Sáu tháng tuổi, nặng 7,5kg, bé Long Nông Minh Nhật (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) phát triển bình thường, ăn ngủ, lên cân tốt. Tuy nhiên, càng lớn, môi và các đầu ngón tay của bé có dấu hiệu tím và tím nhiều hơn khi bé bú và khóc.

Chị Long Thu Phượng – mẹ bé Minh Nhật cho biết, khi gia đình đưa bé đi khám tại bệnh viện Nhi Trung ương, qua thăm khám ban đầu, bé được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ kết luận bé Minh Nhật mắc phải tứ chứng Fallot. Lúc ấy, khái niệm “tứ chứng Fallot” vẫn còn rất xa lạ với gia đình chị.

“Thấy con ăn ngủ được, bụ bẫm cho nên không quan tâm tới chuyện con bị tím. Khi tình trạng con ngày một xấu đi, gia đình tôi cũng chỉ nghĩ con bị ốm. Không ngờ, khi đi khám, bác sĩ nói con mắc tim bẩm sinh khá nặng. Nếu không được phẫu thuật sớm, có thể bị tử vong bất cứ khi nào”, chị Phượng chia sẻ.

Theo chị Phượng, ca mổ của bé Minh Nhật được bác sĩ tiến hành khá thành công. Tuy nhiên, 24 giờ sau mổ, tình trạng bệnh của bé Minh Nhật có những diễn biến bất thường ngày một xấu đi.

“Trong suốt thời gian đó, gia đình chúng tôi như ngồi trên đống lửa, đứng ngồi không yên. Vì thể trạng con lúc ấy rất yếu nên đã có lúc bác sĩ nói gia đình cần phải chuẩn bị tinh thần con có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Lúc con được các bác sĩ quyết định chuyển xuống phòng can thiệp tim mạch để can thiệp tim một lần nữa, tôi đã khóc rất nhiều vì lo sợ con có thể mất ngay trong ca mổ. Từ khi con nhập viện, không ai dám về nhà, chỉ mong sao con có thể khỏe mạnh trở lại, nói cười như trước đây”, chị Phượng tâm sự.

Thoát khỏi tay "tử thần", bé Minh Nhật đã sẵn sàng cho ngày xuất viện.

Chia sẻ về tình trạng bệnh của bé Long Nông Minh Nhật, Ths. Cao Việt Tùng – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tứ chứng Fallot là trường hợp bệnh nhi có cùng lúc 4 dị tật (thông liên thất, động mạch chủ cưỡi ngựa lên vách liên thất (vách liên thất lệch sang bên phải vì bình thường lệch sang trái), thất phải dày, đường ra thất phải hẹp). Bệnh nhân được chỉ định mổ phẫu thuật để vá lỗ thông liên thất, tạo hình đường ra thất phải cho rộng.

Tuy nhiên, diễn biến 24 giờ sau mổ của bệnh nhi xấu đi nhanh chóng mặc dù các tổn thương đã được xử lý rất tốt. Các tạng trong cơ thể của bé bắt đầu suy chức năng nghiêm trọng: Mạch và huyết áp không ổn định, thận suy, gan suy, rối loạn đông máu.

Ths. Tùng cho hay, với trường hợp này, ngoài việc vá lỗ thông liên thất còn phải tạo hình đường ra thất phải cho rộng và thông thoáng. Chính vì vậy, vấn đề cần đặt ra khi hồi sức sau mổ là việc thích nghi của thất phải.

“Sau mổ, thất phải của bé Minh Nhật không được tốt, bé còn tổn thương thông liên thất phần cơ. Tổn thương này chỉ phát hiện sau phẫu thuật. Và siêu âm thông thường, siêu âm qua thành ngực không thể phát hiện ra mà phải siêu âm qua thực quản thì mới đánh giá được”, Ths. Tùng nói.

Trước những diễn biến bất thường của bệnh nhi, các bác sĩ đã thực hiện siêu âm thực quản ngay tại giường hồi sức cho cháu bé và phát hiện ra một lỗ thông liên thất phần cơ rất lớn ở mỏm tim gây nguy kịch đến tính mạng.

“Bệnh nhi sẽ cần phải phẫu thuật lại. Nhưng nếu tiến hành phẫu thuật lần hai trên nền thể trạng bị suy đa phủ tạng, nguy cơ tử vong rất cao. Để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhi, chúng tôi đã quyết định lựa chọn phương pháp bít lỗ thông liên thất phần cơ bằng can thiệp tim mạch: Tiếp cận qua mạch máu đùi để bịt lỗ thông liên thất là phương pháp khả quan duy nhất trong trường hợp này. Có lúc, chúng tôi đã nghĩ sẽ mất cháu”, Ths. Tùng cho biết.

Ca can thiệp đã được thực hiện thành công, tuy nhiên các bác sĩ vẫn phải vật lộn hồi sức các cơ quan bị suy để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân từ tay "tử thần". Sau 12 ngày điều trị tại khoa Hồi sức, cháu đã được rút máy thở và sau 28 ngày điều trị, cháu đã sẵn sàng xuất viện.

Ths. Cao Việt Tùng còn cho hay, tổn thương thông liên thất phần cơ có gặp trong tứ chứng Fallot nhưng không phải nhiều.

Hiện nay, đối với những bệnh nhân hẹp khí quản, trung tâm Tim mạch trẻ em, bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành phẫu thuật thường quy. Còn những trường hợp bệnh nhân tứ chứng Fallot được điều trị với tỉ lệ thành công cao nhờ phối hợp chặt chẽ giữa ngoại khoa, can thiệp và gây mê hồi sức.

Nguyễn Huệ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top