Chơi game

Các ông bố bà mẹ ngày nay có rất nhiều lựa chọn khi mua đồ chơi cho trẻ, đặc biệt là những đồ chơi điện tử có thể tạo ra tiếng kêu được quảng cáo là có thể giúp trẻ tập nói nhanh. Nhưng trên thực tế, chưa hẳn những đồ chơi này có thể giúp được trẻ tập nói mà có khi ngược lại.

Đồ chơi điện tử và đồ chơi truyền thống

Bạn có con nhỏ đang tập nói và bạn muốn mua đồ chơi cho bé. Một món đồ có nhiều màu sắc hấp dẫn, tự sáng đèn khi được chạm vào và phát các tiếng nói như tiếng nói của một em bé, nghe thật hấp dẫn. Bạn rất có thể sẽ chọn mua món đồ chơi này cho con mình, cũng giống như nhiều ông bố bà mẹ khác với hy vọng món đồ sẽ lôi cuốn bé và có thể giúp bé tập nói. Nhưng các nhà khoa học thì lại không cho rằng như vậy.

Trên thực tế chúng tôi có bằng chứng là trẻ dưới 3 tuổi  không thể học ngôn ngữ từ bất cứ phương tiện gì khác hơn là giao tiếp với người lớn.

– Tiến sĩ Anna Sosa

Một nghiên cứu mới được công bố gần đây của các nhà khoa học thuộc trường đại học Northern Arizona, Hoa Kỳ, cho thấy những món đồ chơi điện tử tạo ra tiếng kêu, tiếng nói không hề giúp trẻ phát triển kỹ năng tập nói. Tiến sĩ Anna Sosa, người dẫn đầu nghiên cứu thuộc trường đại học Northern Arizona cho biết về lý do thực hiện nghiên cứu:

Theo tôi những gì chúng ta đã biết là trẻ nhỏ ở độ tuổi này học nói bằng giao tiếp với cha mẹ của mình và những người xung quanh. Các em càng được nghe nhiều thì các em càng có phản ứng lại nhiều bằng ngôn ngữ. Em bé sẽ bắt đầu nói bababa và mẹ sẽ nghe và nói lại đúng rồi ba ba ba. Chúng ta biết những trao đổi như vậy giúp trẻ bắt đầu tập nói. Thực ra chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy là trẻ có thể học nói từ những đồ chơi điện tử có thể bật đèn và tạo tiếng. Trên thực tế chúng tôi có bằng chứng là trẻ dưới 3 tuổi  không thể học ngôn ngữ từ bất cứ phương tiện gì khác hơn là giao tiếp với người lớn. Cho nên kết quả của nghiên cứu này cho thấy bằng chứng rõ ràng là khi có những đồ chơi điện tử như vậy thì bố mẹ dường như ít giao tiếp hơn với trẻ, vốn là điều cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Nghiên cứu được tiến hành trên 26 cặp bố/mẹ và bé với các em bé có độ tuổi từ 10 đến 16 tháng tuổi. Các nhà nghiên cứu muốn biết liệu trẻ sẽ có những phản ứng thế nào khi chơi với bố mẹ và đồ chơi điện tử so với khi trẻ chơi với bố mẹ và những đồ chơi không phát tiếng kêu như các hình dạng, con vật có màu sắc.

Mỗi gia đình tham gia nghiên cứu được nhận 3 bộ đồ chơi. Bộ đầu tiên là đồ chơi điện tử như máy tính đồ chơi cho trẻ, điện thoại cầm tay đồ chơi cho trẻ, hay một nhà kho nông trại biết nói. Bộ đồ chơi thứ hai bao gồm các loại đồ chơi truyền thống như các miếng gỗ xếp hình, các hộp nhỏ có hình ảnh, các miếng gỗ hình dạng khác nhau.

Các gia đình cũng được nhận 5 cuốn sách bảng có hình các con vật, màu sắc và hình dạng khác nhau. Các ông bố bà mẹ được yêu cầu chơi với trẻ 15 phút mỗi lần với các đồ chơi được đưa ra. Toàn bộ quá trình chơi được thâu hình. Băng thâu hình sau đó được đưa về cho các nhà nghiên cứu để tiến hành phân tích.

