Liên quan đến tình hình dịch bệnh mùa hè đang diễn biến phức tạp, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (bộ Y tế) cho hay, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 59 người tử vong do các dịch bệnh. Trong đó, 35 ca tử vong do bệnh dại, 14 ca tử vong do sốt xuất huyết và 10 ca tử vong do viêm não virus.
Với dịch viêm não virus, 6 tháng đầu năm đã có 10 ca tử vong trong tổng số gần 400 ca mắc; số ca tử vong do dại là 35 trường hợp. “Tất cả 35 trường hợp tử vong do dại đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn”, TS. Phu cho hay.
Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận bệnh cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), cúm A (H5N1) ở người. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố lại liên tục ghi nhận các ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm. Kết quả xét nghiệm 1.370 mẫu cho thấy: Cúm A (H1N1) chiếm 9,3%; cúm A (H3N2) chiếm 2,5%; cúm B chiếm 7,9%...
Dịch bệnh mùa hè đang diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa). |
TS. Trần Đắc Phu cảnh báo, mùa hè có nhiều nguy cơ khiến dịch bệnh bùng phát như thực phẩm không an toàn, xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước sạch… làm gia tăng các bệnh đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm mưa nhiều… muỗi và véc tơ truyền bệnh phát sinh và phát triển.
Ngoài ra, sự giao lưu mạnh mẽ giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước; sự tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; tập quán sinh hoạt của người dân; học sinh, sinh viên từ các thành phố về quê nghỉ hè cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Phu cho hay, ngành Y tế sẽ tập trung tăng tỉ lệ tiêm chủng trong cả nước, không để còn vùng lõm về tiêm chủng; đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin viêm não; tăng cường tiếp cận điểm tiêm vắc-xin phòng dại; đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc-xin đảm bảo cung cấp đầy đủ và sẵn sàng.
Để phòng chống dịch bệnh mùa hè, TS. Trần Đắc Phu đưa ra 3 lưu ý "vàng":
1. Người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng; tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
2. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
3. Cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như: Chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ... Đặc biệt, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.
N.Giang
Post a Comment