Tôi không yêu cầu con mình phải nói lời cảm ơn ai đó, thay vào đó, chính tôi sẽ nói điều ấy ra để con trẻ có thể nhìn vào đó như một tấm gương.
Charles Tips là một cựu biên tập viên mảng khoa học, từng là một thủy thủ, doanh nhân, đồng thời cũng là cây bút viết nhiều bài cho diễn đàn Fatherly. Dưới đây là một bài viết của Charles Tips về cách dạy con đăng trên diễn đàn này.
Khi vợ tôi sinh con thứ hai, tôi đã phải nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn về những phương pháp nuôi dạy con cái. Đó là bởi chúng tôi nhận ra rằng mình sẽ phải đối phó với một vấn đề hoàn toàn khác biệt. Với đứa con đầu, chúng tôi không quá khó khăn để giải thích cho nó rằng điều gì nên làm hoặc không nên làm. Còn đứa thứ hai có lẽ sẽ khiến chúng tôi phải không ngừng hét lên "Không được", "Không cho phép"...
Ngay cả khi tôi phải dùng hình phạt "giam lỏng" chúng trong phòng, chúng cũng phản ứng khác nhau. Đứa con đầu của tôi ngồi trong phòng suốt 4 tiếng đồng hồ và chơi trò xếp hình Lego. "Con có muốn đi ra không?", tôi hỏi. Nó trả lời chắc nịch: "Không ạ! Con vẫn ổn".
Còn đứa thứ hai thực sự bướng bỉnh. Mỗi ngày tôi phải nhốt nó vài lần trong phòng vì tội quậy phá. Nhưng chỉ vừa mới đóng cửa lại thì đã nghe giọng nó oang oang: "Con ra ngoài bây giờ được không ạ? Làm ơn đi mà bố! Từ giờ con sẽ ngoan mà. Làm ơn đừng bỏ con lại một mình mà!".
Nhưng dù tính cách trái ngược nhau ngay từ đầu, hai con tôi vẫn luôn là những đứa trẻ ngoan và đã trở thành những người tốt.
Đứa con thứ ba của chúng tôi lại hoàn toàn khác. Lúc nào nó cũng như một ông cụ non vậy. Nó muốn mọi thứ phải theo đúng quy tắc và sẵn sàng tỏ ý không hài lòng nếu các quy tắc đó không được tôn trọng. Một lần nó nói với tôi:
"Bố! Bố đang chạy xe 32 km/h đấy!"
"Ừ, sao thế con?"
"Tốc độ cho phép chỉ là 30 km/h thôi"
Tôi không nghĩ rằng thằng bé có thể làm điều gì đó sai trái dù chỉ một lần trong đời.
Ba cậu con trai như thế khiến tôi và vợ mình thường xuyên tránh được những vấn đề nhức nhối mà các bậc cha mẹ khác phải đối diện trong kỳ họp phụ huynh. Có người bị chỉ trích vì để con chơi với súng đồ chơi, xem TV quá nhiều hay đến những khu vui chơi công cộng mà không có người theo sát. Có nhiều phụ huynh thắc mắc rằng vì sao các con của tôi lại ngoan ngoãn và biết điều đến thế.
Vì sao nhỉ? Rõ ràng là tôi chẳng phải là một bậc phụ huynh kiểu mẫu. Nhưng đây là một vài kinh nghiệm của tôi.
Ảnh: Kwizoo. |
Ghi nhớ
Tôi và vợ mình thường lập một bản ghi nhớ, ghi lại những khoảng thời gian, những hoạt động nào mà các con mình tỏ ra hòa nhập, hứng thú. Khi gặp vấn đề, chúng tôi tự tha thứ cho nhau, không khiển trách, không mắng mỏ. Dần dần, các con tôi tỏ ra hòa nhã hơn bất kể là chúng đang làm chuyện gì.
Du lịch và công việc
Bắt đầu từ mùa hè năm 12 tuổi, con cái tôi đều được gửi đi học nghề ở một nơi nào đó xa nhà, có đứa còn đi nước ngoài vào năm 14 tuổi. Lũ trẻ học cách tự trưởng thành khi phải chịu trách nhiệm về mình và những người khác.
Vui chơi
Ở thành phố, chúng tôi có những sân chơi rất tuyệt vời ngay phía sau nhà. Lũ trẻ vui chơi hàng ngày ở đó. Chẳng thứ gì dạy chúng các kỹ năng ứng xử xã hội như là các hoạt động vui chơi, giao tiếp cộng đồng này.
Phiêu lưu
Đó là sự phiêu lưu nghiêm túc chứ không phải mạo hiểm, bất chấp tất cả. Ngay từ năm 13 tuổi, tôi và một đồng nghiệp cũ đã đưa con trai mình vào sâu trong vườn quốc gia Grand Canyon xa hơn bất kỳ ai khác.
Tôi nhớ đến một lời khuyên rất chí lí của Josephine Duveneck, người sáng lập ra ngôi trường mà các con tôi đang theo học: "Trong nhiều trường hợp, niềm tin kiên định của chúng ta vào chiến thắng cuối cùng sẽ kéo thêm một đứa trẻ ra khỏi những khó khăn của mình".
Không nói lời cảm ơn
Tôi từng dành nguyên một ngày để phân phát những chiếc đĩa khuyến mại của một cửa hàng đến tay những đứa trẻ. Có đến cả 300 bà mẹ nói đi nói lại y nguyên một câu thế này với con mình: "Con nói gì với chú ấy đi chứ!". "Cảm ơn chú!", những cô bé, cậu bé lắp bắp nói ra câu ấy mà thậm chí còn không thèm nhìn vào mặt tôi một lần.
Trước đây rất lâu, tôi đã từng thề rằng mình sẽ không dạy con mình diễn trò hề ấy. Tôi sẽ không yêu cầu con mình phải nói lời cảm ơn ai đó. Thay vào đó, chính tôi thay mặt các con mình sẽ nói điều ấy ra. Con trẻ có thể nhìn vào đó như một tấm gương và tự giác làm theo. Bạn không có quyền ép chúng phải làm điều gì đó.
Khi lên 5, lên 6 tuổi, trẻ đã tự có những cảm xúc của riêng mình. Thậm chí chẳng cần tôi phải chen vào nhắc nhở, chúng cũng sẽ nói ra câu cảm ơn một cách thành thực tự đáy lòng nhất. Vì thế, nguyên tắc cuối cùng của tôi là: Đừng bao giờ dạy trẻ phải nói câu cảm ơn.
Minh Phương
Post a Comment