Kết quả cho thấy bố mẹ và trẻ ít giao tiếp với nhau hơn khi có các đồ chơi điện tử biết nói. Trẻ ít nói hơn hoặc nói ít hơn những từ có nghĩa khi chơi với các đồ chơi điện tử. Trong khi đó các quyển sách của trẻ lại khiến bố mẹ và trẻ trao đổi bằng từ với nhau nhiều nhất. Theo Tiến sĩ Sosa, kết quả này chứng minh được lợi ích của việc đọc sách ngay cả đối với những trẻ còn rất nhỏ. Ngoài ra, việc chơi với các đồ chơi truyền thống cũng khiến trẻ và bố mẹ giao tiếp bằng lời nhiều hơn. Tiến sĩ Sosa cho rằng kết quả này không xác định những đồ chơi điện tử là không tốt cho trẻ nhưng rõ ràng chúng không giúp phát triển kỹ năng nói cho trẻ như được quảng cáo.

Tôi không cho là tất cả các đồ chơi đó là không tốt cho trẻ. Tôi chỉ nghĩ là chúng ta không nên cho rằng những đồ chơi đó có thể dạy trẻ điều gì. Cho nên nếu chúng ta muốn dạy trẻ tập đếm hay nói tên các con vật, màu sắc thì chúng ta nên ngồi xuống với  trẻ và nói chúng, cho trẻ thấy các màu sắc, hình dạng và tập cho trẻ nói về chúng, cố gắng tạo tiếng của động vật. Theo tôi nếu các cha mẹ làm như vậy kết hợp với đồ chơi điện tử thì trẻ sẽ học được nhiều hơn. Khi  có đồ chơi điện tử cùng nói những từ đó thì các bố mẹ thường có xu hướng ngồi sang bên và để trẻ tự chơi với đồ chơi một mình. Trong khi đó chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy trẻ ở độ tuổi này có thể học được các từ về màu sắc, số đếm hay tên động vật từ các đồ chơi này mặc dù người ta quảng cáo là các đồ chơi này giúp trẻ phát triển các kỹ năng đó.

Có nên cho trẻ chơi đồ chơi điện tử?

Trong khi kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng đồ chơi điện tử biết nói không giúp trẻ phát triển khả năng nói, câu hỏi mà các ông bố bà mẹ lúc này có thể đặt ra là liệu chúng có hại cho con họ không? Và ở độ tuổi nào thì trẻ có thể được chơi với những món đồ chơi này?

Chị Trần Thị Hồng, một bà mẹ ở Hà Nội có con gái 16 tháng tuổi, cho biết chị vẫn thường xuyên cho con chơi những đồ chơi điện tử vì cháu rất thích và theo chị đồ chơi cũng giúp cháu có phản xạ.

Tuổi của nó bây giờ nó chỉ thích cái gì phát ra tiếng, phát ra nhạc. Những cái gì không phát ra tiếng thì con nhà em không thích chơi. Giờ nó cũng bắt đầu thích chơi đồ lắp ráp nhưng nó vẫn chưa dứt khỏi đồ chơi phát nhạc….. tầm 3 hay 4 tháng thì nó đã bắt đầu quan tâm rồi… 

Tuy nhiên chị cũng cho rằng những đồ chơi này hoàn toàn không giúp trẻ tập nói và có đôi lúc chị cũng để con tự chơi một mình vì bận.

Ảnh hướng xấu nằm ở chỗ những thiết bị này đã lấy mất khoảng thời gian giao tiếp giữa trẻ và bố mẹ.

– Tiến sĩ Anna Sosa

Tiến sĩ Sosa thì cho rằng, việc để trẻ thỉnh thoảng chơi một mình với đồ chơi điện tử cũng không gây hại.

