì được đưa vào miệng. Phản xạ này là phản xạ bú và trẻ từ 4 tháng tuổi trở xuống vẫn còn. Đa số trẻ từ 4-5 tháng tuổi trở lên đều mất dần phản xạ này và sẵn sàng để ăn thức ăn đặc.
|
2. Chọn thực phẩm từ dị ứng ít đến mức dị ứng nhiều
Tinh bột hay rau củ hầu như không có dị ứng, do đó, có thể thử bắt đầu cho trẻ ăn bột gạo, bột ngũ cốc, rau củ nghiền. Các loại rau xanh như cải thìa, bó xôi... chứa nhiều chất sắt, ít dị ứng nên cha mẹ có thể dùng cho trẻ ăn dặm.
Từ tháng thứ bảy, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thức ăn giàu đạm. Tuy nhiên, đạm là loại thực phẩm gây dị ứng nhiều nhất, vì thế cha mẹ không nên cho trẻ ăn một số loại thực phẩm như lòng trắng, hải sản. Những loại cá đồng ít gây dị ứng hơn cá biển, do cá biển chứa histidine có thể chuyển hóa thành histamine trong cơ thể.
Ngoài ra, một số loại cá biển chứa thủy ngân, trong khi hệ tiêu hóa không đủ sức để lọc hết khiến trẻ có thể hấp thụ nhiều thủy ngân, ảnh hưởng đến sự phát triển của não, tạo máu.
|
Cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mới dưới dạng đơn chất (1 loại thực phẩm duy nhất) trong khoảng 2-3 ngày, theo dõi xem trẻ có bị nổi mề đay, mẩn ngứa, khò khè hay không. Nếu không, các mẹ có thể tạm xem thực phẩm đó không gây dị ứng và có thể tiếp tục thử món mới.
Đừng nên cho trẻ ăn sáng một món, trưa một món, chiều một món bởi trẻ bị dị ứng thì không thể đoán được một hay nhiều loại thực phẩm nào gây dị ứng.
3. Cho trẻ ăn từ sệt đến đặc dần, từ ít đến nhiều
Cho trẻ ăn một vài thìa hôm đầu, hôm sau cho ăn nhiều hơn. Nếu trẻ thích ăn thêm thì cho trẻ ăn thêm nhưng tốt nhất cha mẹ nên quan sát đáp ứng của trẻ đối với thức ăn như thế nào để quyết định lượng thức ăn phù hợp.
|
4. Có nên nghiền nát đồ ăn giúp trẻ tiêu hóa tốt?
Nhiều quan niệm cho rằng, nghiền đồ ăn sẽ giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn, điều này thực ra không đúng. Thức ăn nghiền chỉ giúp cho trẻ dễ nuốt hơn. Do đó thức ăn thô hay thức ăn nghiền không phải là vấn đề. Khi trẻ nuốt được thức ăn qua cổ họng, xuống đến bao tử, ruột non thì một loạt các dịch vị tiết ra giúp tiêu hóa thức ăn.
Tuy nhiên, trẻ mới tập ăn chưa tiêu hóa được chất xơ. Do vậy, trẻ ăn rau sẽ đi ra nguyên rau là điều hoàn toàn bình thường. Còn các nhóm chất đạm thịt, tinh bột như cơm, ngũ cốc đều được tiêu hóa hết.
Do đó, cho trẻ ăn thức ăn thô không gây hại dạ dày, ngược lại còn giúp trẻ phát triển kỹ năng nhai và giúp trẻ tự ăn tốt hơn. Trong khi đó, thức ăn nghiền khiến trẻ chỉ có phản xạ nuốt chứ không nhai và sẽ tạo thành thói quen. Nếu kéo dài, trẻ sẽ gặp vấn đề với việc ăn thức ăn thô về sau.
5. Không nên "dụ" trẻ ăn với điện thoại, đồ chơi
Điều này sẽ khiến trẻ sao nhãng. Khi trẻ đói, trẻ sẽ ăn vì đó là nhu cầu và bản năng sống. Khi trẻ no, trẻ sẽ dừng lại. Việc tập thói quen vừa ăn vừa sao nhãng chuyện khác sẽ khiến trẻ không có hứng thú khám phá, thưởng thức món ăn, màu sắc, mùi vị hay độ thô của thức ăn, dần dần sẽ dẫn đến chứng biếng ăn sau này.
|
6. Hãy để trẻ tự ăn
Nhiều cha mẹ cho rằng, trẻ tự ăn sẽ không ăn được nhiều và sẽ thiếu chất. Thực ra đến khoảng 8 tháng tuổi, trẻ có thể tự bốc ăn. Dù chưa có răng nhưng trẻ vẫn có thể nhai và cắn bằng nướu (giống người già rụng răng). Nếu cắn miếng quá to, trẻ sẽ nhả ra và tự biết cách cắn miếng nhỏ hơn để có thể nhai được.
