Ngày 8/6, khoa Hồi sức Cấp cứu, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận sản phụ Đỗ Thị L. (34 tuổi, thường trú tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng thai 33 tuần, ra máu âm đạo... Trước đó, sản phụ chưa được khám và theo dõi thai định kỳ.

Kết quả xét nghiệm, siêu âm cho thấy thai nhi cử động hạn chế, trọng lượng gần gần 2,2kg, tương đương 33 tuần, hình ảnh mép dưới bánh rau bám qua lỗ trong cổ tử cung, khi làm Doppler mạch có nhánh mạch máu bánh rau ăn xiên vào lớp cơ tử cung tại vị trí vết mổ cũ, tụ dịch dưới mép bánh rau.

Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bị rau tiền đạo, rau cài răng lược, xuất huyết giảm tiểu cầu và chỉ định mổ cấp cứu.

Các bác sĩ đang tiến hành ca phẫu thuật cho sản phụ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Tiên lượng đây là ca mổ khó, có nhiều biến chứng nguy hiểm, tại khoa Hồi sức Cấp cứu, sản phụ được làm các xét nghiệm cơ bản, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nguồn máu, phối hợp với các chuyên Khoa như Sơ sinh, Ngoại, Gây mê, Hồi sức… chuẩn bị đầy đủ nhân lực để kịp thời xử lý khi nguy kịch.

Sau 2 giờ phẫu thuật (10h25 - 12h30) ca mổ đã thành công, cả mẹ và bé đều an toàn. Bé trai nặng 2,2kg.

Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân mất rất nhiều máu nên các bác sĩ phải tiến hành khâu cầm máu mỏm cắt, thắt động mạch tử cung, động mạch hạ vị, cắt tử cung bán phần và bánh rau để lại buồng trứng 2 bên và đặt sonde ổ bụng dẫn lưu cùng đồ sau. Nhờ các bác sĩ đã chủ động phòng ngừa băng huyết, bù tiểu cầu, hồng cầu lắng… tình trạng chảy máu của sản phụ được kiểm soát tốt.

Trong khi phẫu thuật bệnh nhân được truyền 2 đơn vị tiểu cầu, 4 đơn vị máu toàn phần. Kíp mổ do BSCKII. Nguyễn Quốc Hùng, BSCKII. Trần Thị Minh Lý, BS. Vũ Thị Thanh Ngọc, BS. Lương Trung Kiên cùng các kỹ thuật viên gây mê tiến hành.

Con của sản phụ được chuyển qua khoa Sơ sinh để được chăm sóc đặc biệt (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Do sinh non tháng nên cháu bé được chuyển sang khoa Sơ sinh của bệnh viện để cấp cứu và điều trị, còn sản phụ hiện đã qua cơn nguy kịch và được chuyển vào khoa Hồi sức Cấp cứu để tiếp tục điều trị hỗ trợ sau mổ.

BSCKII. Trần Thị Minh Lý, Phó Giám đốc bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, người trực tiếp phẫu thuật cho biết: Xuất huyết giảm tiểu cầu là một tình trạng bệnh nặng, dễ gây tai biến vì sản phụ có thể xuất huyết bất kỳ nơi nào như chảy máu đường tiêu hóa; tiết niệu, sinh dục... Biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não - màng não. Ngoài ra bệnh nhân còn bị rau tiền đạo trung tâm đối với sản phụ mang thai rất nguy hiểm và hiếm, có nguy cơ chảy máu dữ dội.

Do đó bác sĩ khuyến cáo, đối với phụ nữ mang thai cần được khám thai định kỳ và đúng quy cách, khi phát hiện thai có xuất huyết giảm tiểu cầu, rau tiền đạo trung tâm cần tuần thủ theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ.

Nguyễn Huệ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top