Một buổi chiều hè 5/2016, chuyên gia trị liệu tâm lý Trần Kim Thành (tác giả cuốn sách Dạy con tự học, 5 bước đơn giản để có mối quan hệ hoàn hảo) đang nghỉ chờ đến ngày sinh nở thì có một người phụ nữ luống tuổi tới tận nhà tìm nhờ trị liệu tâm lý cho con trai 20 tuổi. Lúc đó dù rất muốn nhưng vì mang thai đôi, chẳng biết sẽ đột ngột trở dạ lúc nào nên chị giới thiệu những đồng nghiệp của mình.

Song bà một mực muốn được chị giúp, bởi con trai bà trầm cảm đến mức đã tự tử 3 lần và chữa trị rất nhiều nơi mà không khả quan. 

"Cả đời cô vất vả ngược xuôi, bon chen vì con. Cô có tiếc em cái gì đâu. Cô cho em học cả trường đắt tiền để bằng bạn, bằng bè. Thế mà...", bà nói, mặt nặng trĩu ưu tư. 

Người phụ nữ này hơn 50 tuổi, ly dị chồng từ khi con út lên lớp 5. Bà kinh doanh trong lĩnh vực thẩm mỹ ở Hà Nội, cố gắng để nuôi nấng 4 người con được ăn ngon, mặc đẹp, học trường tốt mà không cần phải lo lắng gì. Với con trai út, bà chạy vạy bằng được cho con vào học ở một trường quốc tế đắt tiền bậc nhất Hà Nội.

3-buoi-noi-chuyen-cuu-roi-chang-trai-thua-tien-nhung-thieu-tinh-me

Việc mẹ suốt ngày lo kiếm tiền và giải quyết mọi thứ bằng tiền, khiến chàng trai không có một ai chia sẻ ở thời điểm tuổi teen.

Thấy được niềm tin của người mẹ đặt vào mình, chuyên gia Kim Thành mủi lòng. Tuy nhiên, việc tư vấn trị liệu cho chàng trai này khá khó khăn khi cậu đã nhốt mình trong phòng 3 năm nay và việc đến gặp chuyên gia là do mẹ dùng sức ép chứ không phải tự thân cậu muốn thay đổi. "Chúng tôi trò chuyện 1-1. Buổi đầu tiên cậu ấy rất ít hợp tác", chị Thành kể. Mỗi buổi trị liệu như vậy kéo dài khoảng 3 tiếng.

Sang buổi thứ hai, chàng trai cởi mở hơn. Đến buổi thứ ba, cậu đã thực sự nói hết những chất chứa trong lòng bao năm qua.

"Cậu ấy đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình, cho người mẹ đi làm suốt ngày không quan tâm và chỉ biết cho cậu tiền. Cậu ấy cũng từng bị bạo lực học đường, gặp nhiều vấn đề trong học hành, quan hệ với bạn bè mà không có ai chia sẻ. Giây phút cậu ấy òa khóc khi tìm lại niềm vui sống, biết cuộc đời vẫn còn rộng mở và sẽ có cơ hội làm lại được, khiến tôi thực sự xúc động", chuyên gia nhớ lại.

Sau 3 buổi trị liệu, chuyên gia đã giúp cậu tự chữa lành và tự giải quyết các vấn đề của bản thân. Chàng trai nhận ra trách nhiệm cá nhân của mình trong cuộc đời, chứ không phải đổ lỗi cho người khác. Kết thúc buổi trị liệu, cậu lên kế hoạch đi làm thêm, bên cạnh việc học bổ túc cho xong chương trình phổ thông. 

"6 tháng sau, tôi liên lạc lại thì biết cậu ấy vẫn đang kiên trì như những gì đã vạch ra, sống vui và có ích", chị Thành cho biết.

Tuy nhiên, sự thay đổi của chàng trai khiến mẹ vô cùng ngạc nhiên. Bà chỉ muốn con trai chuyên tâm học hành, không phải vất vả làm gì. Khuyên nhủ con không được, bà lại nhờ chị Thành tác động. Đến lúc này, chuyên gia phải phân tích cho người mẹ hiểu cái sai của bà đã hại con mình thế nào.

"Chị ấy luôn làm giúp con mọi việc, cung cấp mọi nhu cầu vật chất con muốn vì nghĩ như thế là yêu con, mà chưa bao giờ dành thời gian để lắng nghe con nói cho tròn một câu chuyện", chuyên gia kể.

Do quá bận rộn, hầu hết các trường hợp chị đều dùng tiền để con nghe lời, xoa dịu uất ức của con và để đỡ mất thời gian.

"Dù là cách thức nào thì việc dễ dãi tiền bạc với con vô hình chung khiến đứa trẻ quy tất cả mọi thứ ra vật chất, không nhận ra sự vất vả của bố mẹ, dần dần đánh mất cả kết nối bên trong bản thân con với bố mẹ. Về lâu dài trẻ không học được những bài học giáo dục cần thiết. Một thế hệ người trẻ vị kỷ sinh ra là vì thế", chuyên gia phân tích.

Theo chị Thành, việc dùng tiền nuôi dạy con không có tác dụng về mặt giáo dục, dù có tác dụng thỏa mãn tức thời. Hãy dùng tiền trong trường hợp như mua sách vở, tổ chức chuyến du lịch gia đình, hoặc nếu được nữa là dùng tiền mua chính thời gian của cha mẹ cho con.

"Rất nhiều người hô hào khởi nghiệp, mà không biết đứa con là sự nghiệp theo suốt cuộc đời mình. Tại sao một sự nghiệp lớn như thế mà không thể dành cho con ít nhất nửa tiếng mỗi ngày. Chưa chắc sự nghiệp nào đã hơn sự nghiệp nào. Thay vì dùng tiền, hãy dành cho con nhiều hơn thời gian", chuyên gia chân thành nói.

Chuyên gia huấn luyện và trị liệu tâm lý tâm lý Kim Thành quan niệm, trong mọi cách chiều chuộng con, chỉ có chiều chuộng bằng tình yêu là không có hại.

Phan Dương

* Tên một số nhân vật đã thay đổi

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top