Ung thư phổi có tỷ lệ mắc cao nhất

Theo các bác sỹ chuyên khoa, hàng năm Việt Nam có hàng nghìn người qua đời vì căn bệnh quái ác ung thư phổi. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Thế nhưng cũng giống như nghệ sỹ Hán Văn Tình hay ca sĩ Minh Thuận, không phải trường hợp nào cũng bắt nguồn từ thuốc lá.

NSƯT Hán Văn Tình phát hiện ra bệnh ung thư phổi từ đầu năm 2015 sau khi nhập viện trong tình trạng tràn dịch màng phổi. Sau hơn 1 năm tìm đủ mọi cách chữa trị từ đông y tới tây y nhưng gia đình nghệ sỹ cũng đành “nước mắt chảy xuôi” do bệnh đã ở giai đoạn cuối, di căn lên não và vào xương. Căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng người nghệ sỹ tài ba trong sự xót thương của hàng triệu khán giả Việt.

Ung thư phổi nguy cơ tử vong cao (Ảnh minh họa)

Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm, nghệ sỹ Hán Văn Tình trước đó từng chia sẻ, ông chưa từng hút thuốc và cũng không nghiện rượu bia, tuy nhiên vẫn mắc căn bệnh này.

Các bác sỹ chuyên khoa cho hay, ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở thế giới cũng như ở Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư phổi (hút thuốc là là nguyên nhân chính-PV), những người không hút thuốc vẫn hoàn toàn có thể mắc căn bệnh này.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai sau ung thư gan. Năm 2008 có 17.583 ca tử vong do ung thư phổi, trong đó nam giới 11.070 ca và nữ giới 6.513 ca. Ước tính cả nước hàng năm có khoảng 6.905 ca ung thư phổi mới mắc. Trong số các trường hợp ung thư phổi nhập viện, 62,5% không còn khả năng phẫu thuật.

Tại Khoa hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, số trường hợp ung thư phổi nhập viện tăng đều hàng năm. Giai đoạn 1969-1972 có 89 trường hợp mắc ung thư phổi, từ 1974-1978 có 186 trường hợp, từ 1981-1985 có 285 trường hợp, từ 1996-2000 có 639 trường hợp.

Thuốc lá là thủ phạm gây bệnh?

Theo khuyến cáo của bác sỹ chuyên khoa, trong số tất cả các ca bệnh ung thư phổi, 96% người bệnh có hút thuốc lá, thậm chí có người bỏ hút thuốc lá hàng chục năm vẫn có thể mắc ung thư phổi... Bác sỹ Vũ Hải- Bệnh viện K Trung ương cho biết, chỉ có một số ít những người mắc ung thư phổi là không liên quan đến thuốc lá, trong đó có ô nhiễm khói xe, phóng xạ, các bệnh liên quan đến phổi.

Theo các nghiên cứu đã được công bố, ngoài thuốc lá thì ô nhiễm không khí, môi trường; khí radon (sản phẩm của sự phân hủy tự nhiên từ uranium trong đất, đá, nước và cuối cùng trở thành một phần của không khí mà chúng ta hít thở hàng ngày); bụi amiăng- tên gọi của một nhóm các chất khoáng, có trong tự nhiên dưới dạng sợi và được sử dụng trong một số ngành công nghiệp là những nguyên nhân gây nên bệnh ung ung thư phổi. Trong đó, việc tiếp xúc với khí radon trong nhà là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc.

Thuốc lá "thủ phạm" số 1 gây ung thư phổi (Ảnh minh họa)

Theo tìm hiểu của PV, có khoảng 10-15% ca mắc ung thư phổi rơi vào những người không hút thuốc. Khoảng 20% số phụ nữ mắc ung thư phổi là những người không bao giờ hút thuốc. Ung thư phổi có khuynh hướng di truyền (khoảng 5-10%). Những người có cha mẹ, anh chị em hoặc con cái bị ung thư phổi trước tuổi 60 sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Theo các chuyên gia, ung thư phổi được xếp vào loại ung thư chiếm tỷ lệ tử vong lớn nhất trên thế giới bởi bệnh tiến triển nhanh, ít gây triệu chứng và điều trị khó khăn hơn các bệnh khác.

Để phòng tránh bệnh ung thư phổi, BS. Hải khuyến cáo, mọi người hãy bỏ thuốc lá và cũng tránh hút thuốc thụ động; hạn chế tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng, nhất là đối với những người phải làm việc trong môi trường có khí độc hại cần áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao thể lực với chế độ dinh dưỡng khoa học, thể dục đều đặn.

BS.Vũ Hải khuyến cáo, phần lớn các trường hợp ung thư phổi thường không có triệu chứng cho đến khi nó di căn. Tuy nhiên, người mắc ung thư phổi giai đoạn sớm vẫn có thể có dấu hiệu. Những dấu hiệu thường thấy nhất của ung thư phổi: Ho không dứt hoặc ngày càng nặng thêm, ho ra máu hoặc có vết máu khi khạc nhổ, đau ngực, đau hơn khi thở sâu, sút cân và chán ăn, mệt mỏi và đuối sức…

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top