Vì không muốn nợ nhiều, tôi chỉ mua căn hộ bình dân. Thắt chặt chi tiêu, tôi trả xong ngân hàng với thời gian rút ngắn còn một nửa.
Sống ở nhà nhỏ, chi phí ít hơn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn. Sống riêng, tâm lý thoải mái nên có điều kiện làm thêm việc bên ngoài. Nhờ thế, vợ chồng chị Thanh Hoa nhanh chóng trả hết nợ vay ngân hàng để mua nhà Hà Nội. Dưới đây là câu chuyện của chị:
Vợ chồng tôi quyết định ra ở riêng khi cậu con trai chuẩn bị vào lớp một. Sau nửa tháng tìm nhà, chúng tôi quyết định mua một căn hộ thuộc một chung cư cũ ở Cầu Giấy, rộng 45 mét vuông (tính cả phần ban công cơi nới), giá 900 triệu đồng vào đầu năm 2012. Chi phí sửa sang và sắm vật dụng mới hết tổng cộng 100 triệu. Về sửa nhà, chúng tôi chủ yếu sơn lại nhà, cải tạo một chút ở nhà vệ sinh, mua toàn bộ vật dụng từ bát đĩa, xoong nồi cho đến bàn ghế, giường đệm, ti vi, tủ lạnh. Chúng tôi không mang bất cứ một đồ gì từ phòng riêng của mình ở nhà bố mẹ chồng, kể cả cái tủ gỗ mới mua, cũng như tivi, máy giặt tôi mới sắm cho ông bà.
Như vậy, để bước chân vào tổ ấm mới, chúng tôi mất tròn một tỷ khi trong tay chỉ có 400 triệu đồng. Tôi vay thêm của mẹ đẻ 200 triệu và vay ngân hàng 420 triệu. Lúc đó, lãi suất ngân hàng là 15% (rất may đến năm 2013, lãi suất giảm xuống còn 12%). Mặc dù đăng ký gói vay 10 năm nhưng tôi xác định sẽ trả trước hạn, vì thế tôi mất công đi nhiều ngân hàng khảo sát lãi suất và các điều kiện cho vay. Cùng một ngân hàng nhưng các chi nhánh khác nhau cũng có nhiều điều khoản cho vay khác nhau. Cuối cùng, tôi chọn được một chi nhánh không phạt nếu trả tiền gốc trước. Về khoản vay của mẹ đẻ, tôi được nợ thoải mái, khi nào trả xong ngân hàng mới phải trả bà, và đương nhiên mẹ không lấy lãi.
Thu nhập lúc đó của tôi dao động trong khoảng 14-15 triệu/tháng, của chồng là 10 triệu. Theo lý thuyết, mỗi tháng chúng tôi trả lãi vay ngân hàng khoảng 5 triệu, gốc là 3,5 triệu. Tuy nhiên, tất cả tiền lương của tôi đều đem trả ngân hàng hết, nên sau một năm, lẽ ra chỉ giảm gốc được 42 triệu thì tôi trả được 130 triệu. Tiền thưởng Tết vừa vào tài khoản của tôi cũng chuyển ngay sang tài khoản trả nợ ngân hàng.
Chi tiêu hàng ngày của chúng tôi gói gọn trong khoản lương của chồng. Ban đầu, tôi nghĩ 10 triệu với một gia đình ba người quả khó mà sống nổi, nhưng khi thắt lưng buộc bụng mới thấy không có gì là không thể. Khoản dành cho con là cố định là 2 triệu mỗi tháng, trong đó bao gồm tiền học bán trú ở trường công, sữa, tiền sách vở, quần áo (mấy tháng mới mua một lần vì con chủ yếu mặc đồng phục khi đi học).
