Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, hiện bệnh viện có 8 bé nhập viện điều trị do viêm não. Trong đó có trên 50% là do viêm não Nhật Bản, còn lại là viêm não khác do vi rút, do môi trường... Một số bị nặng có nguy cơ tử vong.

Hầu hết các bé đều được chuyển từ các tỉnh miền Tây, ban đầu đều có những triệu chứng như sốt, đau đầu, nôn ói, nếu để lâu sẽ có những di chứng nặng hơn thậm chí là tử vong. Bệnh thường gặp từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm, chủ yếu do muỗi chích, một số trường hợp do ăn uống, do không khí ô nhiễm…

Còn theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, thời điểm mùa mưa bắt đầu, khu vực phía Nam đã xuất hiện các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết. Theo thống kê mới nhất, hiện toàn thành phố có 230 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 5% cùng kỳ năm ngoái. Bệnh diễn ra ở trẻ em chiếm tỷ lệ trên 50%. Người dân không nên chủ quan với căn bệnh, khi có triệu chứng sốt cao, co giật… dù là ngày đầu tiên cũng cần đi khám ngay, tránh tình trạng để bệnh nặng khi nhập viện sẽ khó điều trị và thêm biến chứng nặng.

Phụ huynh cho trẻ tiêm phòng vắc xin tại Viện Pasteur TP.HCM. (Ảnh: Lành Nguyễn)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm, bệnh viêm não Nhật Bản có thể gia tăng thời gian tới, diễn tiến bệnh rất nhanh. Bệnh thường gặp ở những vùng nông thôn vì người dân chủ quan không tiêm ngừa cho con em mình. Đặc biệt là ở những vùng người dân trồng lúa, nuôi lợn, các tỉnh phía Bắc nơi trồng cây vải. Viêm não Nhật Bản có vi rút ký sinh trong cơ thể con lợn, chim tu hú truyền sang người qua loài muỗi ruộng, loại muỗi thường sinh sản và trú ở ruộng nước, nên mùa vải cũng chính là mùa mà bệnh viêm não Nhật Bản gia tăng.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, bệnh viêm não Nhật Bản thường mắc ở những trẻ dưới 15 tuổi. Dấu hiệu ban đầu của bệnh là sốt cao đột ngột trên 39 độ, đau đầu, buồn nôn, nôn, co giật, co cứng, liệt, rối loạn về tinh thần như mê sảng, li bì, hôn mê… Với những trẻ nhỏ có thể có những dấu hiệu khác như sốt, thóp phồng, co giật, cử động bất thường, li bì, hôn mê… Tỷ lệ tử vong từ 10-20%, nhưng bệnh nguy hiểm là có thể để lại di chứng thần kinh về sau, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Phụ huynh cần tiêm ngừa vắc xin cho trẻ để phòng bệnh. Đồng thời để việc phòng bệnh tốt, người dân cần phải vệ sinh môi trường sinh sống, nhà cửa thoáng mát, cho trẻ ngủ mùng. Nếu ở nông thôn cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không cho trẻ chơi gần gia súc gia cầm, phải đề phòng muỗi chích thời điểm chập tối.

Lành Nguyễn

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top