Bây giờ nhà trong hẻm nhỏ giảm giá trị. Tôi muốn bán mà không dễ, người có tiền không muốn mua, người ít tiền thì không đủ khả năng.
Mua đất, xây nhà không tính toán đã khiến cuộc sống của anh Văn Đông (quận 7, TP HCM) dù được ở nhà to nhưng lại không hề thoải mái: vừa vướng nợ nần vừa gặp hàng xóm phức tạp. Dưới đây là chia sẻ của anh:
Tôi mua nhà năm 2006. Lúc đó, vợ chồng tôi có 900 triệu. Với số tiền đó cách đây 10 năm, tôi thực sự có rất nhiều lựa chọn. Sau nửa năm đi khắp Sài Gòn, tôi mua một nhà cấp 4 rộng 76 mét vuông, nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 với giá 550 triệu. Số tiền còn dư tôi dự định sẽ để dành sửa nhà.
Nhà cấp bốn đó vẫn có thể ở được một thời gian. Vợ tôi không muốn sửa nhà ngay, muốn dành tiền đó để gửi tiết kiệm hoặc mua thêm đất. Lúc đó, vợ tôi được bạn giới thiệu cho một miếng đất 50 mét vuông giá 400 triệu. Nếu mua, chúng tôi hoàn toàn có khả năng, chỉ cần vay mượn thêm một ít. Và tôi biết chắc một số bạn bè họ hàng có thể cho mình vay. Tuy nhiên, tính tôi hơi sĩ, tôi thích ở nhà đẹp, tôi muốn để dành tiền xây nhà. Cuối cùng vợ đành chịu thua.
Cầm 350 triệu trong tay, tôi quyết định xây nhà ba tầng để thoải mái, dù nhà tôi chỉ có 4 người, vợ chồng và hai đứa nhỏ. Đối với người giàu, nhà ba tầng cho 4 người ở thì quá bình thường, nhưng đối một cặp vợ chồng chỉ là nhân viên quèn (vợ tôi làm ở một cơ quan hành chính sự nghiệp của nhà nước, lương tính theo bậc, lúc đó lương khoảng 3-4 triệu gì đó, tôi làm cho một công ty xuất nhập khẩu, lương khoảng 7 triệu), xây nhà như vậy có vẻ hơi lãng phí. Mọi người có góp ý xây nho nhỏ nhưng tôi không nghe.
Ban đầu, tôi dự định xây nhà trong khoản tiền mình có. Tuy nhiên, trong quá trình xây, tiền nguyên liệu, nhân công phát sinh khiến tôi phải vay mượn thêm gần 200 triệu. Đi chọn gạch bông, nhìn gạch đắt tiền nhất mới đã mắt; chọn bồn cầu, chậu rửa, tôi cũng thích đồ đắt tiền. Tôi xây nhà, chừa một phần đất làm sân. Nhà trong hẻm nhưng tôi trang trí bóng đèn ở cổng khá cầu kỳ, bắt mắt. Nhà tôi bóng đèn điện giăng khắp nơi, chả thế mà tiền điện hàng tháng (dù không bật máy lạnh) cũng đến 500 nghìn đồng/tháng.
Mãi đến năm 2012, vợ chồng tôi mới trả hết nợ vay xây nhà. Khi chúng tôi vừa hết nợ thì cũng là lúc hẻm nhà tôi được khu phố nâng cao lên. Tôi ngày trước bỏ ra nhiều tiền xây nhà nhưng không làm nền cao, bây giờ lại phải nâng nền để nhà không ngập khi mưa. Lại phải đi vay 50 triệu để nâng nền. Ở nhà đẹp nhưng vợ chồng tôi gần như chả bao giờ hết nợ. Khoản nợ 50 triệu đến đầu năm 2014 chúng tôi mới trả hết.
Mấy năm nay, chúng tôi đã chán ngôi nhà mình ở, vì hẻm nhỏ nhưng không hề yên tĩnh. Những hàng xóm xung quanh không thích xây nhà to, họ chủ yếu xây phòng trọ cho thuê nên hẻm lúc nào cũng ầm ĩ náo nhiệt. Phòng trọ chật, mọi người tổ chức ăn nhậu, bày cả ra giữa hẻm. Một nhà bật nhạc, hát karaoke, các nhà xung quanh nghe đủ. Nếu có việc gì cần đi ô tô, taxi, chúng tôi phải đi bộ gần 500 mét vì xe hơi không vào được. Muốn mua bán thứ gì, vận chuyển vào hẻm cũng khó. Chưa kể, tháng trước nhà hàng xóm bị cháy, phương tiện cứu hỏa cũng không thể vào được.
Hai con lớn hơn, chi tiêu trong nhà tôi cũng tốn kém hơn. Lương vợ có tăng nhưng không nhiều. Tôi phải gồng mình làm việc. Tôi cảm thấy tiếc vì trước đây không nghe lời vợ, xây nhà bình thường, để dành tiền mua đất. Nếu mua miếng đất đó, bây giờ bán đi cũng có lãi, mà xây phòng trọ thì chúng tôi cũng có thu nhập.
Tôi dự định bán ngôi nhà mình đi, mua một ngôi nhà rẻ tiền hơn, dư ít tiền ra ngoài làm ăn riêng. Thế nhưng bán nhà to trong hẻm nhỏ không dễ. Tôi ra giá 1,8 -2 tỷ. Người có nhiều tiền thì không ai muốn chui vào hẻm nhỏ để ở, số tiền đó, họ có thể mua ở nhiều nơi thuận lợi hơn, xe hơi đỗ tận cửa mà vẫn yên tĩnh. Người ít tiền đành ở trong hẻm nhưng lại không cần ở nhà to và cũng không đủ tiền để mua nhà tôi. Giả dụ không bán được nhà, tôi cũng không thể cắt đất ra bán vì nhà đã xây kiên cố, thật là tiến thoái lưỡng nan.
Văn Đông
Gửi câu hỏi thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm mua nhà đất, quản lý tài chính của bạn tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net.
Post a Comment