Đang làm hiệu trưởng một trường mầm non ở Chương Mỹ, Hà Nội, lại bị thấp khớp mãn tính, chị Oanh không muốn sinh lần 3 khi hai cô con gái lớn đều đã vào cấp 2. Thế nhưng, chồng chị và cả gia đình anh đều giục giã. Thấy chị lần lữa mãi, anh dọa sẽ cưới vợ khác. Không muốn tan vỡ gia đình, sợ ảnh hưởng tới các con đang tuổi teen, cuối cùng chị Oanh cũng đi canh trứng để tăng cơ hội đậu thai quý tử. "Những tháng đầu có thai vừa mệt mỏi về thể xác vừa căng thẳng tinh thần khi chờ biết giới tính của con. Đó thực sự là cuộc đánh cược mà dù kết quả thế nào mình cũng vẫn mất", chị Oanh kể.
Sau khi sinh con trai út lúc 40 tuổi, bệnh thấp khớp của chị nặng lên. Có đợt, chị phải nhập viện điều trị cả viêm khớp lẫn bệnh thận cả tháng. Cộng với việc hay phải nghỉ vì con nhỏ đau ốm, có thời kỳ, chị suýt bị đuổi việc vì sao nhãng. Từ hiệu trường, chị bị chuyển xuống làm nhân viên nuôi dạy trẻ. "May có nhiều đồng nghiệp giúp đỡ nên vẫn còn theo nghề tới bây giờ", người phụ nữ 50 tuổi kể lại.
Chị cho biết, khi sinh được con trai, chị giữ được bố cho các con nhưng bản thân lại cảm thấy tình cảm dành cho chồng đã chết khi nhận ra anh chẳng màng tới tâm tư và cả tính mạng của vợ mà chỉ cốt có người nối dõi. Chị cũng đau lòng mỗi lần nghe hai cô con gái giận dỗi "thì với bố mẹ, chúng con chỉ là 'phụ' thôi".
Ảnh minh họa: Dissolve. |
Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội) cho biết, tâm lý cố có con trai vẫn khá nặng nề, ngay tại các thành phố lớn và ở những gia đình tri thức. Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị trầm cảm, lo âu liên quan tới các bi kịch gia đình xuất phát từ định kiến phải "có nếp, có tẻ". Không ít phụ nữ, vì bị ép buộc cố sinh con trai mà đánh mất cả cơ hội sự nghiệp và đối mặt với nguy cơ cho sức khỏe. Có những trường hợp sự đánh đổi đó không hề mang lại giá trị như họ mong muốn.
Chị Trâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) rơi vào tình cảnh đó. Sau khi chị sinh con gái thứ hai, anh xã nhiều lần đi cặp bồ và luôn bao biện rằng vì chán cảnh làm bố toàn vịt giời. Anh còn chỉ trích rằng chị chỉ biết sướng cho bản thân, không cố gắng vì chồng và dòng họ mà cố sinh thêm con. "Nhiều người quen, họ hàng cũng nói vào, bảo mình cố đẻ lần nữa, chứ để đến khi cô bồ nào của chồng sinh được con trai thì hai con gái mình mất hết", chị Trâm kể.
Vậy là chị Trâm đồng ý ra nước ngoài thụ tinh khi đã có hai con gái lớn. "Làm vậy là mình đã tự cắt đứt chiếc thang thăng tiến khi đang ở vị trí quản lý trong một cơ quan Nhà nước. Nhưng lúc đó cắn răng quyết vì nghĩ thôi thì hy sinh một chút mà chồng tu tâm đổi tính thì cũng đáng", chị kể.
Tuy nhiên, mọi sự không như chị tưởng. Sau khi vợ sinh lần 3 được con trai, anh ta vẫn có nhân tình và lý do đưa ra là vì chị mải chăm con, không để ý tới chồng. "Thực sự quá nản và bất lực. Mình vất vả lo cho 3 đứa con, không còn thời gian mà thở. Anh ta ra ngoài vui vẻ, khi về thì chiều con trai vô đối khiến mình thêm sợ lớn lên nó sẽ hư hỏng", chị Trâm nói.
"Nhiều phụ nữ lầm tưởng rằng việc sinh quý tử có thể tháo gỡ các vấn đề tồn tại từ lâu trong gia đình như ngoại tình, mâu thuẫn với hai bên nội ngoại... Thực tế, không hề vậy", nhà tâm lý Linh Nga nhận định.
Chuyên gia cho biết, sức ép phải sinh con trai không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người phụ nữ, buộc họ phải đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn, mà ngay cả con cái cũng chịu tác động nặng nề. Một trường hợp chị tư vấn gần đây là một điển hình.
Người được đưa đến để can thiệp tâm lý là một cô bé học lớp 12 tên Ly ở Tây Hồ, Hà Nội. Em hay cáu gắt, chản nản, học hành sa sút. Khi hỏi kỹ thì hóa ra mọi việc bắt nguồn từ trục trặc của bố mẹ. Bố Ly muốn có con trai, liên tục ép mẹ em phải sinh thêm dù mẹ Ly đã lớn tuổi và cơ thể đã nhiều lần mổ.
"Con thương bố vì lần nào về quê ăn cỗ bố cũng bị mọi người chọc, thậm chí đuổi xuống 'mâm dưới' do đẻ toàn vịt giời. Nhiều người còn bảo bố mẹ con là 'nhiều tiền thế, không đẻ cố thì để làm gì'. Ngay cả bạn thân của bố mỗi lần đến chơi cũng nói thế. Con căm ghét những người đó. Nhưng con cũng không chấp nhận được bố vì thế mà thúc ép, làm khổ mẹ", cô gái 18 tuổi chia sẻ.
Cuối cùng, được sự ủng hộ của hai cô con gái, mẹ Ly quyết định ly hôn để chồng đi kiếm con trai và chị cảm thấy cuộc sống của mình và các con bớt u uất hẳn.
Nhà tâm lý Linh Nga cho biết, nhiều bé gái sinh ra trong các gia đình mà người mẹ bị thúc ép đẻ con trai sẽ mang trong mình sự tức giận, cảm giác không được thừa nhận và luôn thiếu tự tin. Những lời nói khích bác thực sự làm tổn thương trẻ và có thể phá nát cả một gia đình.
"Mỗi người hãy dừng lại việc nói về cuộc sống của người khác, đừng kiếm câu chuyện làm quà mà không để ý tới tác động từ lời nói của mình", chuyên gia nói.
Theo chị, nếu đã quyết không sinh con nữa, người phụ nữ cũng cần mạnh mẽ, thể hiện rõ ràng điều đó với mọi người xung quanh hoặc ít nhất là nhắc nhở bản thân để tạo lớp bảo vệ trước những tác động bên ngoài.
Nhà tâm lý cho rằng, quyết định có nên sinh thêm con hay không phải cân nhắc nhiều yếu tố. Điều đầu tiên là bản thân họ có thực sự muốn làm việc đó hay không. Thứ nữa, cần xét xem người chồng có quan tâm đến con cái, hết lòng vì gia đình không hay việc sinh con đó chỉ vì ý muốn cá nhân và sĩ diện của anh ta? Thực tế cho thấy, những người đàn ông cố ép vợ sinh con trai thường lại là người hay áp đặt bạn đời trong nhiều vấn đề khác. Chị em cũng cần nghĩ tới tác động của việc đó tới các con gái để thêm mạnh mẽ đưa ra quyết định cho mình.
Vương Linh
Post a Comment