Đầu tháng 7/2017, khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 có 6 trẻ duy trì sự sống bằng máy thở vì bệnh viêm não Nhật Bản. Trẻ có thể không bị căn bệnh này nếu được chích ngừa. Khi được hỏi về việc trẻ đã tiêm vắc-xin phòng bệnh hay chưa, đa số các phụ huynh đều lắc đầu.

Theo ông Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, 80% bệnh nhi điều trị tại khoa là do không chích ngừa. BS Khanh nói rằng việc bài trừ vắc-xin đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng nhanh chóng được chấn chỉnh. Nhiều nước còn quy định nếu trẻ không chích ngừa, sẽ không được tới lớp. Muốn đi học phải kèm theo sổ chích ngừa, tránh gây bệnh cho cộng đồng…

Ở Việt Nam, dù mới xuất hiện gần đây nhưng tình trạng này lan rộng nhanh. BS Khanh nhận định, trào lưu anti vắc-xin xuất hiện và trở nên phổ biến khi tình hình dịch bệnh ở mức thấp. "Nếu nhiều người mắc bệnh ho gà, bạch hầu, sốc bại liệt… thì các hội nhóm tẩy chay vắc-xin không bao giờ xuất hiện", BS.Khanh cho biết.

Nhiều trẻ mắc bệnh nguy kịch do cha mẹ thờ ơ với việc chích ngừa vắc-xin (Ảnh minh họa)

PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận định: “Tại Việt Nam, lợi ích của tiêm chủng thực sự vô cùng to lớn. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình Y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam".

Chính nhờ có chương trình tiêm chủng mở rộng mà hàng năm, chúng ta đã bảo vệ được hàng triệu trẻ em không bị mắc bệnh, không tử vong cũng như bị các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến; bảo vệ cho hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa. Không có một chương trình phòng bệnh nào lại hiệu quả như thế nhờ thứ vũ khí siêu hạng là vắc-xin, cụ thể là:

- 11 nghìn xã phường, 704 huyện của cả nước được tiêm chủng;

- Hơn 1,6 triệu trẻ em, gần 1,7 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ hàng năm với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em;

- Đã quét sạch và làm biến mất hoàn toàn bệnh đậu mùa từ năm 1979;

- Đã quét sạch và làm biến mất hoàn toàn bệnh bại liệt từ năm 2000;

- Đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005;

- Đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỉ lệ nhiễm viêm gan vi rút B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020;

- Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đã giảm một cách ngoạn mục từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng”.

Theo PGS.TS. Trần Như Dương, để phòng bệnh, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.

Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỉ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em.

Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng. Chính vì vậy các bậc cha mẹ, vì sức khoẻ của con em mình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và cả những vắc-xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.

N.G

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top