Bệnh nhân nam V.V.C. (23 tuổi, trú tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) điều trị bệnh Hemophilia A tại khoa Nội Tổng quát, bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM từ cuối năm 2016.
Trước khi được điều trị ở TP.HCM, anh C. thường xuyên phải nhập viện với các biến chứng của căn bệnh hiếm gặp như: Xuất huyết tiêu hóa, chảy máu răng và xuất huyết khớp gối.
Tại khoa Nội Tổng quát, bệnh nhân được kiểm tra và nhận thấy thêm tình trạng thoái hóa khớp gối nặng, đứt dây chằng bên trong và giãn dây chằng bên ngoài gối phải.
Đối với bệnh nhân C., việc anh mắc bệnh Hemophilia A trong 23 năm qua khiến các bác sĩ e ngại khi phải thực hiện phẫu thuật thay khớp gối, tái tạo dây chằng.
Bệnh nhân C. kể rằng, anh đã đi nhiều bệnh viện để điều trị vấn đề chấn thương khớp gối nhưng hầu hết các bệnh viện đều ngại can thiệp phẫu thuật, bởi nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật là rất cao.
Ê-kíp phẫu thuật viên thay khớp gối cho bệnh nhân V.V.C. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp). |
Một tuần trước khi phẫu thuật, bác sĩ Hoàng Văn Hải, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình đã tư vấn và giải thích các nguy cơ có thể xảy ra trong và sau khi phẫu thuật như việc có thể không cầm được máu.
Dù vậy, bệnh nhân vẫn tin tưởng và mong các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Vì thế, các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật khi đã chuẩn bị chu đáo và tăng cường kiểm soát các tình huống có thể xảy ra.
Trưa 12/7, sau 3 giờ, ê-kíp mổ đã thực hiện thành công phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo kết hợp tái tạo dây chằng gối phải cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được các bác sĩ và điều dưỡng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình theo dõi hàng giờ để kiểm soát kịp thời nguy cơ chảy máu sau mổ. Hiện tại, tình hình sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, chưa phát hiện chảy máu vết mổ và đang được tập vật lý trị liệu để phục hồi.
Được biết, bệnh viện quận Thủ Đức hiện đang tiếp nhận và điều trị gần 100 bệnh nhân Hemophilia.
Lành Nguyễn
Post a Comment