Và đó chính là lý do khiến chị Ngọc Anh, 33 tuổi, hiện sống tại TP HCM quyết định sẽ không tốn tiền mua xe, khi công việc không cần dùng đến xe gắn máy. Dưới đây là chia sẻ của chị.

Tôi học ngành du lịch, ra trường năm 2005. Năm 2008, nhân dịp vào thăm dì đang sống ở TP HCM, thấy môi trường sống và làm việc ở đây có vẻ thoải mái hơn Hà Nội, giá bất động sản lại rẻ hơn (ví dụ, nhà dì tôi rộng 70m2, cách trung tâm thành phố khoảng 7km nhưng giá lúc đó chỉ khoảng 1,3 tỷ, trong khi ở Hà Nội, ngôi nhà này có lẽ phải 3 tỷ) tôi quyết định xin chuyển việc vào chi nhánh trong Nam.

Sáu năm đi làm ở Hà Nội (tôi làm part-time từ thời sinh viên), nhưng tôi chỉ tích lũy được mấy chục triệu, lương đã dành hết để mua điện thoại, xe máy, máy tính, máy ảnh. Số tiền này gần như hết sạch khi tôi chuyển vào Sài Gòn, mua sắm một số món đồ để ổn định cuộc sống. Điều này khiến tôi nhận thấy mình cần phải thay đổi lối sống, nếu không muốn sau này tay trắng.

Chuyển vào Sài Gòn, tôi chỉ mang theo những món đồ gọn nhẹ như máy tính, điện thoại, còn xe máy tôi gửi về cho bố mẹ ở quê đi. Chiếc Wave liên doanh tôi mua 14 triệu năm 2005, trước khi chuyển vào Nam, tôi mang ra phố cổ bán, người ta chỉ trả hơn 6 triệu. Thấy tiền ít quá, tôi không đành lòng bán. Một sự mất giá kinh khủng, nếu tính theo vàng thì còn mất giá nhiều hơn. Từ đó, tôi nhận thấy, không nên đầu tư nhiều vào xe cộ làm gì.

Thời gian đầu, tôi sống nhờ nhà dì ở quận Gò Vấp vì chưa quen đường xá. Nhà dì cách trạm xe buýt khoảng 300m, tôi chỉ cần bắt một tuyến xe buýt là đến nơi làm việc ở quận Nhất. Dì bảo tôi lấy tạm xe máy của dì đi, nhưng tôi không muốn 30 phút phải căng thẳng điều khiển xe. Trong khi đó, ngồi xe buýt dù thời gian gấp đôi nhưng tôi có thể tranh thủ nghe các bản tin, đoạn hội thoại tiếng Anh và tiếng Hoa để luyện ngoại ngữ.

Mặc dù mức lương ở Sài Gòn của tôi chỉ bằng khi ở Hà Nội (khoảng 7-10 triệu/tháng) nhưng vào đây tôi tích lũy được nhiều tiền hơn hẳn. Ngoài việc dì không lấy tiền nhà, vào đây tôi chi tiêu ít hơn. Không có xe máy, tôi bỏ hẳn thói quen ngó nghiêng các cửa hàng thời trang dọc đường đi của mình. Làm công việc hướng dẫn viên du lịch, cuối tuần tôi thường phải đi làm nên cũng bớt hẳn khoản tụ tập cùng bạn bè, chơi bời, mua sắm...

Nhận lương xong gần như không tiêu gì nên đến năm 2011, tôi đã có được 300 triệu. Tôi chỉ mua vàng hoặc gửi ngân hàng lấy lãi chứ không đầu tư cổ phiếu hay kinh doanh vì không có thời gian. Cuối năm 2011, tôi kết hôn. Lúc chuẩn bị cưới, chồng tôi cũng có 300 triệu. Hai đứa nghĩ ngay đến việc phải mua nhà đất để an cư lạc nghiệp. Nhà bố mẹ chồng tôi ở Đồng Nai nên chúng tôi tìm mua đất ở quận 9 để về nhà ông bà cho gần, dù thời kỳ này, quận 9 vẫn còn khá vắng vẻ, đường xá bụi bặm và rất xấu.