Mỗi tháng, chồng tôi giữ lại 2 triệu để ăn trưa ở công ty và các nhu cầu xăng xe, điện thoại cá nhân. Tôi cũng cố gắng chỉ chi tối đa 2 triệu cho nhu cầu cá nhân. Tôi đi làm bằng xe bus vì công việc ngồi bàn giấy ít đi lại. Còn 4 triệu tôi dùng để mua thực phẩm, các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Nhà tôi gần chợ, buổi sáng tôi tranh thủ dậy sớm, đi bộ, đi chợ mua thực phẩm cho 2-3 ngày liền. Sau đó, tôi về nhà làm bữa sáng cho gia đình, hôm thì ăn cơm rang, hôm thì xôi giò, hôm thì mỳ bò, vẫn đảm bảo dinh dưỡng mà chỉ hết khoảng 20-40 nghìn đồng cho cả ba người. Bữa tối nhà tôi khá đơn giản. Tôi giới hạn mỗi ngày tiền ăn không quá 100 nghìn đồng, nếu hôm trước lỡ tay mua thực phẩm đắt tiền như thịt bò thì hôm sau ngay lập tức ăn đậu phụ, tép rang.., vừa được đổi món mà lại tiết kiệm.
Nhà tôi ở tầng cao nên mùa hè khá mát, mùa đông đóng kín cửa cũng không quá lạnh. Phòng nhỏ nên chi phí điện nước của chúng tôi không nhiều, cộng thêm cả phí gửi xe, dịch vụ mỗi tháng chúng tôi tốn khoảng 400 -500 nghìn.
Các bạn có thể cho rằng cuộc sống của chúng tôi như thế là quá tiết kiệm nhưng thực ra, vợ chồng tôi một năm vẫn đi du lịch được một lần, Tết chúng tôi vẫn có chút tiền biếu bố mẹ hai bên.
Ngẫm lại, tôi thấy mình đã đúng đắn khi quyết định ra ở riêng. Trước đây, tôi sống chung với bố mẹ chồng, không tiết kiệm được là bao. Khoản 400 triệu mà tôi nhắc đến ở trên chủ yếu tôi có được nhờ tiết kiệm từ thời trẻ, tiền mừng đám cưới, và rất ít là tiết kiệm của vợ chồng trong thời gian sống chung với bố mẹ chồng. Gộp tất cả các khoản đó, tôi gửi mẹ đẻ đầu tư vào vàng.
Dù bố mẹ chồng có lương hưu, dù cô em chồng đã đi làm nhưng tiền điện nước của cả đại gia đình, vợ chồng tôi đóng hết. Nhà 4 tầng, điện nước không dưới một triệu mỗi tháng. Chúng tôi muốn mua sắm đồ đạc mới thì phải bỏ tiền, bố mẹ chồng không có ý định sắm sửa gì. Mỗi tháng tôi gửi mẹ chồng 3 triệu tiền ăn, bà nấu nướng chờ chúng tôi nhưng buổi tối về nhà tôi không được nghỉ ngơi, rửa bát, lau dọn là hết thời gian. Hồi đó chúng tôi cũng ăn uống lãng phí hơn vì ăn quà sáng ở quán, cuối tuần cả nhà hay kéo nhau đi ăn hàng.
Điều tôi đau buồn nhất là hồi đó, dù tôi mua sắm chăm chút cho ngôi nhà nhưng luôn bị mang tiếng là ở nhờ. Phải đến khi dứt ra mua căn hộ riêng, tôi mới được đứng tên cho nhà của mình, là người đồng sở hữu với chồng. Chưa kể ở riêng, chồng tôi cũng thoải mái khi làm việc nhà hơn, anh không ngại bị mẹ soi nữa. Nhà nhỏ nên ít việc nhà, tôi có thời gian làm thêm. Tôi làm kế toán nên có thể nhận thêm sổ sách ở các công ty khác về làm, cũng thêm một khoản thu nhập mỗi tháng.
Từ ngày chúng tôi ra ở riêng, tình cảm của tôi và bố mẹ chồng cũng tốt đẹp hơn. Cuối tuần chúng tôi đều về thăm ông bà (hoặc ít ra là chồng tôi và con trai sẽ về, nếu tôi bận việc), ông bà đều đón tiếp chúng tôi rất vui vẻ. Mẹ chồng không còn nói kháy tôi chuyện con gái tỉnh lẻ bỗng dưng có nhà Hà Nội nữa.
Tết này, chúng tôi đã hết nợ ngân hàng. Tôi sẽ ăn một cái Tết rất thoải mái. Sau đó, tôi có thể lên kế hoạch sinh bé thứ hai, tiết kiệm để trả dần nợ mẹ đẻ và tiết kiệm để đổi nhà to hơn.
Thanh Hoa
Gửi câu hỏi thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm mua nhà đất, quản lý tài chính của bạn tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net.
Post a Comment