Chỉ trong vòng chưa đầy 20 ngày (từ 1/7 - 18/7), số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện Bạch Mai điều trị đã tăng đột biến, lên tới 90 ca, tăng gấp đôi so với tháng 6, hầu hết đều là những trường hợp nặng. Đó là thông tin được cung cấp từ bệnh viện Bạch Mai.
Theo đó, khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm ghép. Có thời điểm tại khoa, 3 bệnh nhân phải nằm chung một giường. Thậm chí, khoa Truyền nhiễm không tiếp nhận những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khác, chỉ tiếp nhận các bệnh nhân nặng, các bệnh nhân nhẹ hơn được giới thiệu về tuyến cơ sở điều trị để tập trung nguồn lực và trang thiết bị y tế cho các ca bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh nhân biến chứng sốt xuất huyết viêm cơ tim đã trải qua 10 ngày điều trị vẫn ở tình trạng nặng, được điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Dân trí) |
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, TS.BS Nguyễn Duy Cường (Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai) cho biết, từ tháng Một đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 199 trường hợp sốt xuất huyết, chưa có ca nào tử vong.
“Mỗi ngày, khoa tiếp nhận 25 - 30 bệnh nhân nặng điều trị nội trú và khoảng 50 trường hợp tới khám. Năm nay, bệnh sốt xuất huyết có những diễn biến bất thường, đến sớm hơn mọi khi, gia tăng số ca mắc bệnh nhiều hơn mọi năm. Đối tượng mắc bệnh nhiều chủ yếu là thanh niên trẻ, sinh viên. Khoa đã tiếp nhận cả bệnh nhân là người già 85 tuổi và nhiều ca mang thai, bệnh nhi. Số bệnh nhân mắc bệnh nặng chủ yếu tập trung ở Hà Nội (các quận như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng - PV)”, TS.BS Cường nói.
Theo TS. Nguyễn Duy Cường, bệnh sốt xuất huyết thường có điểm dịch tại các đô thị lớn gắn liền với quá trình đô thị hóa. Muỗi gây sốt xuất huyết thường sống quanh nhà, sinh sản trong các vật dụng chứa nước. Có những gia đình 4 người cả nhà cùng bị mắc bệnh.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc đặc hiệu điều trị nên biện pháp duy nhất là người dân nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng, phối hợp với chính quyền địa phương để diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường là sốt cấp tính (đột ngột), kéo dài 3 - 5 ngày, sốt cao, đau nhức người, bệnh nhân chán ăn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện rong kinh, rong huyết, đi ngoài phân đen…
Khi bệnh nhân sốt cao kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm như chân tay lạnh, vã mồ hôi, nôn ói, đau bụng, cần phải nhanh chóng đưa bệnh nhân vào viện ngay.
Sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ, ở mức độ 1, bệnh nhân sốt thông thường chỉ cần uống đủ nước giảm sốt. Mức độ 2, sốt cao kèm theo dấu hiệu cảnh báo nôn, cô đặc máu, tiểu cầu giảm. Mức độ 3, thoát huyết tương, suy đa phủ tạng.
Theo khuyến cáo của BS Cường, năm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết có một điểm chung là có suy gan, suy thận. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường rơi vào tuýp 1.
Còn theo PGS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, năm nay, tình hình dịch sốt xuất huyết có nhiều diễn biến bất thường, đặc biệt là tại Hà Nội. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đang trong tình trạng quá tải.
Bệnh viện mới tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 51 tuổi tại Ba Đình đã bị tử vong do bệnh sốt xuất huyết. Trước khi đến viện, bệnh nhân này nằm điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội, được chẩn đoán sốt xuất huyết, chụp CT phát hiện trong não có các ổ xuất huyết lớn, toàn bộ gan bị phá huỷ, được chuyển sang bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sáng 12/7 và tử vong sau đó 2 ngày. Bệnh nhân này có tiền sử đái tháo đường và tăng huyết áp nhiều năm nay.
Đây cũng là trường hợp thứ 2 ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết, ca thứ nhất là một nữ sinh trường đại học Ngoại thương Hà Nội tử vong vào hồi tháng 4 vừa qua.
Nguyễn Huệ
Post a Comment