Chúng tôi mua được một mảnh đất rộng hơn 80m2 ở Phước Long giá 700 triệu, chúng tôi phải vay nợ người thân hơn 100 triệu. Vì còn mang nợ, nên đám cưới chỉ mời họ hàng và những người bạn thật thân thích. Cưới xong, hai vợ chồng dư ra được 50 triệu, chúng tôi dùng số tiền này, xin thêm bố mẹ mấy chục triệu, xây tạm một nhà cấp 4 để đỡ phải đi thuê.

Sau khi trả hết nợ, và tiết kiệm được một số tiền, mãi đến năm 2014, chúng tôi mới xây nhà tử tế, một trệt một lầu. Sau khi xây nhà xong, chúng tôi cũng nợ người quen hơn 100 triệu nữa.

Nhà cách nơi làm việc hơn 20 km, tôi đi làm bằng xe buýt thấy vẫn khỏe. Năm 2013, tôi đã được chuyển vào vị trí quản lý, điều tour, công việc hoàn toàn ngồi văn phòng. Đi xe buýt từ nhà tôi đến công ty mất khoảng 90 phút. Tôi thường mua vé cả tập 30 vé cho rẻ (112.000 đồng một tập, nếu mua lẻ là 6.000/vé). Đi hai chặng tôi phải mua hai tập vé. Tôi ước tính với quãng đường gần 50km cả đi cả về mỗi ngày, tiền xăng xe máy không dưới 500.000 mỗi tháng. Không mua xe máy, tôi có tiền để đầu tư cho những việc khác. Thời gian đi xe buýt lâu hơn nhưng tôi lại có thể tranh thủ nghỉ ngơi hoặc nghe sách radio.

Chồng tôi làm văn phòng, không đi xe buýt như tôi mà vẫn đi chiếc xe máy cũ mua từ thời mới ra trường. Vợ chồng tôi xác định, không tốn tiền mua sắm xe. Lúc nào cần sang, chúng tôi có thể gọi taxi.

Tôi vốn rất coi trọng việc bảo vệ môi trường nên hai năm gần đây, tôi bắt đầu không mua khăn giấy, không dùng giấy vệ sinh mà chỉ dùng nước. Tôi cũng không dùng nước xả quần áo, chỉ mua loại nước giặt đã có sẵn mùi thơm. Tôi nhận thấy từ ngày cắt giảm những món hàng này, mỗi tháng nhà tôi tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng.

Vợ chồng tôi không quá tiết kiệm, chúng tôi chỉ không tốn tiền vào những thứ không cần thiết. Hiện nay, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 30 triệu, chúng tôi đã trả hết nợ, có một khoản tiền dư 500 triệu nhưng nhất định không đổi xe máy hay mua ôtô. Số tiền này tôi đem đầu tư vào quỹ tài chính để sinh lời nhiều hơn gửi tiết kiệm. Một năm, gia đình tôi vẫn cùng nhau đi du lịch vài lần. Chúng tôi thường chọn những chuyến đi về với thiên nhiên, ở nhà dân, chỉ tốn chưa đầy một triệu mỗi người.

Con trai tôi hiện 4 tuổi, nặng 20kg. Tôi cũng chưa bao giờ tốn tiền mua sữa ngoại cho con. Con tôi không có món đồ chơi nào đắt hơn 100.000 đồng. Tôi biết, trẻ con thích chơi với bố mẹ hơn chơi đồ chơi. Tuy nhiên, tôi lại tốn tiền mua rau sạch, thực phẩm hữu cơ cho bé.

Ngọc Anh

Chia sẻ kinh nghiệm xây, mua nhà và tiết kiệm của bạn tại đây

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top