Hình ảnh cho thấy thuốc còn nguyên vỉ chưa bóc nằm trong thực quản của bệnh nhân. |
Chiều tối 31/3, khoa Cấp cứu A9 bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân nam vào viện với triệu chứng đau tức ngực sau xương ức.
Theo lời kể, bệnh nhân bị cảm cúm. Chiều 31/3, sau khi đi khám, anh đã cầm đơn mua thuốc về uống. Chỉ sau khi uống thuốc vài phút, anh này xuất hiện đau giữa ngực, cảm giác đau nhói sau xương ức, nuốt nghẹn, khó thở.
Gia đình thấy vậy, hoảng hốt đưa anh trở lại phòng khám. Mặc dù đã cố gắng nghe tim, phổi, nội soi tai mũi họng... nhưng các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân. Anh được các bác sĩ ở phòng khám gửi tới khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai.
Khi tới khoa Cấp cứu, bệnh nhân vẫn có thể nói chuyện được, không khó thở, nhưng đau tức ngực sau xương ức. Sau khi hỏi bệnh, bác sĩ trực khám thấy anh có da và niêm mạc hoàn toàn bình thường, mạch đều, huyết áp không tăng cũng không tụt, nghe phổi thấy thông khí rõ, đều và không có ran.
Chẩn đoán sơ bộ ban đầu mà bác sĩ trực nghĩ tới là hóc dị vật thực quản, có thể dị vật là những viên thuốc mà bệnh nhân này uống lúc chiều.
Bệnh nhân được chỉ định chụp Xquang tim phổi, cổ nghiêng và nội soi thực quản, dạ dày và tá tràng. Kết quả chụp Xquang tim phổi, cổ nghiêng không thấy gì. Tuy nhiên, đúng như dự đoán, kết quả nội soi thực quản, dạ dày và tá tràng cho thấy bệnh nhân bị hóc dị vật.
Đáng ngạc nhiên ở đây lại là điều khó ai có thể nghĩ tới. Dị vật thực quản đúng là viên thuốc, nhưng viên thuốc này vẫn chưa được bóc khỏi vỉ, các cạnh sắc của vỉ đã chọc vào thực quản khiến nó mắc kẹt cứng tại đó.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai, nếu nuốt phải dị vật (dị vật thực quản) không được phát hiện (thường khó phát hiện ở người già và trẻ nhỏ) sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể gây thủng thực quản, áp xe cạnh thực quản, viêm trung thất, rò thực quản - khí quản, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, viêm màng ngoài tim/chèn ép tim... Tất cả các biến chứng này đều cực kỳ nguy hiểm và có thể gây tử vong.
Bác sĩ Chính cho biết, việc nuốt phải dị vật có tiên lượng tốt, đặc biệt khi được thăm dò, kiểm soát và theo dõi phù hợp. Phần lớn bệnh nhân nuốt phải dị vật đều không để lại hậu quả nào đáng kể. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân sẽ có các biến chứng như mô tả ở trên và số người tử vong do nuốt phải dị vật ở Mỹ vào khoảng 1.500 người/năm.
Đỗ Thơm
Post a Comment