Gác ước mong sum vầy bên gia đình ngày Tết, nhiều bạn trẻ ở lại Sài Gòn tìm việc làm kiếm thêm thu nhập.

Trong khi các bạn cùng lớp và dãy trọ đang háo hức chuẩn bị áo quần, mua sắm quà cáp thì Bùi Thị Thu (sinh viên năm 2, Đại học Công nghiệp TP HCM) lặng lẽ đi tìm việc để làm thêm.

Thu quê ở Quảng Ngãi nhưng hai năm vào thành phố theo học, Thu chưa một lần về quê dịp cuối năm vì giá vé tàu, xe rất đắt đỏ. Nhà lại thuộc diện khó khăn nên cứ Tết đến, Thu ở lại Sài Gòn xin việc làm để kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống sinh viên.

Tự dặn lòng không được tủi thân, nhưng nữ sinh viên cho biết khi nhìn các bạn háo hức về quê, Thu không ít lần chạy vào phòng đóng cửa khóc một mình. Năm trước, ngay sau khi kết thúc chương trình học ở trường, Thu được nhận vào làm nhân viên thu ngân bán thời gian ở siêu thị với thu nhập 20.000 đồng một giờ. Năm nay, nữ sinh viên 9X dự định sẽ xin vào làm phục vụ ở các nhà hàng, quán ăn.

"Mỗi khi gọi điện về quê nghe cha mẹ kể lại không khí đón Tết của gia đình, làng xóm hay thỉnh thoảng trên đường đi làm nghe mấy bài nhạc xuân, em cũng thấy nao lòng lắm. Nhiều khi thấy nhớ nhà, nhớ quê da diết", Thu tâm sự.

noi-nho-tet-que-cua-nhung-nguoi-tre-an-tet-xa-nha-ok

Nhiều sinh viên đã được các đơn vị, tổ chức hỗ trợ xe để về quê ăn Tết. Ảnh minh họa.

Cũng quyết định đón Tết xa quê, Minh Tuấn (Hà Tĩnh) - sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Ngân hàng TP HCM cho biết, dù rất nhớ nhà vì đã gần một năm chưa về quê nhưng năm nay Tuấn quyết định ở lại thành phố làm thêm để kiếm tiền đóng học phí rồi ra Tết mới về thăm nhà.

"Thường ngày, em đi làm thêm chỉ được 50.000-60.000 đồng nhưng làm dịp Tết có thể cao gấp đôi ba lần. Nếu chịu khó trong mấy ngày này có thể kiếm được khoảng 5 triệu đồng", Tuấn cho biết lý do ở lại. Đây cũng là lần đầu tiên Tuấn đón năm mới xa nhà. Hiện nam sinh làm phục vụ cho một quán ăn với mức lương 150.000 đồng mỗi ngày và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong ba ngày Tết.

Cũng trong hoàn cảnh khó khăn, hai chị em Hạnh và Thương cho biết, dù Tết nay không tăng ca nhưng sẽ ở lại Bình Dương để vui xuân. Hai chị em đã vào Bình Dương làm công nhân may hơn ba năm nay, nhưng cả ba cái Tết đều không dám về nhà để tiết kiệm tiền lo cho các em ở quê ăn học.

"Nhiều khi cha mẹ gọi vào giục về nhưng tụi em đều nói dối rằng ăn Tết trong thành phố lớn nên vui hơn ở quê. Nói xong, cha vừa tắt máy thì em khóc òa vì nhớ cha mẹ, các em quá", Hạnh nói. Cô tính toán, dịp Tết, vé tàu xe cho hai chị em từ Bình Dương ra Nghệ An và đi vào cũng hết gần 5 triệu, chưa kể các chi phí khác nên hai chị em cứ lần lữa ba năm nay mà không dám về.

"Mấy ngày này mẹ điện vào nói chợ đã bắt đầu bán lá dong gói bánh chưng, tụi em nhớ đến không khí Tết ở quê. Ba ngày Tết nhưng phải mất cả nửa tháng trước đó chuẩn bị, hồi nhỏ tụi em chỉ chờ những ngày này để được cha mẹ mua quần áo mới rồi chờ đến đêm giao thừa để mặc", Hạnh tâm sự thêm. Cô cho biết để cho cái Tết đỡ buồn nơi đất khách, hai chị em Hạnh và Thương tham gia vào các câu lạc bộ đồng hương để Tết cùng rủ nhau đi chơi, hàn huyện chuyện quê hương cho đỡ tủi thân.

N.Loan

Chung tay cùng Pepsi biến 5.000 ước mơ sum vầy của những người có hoàn cảnh khó khăn trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam thành hiện thực qua chương trình “Tết sum vầy”. Hãy chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn và ước muốn sum họp bên gia đình của chính bạn và người quen để có cơ hội biến giấc mơ đoàn viên thành hiện thực, vì Tết chỉ vui khi trọn sum vầy.

Đăng ký nhận vé tại website hoặc gọi 04. 3939 3344. Chương trình “Tết sum vầy” kéo dài đến ngày 31/1/2016 do nhãn hàng Pepsi thuộc Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức.

Post a Comment

 
Top