Khi bạn phải nấu cơm và trẻ cần chơi thì bạn có thể để trẻ chơi với các đồ chơi này vài phút nhưng theo tôi các ông bố bà mẹ cần biết là những đồ chơi đó không phải là công cụ dạy trẻ nói. Chúng không thể thay thế các giao tiếp của trẻ với bố mẹ. 

Chuyên gia của trường đại học Northern Arizona cho rằng điều quan trọng là các ông bố bà mẹ cần phải cân bằng thời gian chơi của trẻ với đồ chơi điện tử và đồ chơi thường, trong đó thời gian chơi với người lớn và đồ chơi truyền thống phải được chú trọng nhiều hơn, nhất là trẻ ở độ tuổi dưới 3.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ không bao gồm các thiết bị điện tử hiện đại khác ngày nay mà các gia đình thường có như iphone, ipad hay các máy tính bảng khác. Các thiết bị này thường có những ứng dụng phần mềm được quảng cáo là các game cho trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đã có những nghiên cứu trước kia cho thấy một số phần mềm trong ipad có thể giúp cho trẻ bị autism ở độ tuổi nhà trẻ hoặc tiểu học giao tiếp tốt hơn. Tuy nhiên cho đến hiện nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào chỉ cho thấy trẻ nhỏ ở độ tuổi đang tập nói hoặc nhỏ hơn khi chơi với các phần mềm này thì sẽ biết nói sớm hơn hay giao tiếp tốt hơn. Tiến sĩ Sosa thì cho rằng có thể có những phần mềm giúp ích cho trẻ nhỏ nhưng điều này cần phải được xác định qua những nghiên cứu cụ thể sau này.

Trong khi đó, một số nghiên cứu khác gần đây thì lại chỉ ra rằng việc cho trẻ ở mọi độ tuổi dùng quá nhiều iphone, ipad hay TV đều không tốt. Bác sĩ tâm lý Douglas Gentile thuộc trường đại học Iowa, Hoa Kỳ cho biết:

Có nhiều nghiên cứu đã cho thấy là thời gian trẻ sử dụng các thiết bị điện tử và nội dung trong đó có những tác động quan trọng lên trẻ bởi những lý do khác nhau. Thời gian trẻ sử dụng các thiết bị điện tử thường ảnh hưởng đến vấn đề về sức khỏe của trẻ do thời gian mà trẻ sử dụng cho các hoạt động thể chất, nó liên quan đến nguy cơ về béo phì….

Nghiên cứu mới không được tiến hành đối với những trẻ dưới 10 tháng tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, các ông bố bà mẹ cũng có thể tìm thấy những món đồ chơi biết nói dành cho trẻ 6 tháng tuổi hoặc nhỏ hơn. Theo Tiến sĩ Sosa, việc cho trẻ nhỏ chơi với các món đồ chơi này hay thậm chí xem màn hình ipad, Iphone là hoàn toàn bình thường. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ thời gian chơi là bao lâu mà thôi.

Đối với những cha mẹ của trẻ ở độ tuổi 6 tháng và nhỏ hơn tôi cũng không khuyến khích họ để trẻ chơi quá nhiều với các đồ chơi đó và ipad hay phone. Có rất nhiều phần mềm ứng dụng khiến trẻ thích thú và khi trẻ chỉ chăm chú chơi với ipad và bố mẹ thì nhìn vào phone thì sẽ không có phản ứng qua lại, mất đi giao tiếp giữa bố mẹ và trẻ. Ảnh hướng xấu nằm ở chỗ những thiết bị này đã lấy mất khoảng thời gian giao tiếp giữa trẻ và bố mẹ.

Các bác sĩ nhi khoa cho rằng trong khi đồ chơi điện tử tạo tiếng nói và sáng đèn hấp dẫn trẻ, lôi cuốn trẻ thì những giao tiếp bằng lời giữa cha mẹ và trẻ giúp đặt nền móng cho việc phát triển ngôn ngữ của trẻ, cho phép cha mẹ tiếp cận trực tiếp với giai đoạn phát triển đầu tiên của trẻ để từ đó giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội sau này.

Bình luận với Facebook

Bình luận

Post a Comment

 
Top