Mẹ nên theo dõi đáp ứng của trẻ để kết hợp việc cho trẻ ăn thức ăn thô và thức ăn nghiền để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết. Và nhớ rằng, đừng để đến khi trẻ đủ răng mới cho ăn thức ăn thô, lúc đó đã quá muộn, trẻ sẽ quen với việc nuốt thay vì nhai thức ăn.
Để trẻ có thể tự ăn thức ăn thô, mẹ cần phải tập cho trẻ. Nếu được tự cầm đồ ăn để ăn, trẻ phối hợp tốt hơn giữa các cơ, giúp ăn được tốt hơn. Tuy nhiên, dù trẻ tự bốc ăn có thể bị ói, cha mẹ đừng hốt hoảng ngăn cản. Bởi nếu trẻ rơi vào trạng thái hoảng sợ nhiều lần thì trẻ sẽ không làm nữa. Thế nên nếu trẻ ói, cha mẹ chỉ cần dọn đi rồi khuyến khích trẻ ăn miếng khác. Sau vài lần, trẻ dần dần quen và ăn được tốt hơn.
|
7. Không nên nêm gia vị (muối) vào thức ăn của trẻ
Trẻ dưới 1 tuổi chỉ cần 1,5g muối mỗi ngày và lượng muối này đã có sẵn trong các thực phẩm. Nếu lượng muối nhiều hơn mức nhu cầu hàng ngày sẽ gây tổn hại thận, bởi thận của trẻ còn yếu nên khả năng đào thải muối kém. Lâu ngày, natri bị tích nhiều trong cơ thể sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe của trẻ, trong đó có bệnh cao huyết áp. Do đó, mẹ không cần phải nêm thêm muối vào thức ăn của trẻ.
|
8. Khi nào trẻ ăn được các chế phẩm váng sữa, phô mai?
Váng sữa hay phô mai, sữa chua được nhiều người "lan truyền" nên cho trẻ ăn khi 6 tháng tuổi. Tuy nhiên cho đến hiện nay vẫn chưa có khuyến cáo nào về váng sữa cho trẻ dưới 1 tuổi.
Trẻ dưới 1 tuổi không được uống sữa bò nhưng sữa chua, phô mai với lượng nhỏ thì có thể ăn được. Mỗi bữa có thể cho trẻ ăn từ 1 đến 2 cục phô mai có kích thước bằng đầu ngón tay. Khi trẻ được 9-10 tháng tuổi có thể ăn sữa chua.
Tuy nhiên việc cho trẻ ăn quá nhiều sản phẩm từ sữa sẽ khiến trẻ bị thiếu sắt do lượng canxi nhiều làm giảm hấp thụ sắt vào cơ thể.
|
9. Men tiêu hóa có giúp trẻ ăn ngon hơn?
Khi trẻ lười ăn, biếng ăn, ăn không ngon các bậc cha mẹ thường được khuyên là cho trẻ sử dụng cốm vi sinh, men tiêu hóa. Tuy nhiên, việc bổ sung men vi sinh (các vi khuẩn có lợi cho tiêu hóa) không làm cho trẻ ngon miệng hơn (nhưng cũng không gây hại) và bổ sung men tiêu hóa (các enzym tiêu hóa) không giúp trẻ ăn nhiều hơn. Men tiêu hóa chỉ thực sự hữu ích khi hệ tiêu hóa của trẻ bị thiếu men tiêu hóa do bệnh lý.
|
Việc trẻ có cảm thấy ngon miệng hay không nằm ở miệng (các gai vị giác trên lưỡi). Nếu muốn trẻ ăn ngon hơn, cha mẹ không nên cho con ăn vặt nhiều, để cho trẻ đủ đói, nấu những món ăn thật ngon, thực phẩm tươi sạch, kích thích thị giác lẫn vị giác, tạo một không khí bữa ăn vui vẻ hấp dẫn. Đừng biến bữa ăn thành "trận chiến" căng thẳng của việc bị ép, bị nhồi ăn, vì như thế trẻ sẽ sợ sệt và "khủng hoảng" mỗi khi đến bữa ăn.
N.Giang
Post a Comment